Trại A1 có 19 phòng và một số phòng để làm nhà bếp, (địch gọi là phòng). Nhà lợp tôn, vách tôn, cột kèo sắt, chiều rộng 6mét, dài 20mét. Xung quanh trại được rào bằng dây kẽm gai bùng nhùng dày đặc. A1 là trại đầu tiên của đảo Phú Quốc, tù binh chưa đông, có phòng ở chưa hết. Cả trại có khoảng 1000. Bên cạnh trại A1 là B1 (trại B1 vẫn còn để trống). Khu 1 được xây dựng trước con lộ 46, chạy qua phía bên này là dốc, bên kia dốc là khu 2 – khu biệt giam (gồm có trại A2 và B2). Trên đỉnh dốc là trạm xá và bồn nước.
Sau năm 1958, Mỹ-ngụy xây dựng các khu 3, 4, 5, 6. Năm 1969-1970, xây dựng tiếp khu 12. Toàn bộ các khu trại giam đều tập trung chính giữa đảo Phú Quốc có diện tích gần 540km2. Một khu có 4 trại: A, B, C, D, mỗi trại có 10 phòng (trừ khu 1 và khu 2, mỗi khu có 2 trại đôi).
Một tuần sau khi vào trại , qua tìm hiểu, tôi gặp được anh em đồng hương, có những đồng chí là Đảng viên, nhưng không dễ dàng tiếp cận và còn thăm dò. Do anh em trong trại đề nghị với bọn ban giám thị và bộ chỉ huy đảo, được chúng đồng ý để anh em bầu đại diện, phó đại diện. Từng phòng có cử trưởng phòng, cử người xuống nhà bếp nấu ăn. Tôi được sống hòa mình cùng với tập thể trong trại. Ở đây có các anh, các chú lớn tuổi, nhiều nhất là người miền Trung, có đồng chí đã bị bắt và nhốt tù trong các trại giam ở đất liền từ nhhững năm 1960, 1961, 1962…đến cuối năm 1967. Các anh, các chú phần lớn đều có kinh nghiệm, có vốn sống và kiến thức, đã trải qua nhiều nhà tù trong đất liền như: Phú Lợi, Chí Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai, Lê Văn Duyệt-Sài Gòn…trong số đó những đồng chí tập kết từ miền Bắc về. Có cả cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và trình độ văn hóa, chính trị cao. Đồng chí Nguyên Trọng (tức Nam Hà) nguyên là phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định-Bí thứ Đảng ủy nhà lao, đồng chí Lê Hai-Đảng ủy viên, đồng chí Nguyễn Văn Hòa-sĩ quan Quân đội, Đảng ủy viên.
Ở Quảng Nam-Đà Nẵng còn có các đồng chí Lâm Dừa (Cẩm Thanh-Hội An), đồng chí Cảnh (Cẩm Châu-Hội An), đồng chí Hồ (Điện Hòa-Điện Bàn) cũng bị Mỹ-ngụy đưa ra Phú Quốc hồi ấy.
Do ăn uống thiếu thốn, nằm trên đất lại không có nước tắm giặt, anh em bị ghẻ lỡ, hắc lào, áo quần tả tơi, rận rệp phát triển nhiều vô kể. Cứ sáng ra, anh em tù phải cởi áo phơi nắng bắt giết rận rệp – số anh em này ra đảo trước khi có nhà A1, họ phải sống trong các lều, bạt tạm thời. Đại diện ta đề nghị giám thị cho anh em được ra biển tắm ghẻ. Thấy yêu cầu trên là chính đáng, bọn chỉ huy trại giam chấp nhận. Cứ hàng tuần vào buổi sáng thứ bảy, chúng cho xe GMC chở anh em tù ra biển tắm chừng 10-15 phút, tắm xong chúng đưa anh em trở lại trại. Khi đi có quân cảnh áp tải. Việc ăn uống đều do nhà bếp tự nấu cho cả trại, không để nhà thầu mang cơm nước đến phát như lúc ban đầu. Thiếu củi đốt anh em đề nghị giám thị cho ra rừng chặt củi, có lính đi kèm. Vì mới đến, ban đầu chưa hiểu được địa hình, địa thế trên đảo, nên chưa ai nghỉ đến chuyện vượt ngục.
Bước sang năm Mậu Thân (1968), số cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang bị bắt từ đất liền đưa ra liên tục, trại A1 chẳng mấy chốc đã chật người, mỗi phòng thường có từ 50-70, có lúc lên tới 100-120 người. Không khí trong trại ngày một căng thẳng, ngột ngạt…không còn như cuối năm 1967 nữa. Quân cảnh, giám thị gia tăng đàn áp, đánh đập người tù – nhất là tù sau Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, địch bị tổn thất nặng nề nên chúng cay cú, đánh để trả thù, bắt tù binh đi lao dịch như xây dựng công sự, đào chiến hào. Tù binh không làm thì bị chúng đàn áp, tra tấn, bỏ đói…cốt làm cho người tù nhụt chí đấu tranh…Quyết không thể ngồi yên để chúng mặc sức giở mọi trò khủng bố, làm nhục. Anh em tù binh âm thầm tổ chức chuẩn bị các kế sách sẵn sàng đấu tranh…/.