Nội dung chi tiết

NGUYỄN XUÂN HỮU NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA TỈNH QUẢNG NAM
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 30/09/2009 .Lượt xem: 11024 lượt. [In bài]

- B.B.T -

Nguyễn Xuân Hữu tên thật là Nguyễn Hữu Trinh, sinh ngày 01/01/1923, tại xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Xuất thân trong gia đình bần nông, thân sinh của anh sớm có tinh thần cách mạng. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cụ tham gia phong trào yêu nước: Nghĩa hội Quảng Nam, phong trào Duy Tân hội, Việt Nam Quang phục hội, phong trào Duy Tân hội, phong trào chống thuế ở 10 tỉnh Trung Kỳ.

Truyền thống gia đình đã sớm đưa Nguyễn Xuân Hữu đến với cách mạng. Năm 1938, anh bắt đầu hoạt động trong tổ chức quần chúng học sinh Trường Mỹ Hoà, tiếp đến hoạt động tại xã Điện Hồng. Năm 1939, tham gia cuộc vận động bầu cử dân biểu ở Đại Lộc, Hoà Vang. Năm 1942, được tín nhiệm phân công làm cán bộ tuyên truyền của Việt Minh ở các xã trong vùng. Tháng 7/1942, anh bị địch bắt, kết án 2 năm tù, tống giam tại nhà lao Vĩnh Điện, Hội An. Vào tù, Nguyễn Xuân Hữu là một chiến sĩ trẻ tuổi dũng cảm chịu đựng, luôn vượt qua những cực hình tàn bạo nhất của bọn cai ngục Pháp, không khai báo cho địch những bí mật cách mạng, tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh trao lao tù. Cuối năm 1942, địch buộc phải trả tự do cho anh nhưng quản thúc tại quê nhà. Mặc dù vậy, anh vẫn bí mật tìm cách liên lạc với cơ sở, tham gia các cuộc đấu tranh do Mặt trận Việt Minh xã phát động.

Sau ngày đảo chính Pháp 09/03/1945, Nguyễn Xuân Hữu tích cực tham gia vận động chuẩn bị khởi nghĩa ở tổng. Tháng 8 năm 1945, anh được cử làm phó chủ nhiệm Việt Minh tổng Đa Hoà, phủ Điện Bàn, là thành viên trong uỷ ban khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần thắng lợi chung của cách mạng tháng 8 năm 1945.

Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 1/1946, anh thanh niên yêu nước Nguyễn Xuân Hữu được kết nộp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng Sản Việt Nam), được cử làm Phó Chủ nhiệm Việt Minh huyện Điện Bàn. Một thời gian sau, được bầu làm Phó Bí thư huyện uỷ. Đến tháng 3 năm 1947, đồng chí trúng cử vào Tỉnh Uỷ Quảng Nam-Đà Nẵng, được cử làm Bí thư Huyện Uỷ Điện Bàn.

     Tháng 10 năm 1947, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ tỉnh uỷ Quảng Nam-Đà Nẵng và tháng 5/1948, làm Phó Bí thư Tỉnh Uỷ Quảng Nam-Đà Nẵng. Tháng 4/1949, được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam-Đà Nẵng. Trong những năm công tác ở tỉnh, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng, cùng Tỉnh uỷ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, vừa chỉ đạo nhân dân vùng tạm chiến kháng chiến chống Pháp, vừa lãnh đạo nhân dân vùng tự do, đẩy mạnh phong trào ủng hộ kháng chiến, chống địch lấn chiếm...   

Tháng 7/1950, sau khi dự khoá II Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc ở Việt Bắc trở về, đồng chí được Liên khu ủy 5 điều động làm Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chính trị viên Tỉnh đội Khánh Hoà. Mặc dù công tác ở một địa phương mới, lại kiêm nhiều công việc, song đồng chí không ngừng học hỏi, tiếp thu những kiến thức về chiến tranh nhân dân, về thống nhất lãnh đạo lực lượng vũ trang của cấp uỷ Đảng, về chủ trương tăng cường xây dựng lực lượng, nêu lên những kế hoạch chỉ tiêu phát triển nhảy vọt mọi mặt lực lượng, đủ sức lực để chuyển sang tổng phản công.     

Từ ngày 16/7 đến 2/8/1951, Đảng bộ liên khu tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II tại huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Đại hội đã bầu 21 uỷ viên Ban chấp hành gồm 17 chính thức và 4 dự khuyết . Đồng chí Nguyễn Xuân Hữu được bầu làm uỷ viên chính thức Ban chấp hành Đảng bộ Liên khu 5.

Tháng 12/1951, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hoà lần thứ II, đồng chí được bầu làm Bí thư tỉnh uỷ. Với cương vị ấy, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân Khánh Hoà giành được những chiến công vang dội, đặc biệt là trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 đánh tan các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Khánh Hoà được liên khu 5, thưởng cờ Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuân hè 1954. 

Sau ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ, đồng chí Nguyễn Xuân Hữu được Đảng cử ở lại miền Nam để tham gia lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tháng 9/1954, đồng chí được phân công lãnh đạo phong trào kháng chiến ở tỉnh Khánh Hoà. 

Tháng 6/1955, đồng chí được điều về làm uỷ viên Tỉnh uỷ Liên tỉnh (gồm ba tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), năm 1956, được điều về làm Chánh văn phòng Liên khu uỷ 5. Với cương vị phân công, đồng chí góp phần cùng Liên khu uỷ 5 lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương trong Liên khu đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống địch phá hoại Hiệp Định Giơnevơ, chống “tố cộng, diệt cộng’ và Luật 10/59, xây dựng phát triển thực lực cách mạng tiến hành đồng khởi, góp phần đánh bại chiến tranh một phía của đế quốc Mỹ.

Cuối năm 1960, đồng chí được Liên Khu ủy 5 cử đi dự Đại Hội Đảng Toàn quốc lần thứ III. Khi vừa đến Hà Nội, đoàn Liên Khu 5 được Bác Hồ mời đến. Sau khi ân cần thăm hỏi sức khoẻ các đồng chí trong đoàn, Bác hỏi đồng chí Nguyễn Xuân Hữu: “Chú có biết công tác ở miền Nam hiện nay, cái gì là quan trọng nhất?”. Đồng chí trả lời: “Thưa Bác công tác bí mật ạ”. Bác Hồ chỉ tay vào đồng chí và hỏi: “Ai lộ bí mật cho chú”, rồi Bác vui vẻ cười đôn hậu.  

Tháng 10 năm 1961, đồng chí được Khu ủy phân công đi chỉ đạo phong trào diệt ác, phá kèm, mở ra giành dân ở đồng bằng (gọi là kế hoạch 32A), giữ chức Bí thư Đảng ủy Mặt trận Nam Quảng Nam-Bắc Quảng Ngãi, tháng 4/1962, được bầu vào ban thường vụ Khu ủy Khu 5, phân công phụ trách công tác Dân vận-Mặt trận. Với cương vị công tác mới, đồng chí liên tục đi chỉ đạo các tỉnh đẩy mạnh công tác phát động quần chúng, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, động viên cao nhất sức người sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ năm 1963 đến 1971, với cương vị là thường vụ Khu ủy, đồng chí đã tập trung sức lực chỉ đạo phong trào chống Mỹ ở ác tỉnh Bình Định, Khánh Hoà, Phú Yên, coi trọng việc tổng kết tình hình, đề ra các biện pháp công tác, tìm cách khắc phục khó khăn, đưa phong trào tiến lên.

Năm 1965, đồng bào và chiến sĩ Khu 5 giành được thắng lợi to lớn, góp phần đánh bại chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn và đông dân ở các tỉnh ven biển miền Trung- Tây Nguyên, đồng chí được Khu ủy Khu 5 cử đi báo cáo tình hình ở Trung ương, kết hợp với chữa bệnh. Sau hội nghị Trung ương, đồng chí đến báo cáo riêng với Bác Hồ và được Bác mời ở lại ăn cơm trưa với Bác. Gặp Bác lần này (trước đó, đồng chí đã 2 lần được gặp Bác), Bác đã dành một phần nhân sâm Trung ương đến thăm cho Bác để tặng cho đồng chí, có kèm theo bản đánh máy hướng dẫn rất tỉ mỉ cách dùng. Măc dầu Bác không ký tên nhưng đồng chí biết đó chính là lời dặn tự tay Bác đánh máy.

Nhận mấy củ nhân sâm của Bác, đồng chí xúc động không nói nên lời, chỉ xin được chào tạm biệt Bác để hôm sau lên đường vào lại chiến trường Khu 5. Tháng 9/1969, trên đường hành quân từ Khu ủy vào Khánh Hoà thì nhận được tin Bác mất, đồng chí bàng hoàng đau đớn. Cái kỷ vật vô giá là tình cảm của Bác cùng mấy củ sâm Bác tặng, đồng chí ấp ủ gói trong trái tim và ngực áo, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Năm 1976, trong lần dự Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ IV, ba củ sâm của Bác tặng được đồng chí trao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ làm kỷ niệm.

Tháng 11/1972, đồng chí được Thường vụ Khu ủy phân công làm thường trực Đảng Khu ủy Khu 5. Với nhiệm vụ này, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Từ ngày 15 đến 22/12/1973, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khu lần thứ III, đồng chí Nguyễn Xuân Hữu được bầu làm Ủy viên ban chấp hành Khu uỷ, rồi Thường vụ khu ủy, góp phần đề ra những chủ trương sáng suốt, nhất là chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, góp phần cùng toàn miền Nam đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.  

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, hai đơn vị Khánh Hoà và Phú Yên hợp nhất thành một đơn vị hành chính lấy tên là Phú Khánh, đồng chí Nguyễn Xuân Hữu được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy. Từ năm 1976 đến 1986, đồng chí liên tục giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Phú Khánh. Với cương vị đó, đồng chí cùng tỉnh uỷ lãnh đạo việc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đưa tỉnh Phú Khánh trở thành một trong những tỉnh mạnh của cả nước.   

Tại các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng12/1976), lần thứ V (tháng 3/1982), lần thứ VI (tháng 2/1986), đồng chí được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Trong cuộc bầu cử quốc hội Khoá VI ( tháng 4/1976), Khoá VII (tháng 4 năm 1982) và khoá VIII (tháng 4/1987), đồng chí được cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Phú Khánh. Tháng 4/1987, được Quốc hội khoá VIII bầu làm ủy viên Hội đồng Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Từ sau Đại hội VI của Đảng, đồng chí được Trung ương điều về làm Trưởng Ban trù bị Đại hội Nông dân tập thể Việt Nam. Tại Hà Nội, không may đồng chí bị ốm nặng, tổ chức, gia đình và bạn bè chăm sóc chu đáo, nhưng do bệnh tình hiểm nghèo, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng lúc 2 giờ ngày 29/10/1989 tại bệnh viện hữu nghị Việt Xô - Hà Nội.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, từ thời trai trẻ bí mật tổ chức lực lượng tham gia cướp chính quyền trong tay thực dân phong kiến, khi sa vào tay giặc, bị tra tấn khổ nhục vẫn không khuất phục, quyết giữ tròn khí tiết người Cộng sản, tham gia lãnh đạo chống lại sự đàn áp của kẻ thù; đến khi trở thành cán bộ lãnh đạo của Tỉnh, của Khu, của Trung ương, đồng chí luôn là cán bộ đầy nhiệt huyết, có năng lực công tác, có trình độ tổng hợp, phân tích, làm sáng tỏ nhiều vấn đề, nhất là công tác vận động quần chúng, tập hợp lực lượng. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở Khu 5, đồng chí được anh, chị em cán bộ, đảng viên thường ca ngợi lả “một chuyên gia phát động thúc đẩy phong trào”. 

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn là cán bộ mẫu mực, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có nghĩa có tình với đồng đội, với dân, với Đảng, được đông đảo cán bộ các tỉnh, các ban ngành của Khu 5 mến phục, quý trọng và noi gương.

      Từ những thành tích đóng góp xuất sắc, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Thành đồng hạng Hai, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác ./.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Người con Điện Nam anh hùng
Gặp lại “chị” Chính, người cán bộ binh vận xuất sắc
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
CHẾT VINH HƠN SỐNG NHỤC
GƯƠNG HY SINH CỦA LIỆT SĨ NGUYỄN ĐÌNH TRÂN
HOÀNG HỮU NAM TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG TRUNG THÀNH VỚI DÂN VỚI ĐẢNG
PHAN TRIÊM (1916-2001)
NGUYỄN XUÂN NHĨ(1912 – 1983)
VÕ CỮU NGƯỜI CON KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT CỦA ĐIỆN BÀN
ĐI THEO CON ĐƯỜNG CỦA ĐẢNG ĐÃ VẠCH
Các tin cũ hơn:
NGUYỄN TRÁC MỘT TẤM GƯƠNG TẬN TRUNG VỚI NƯỚC, TẬN HIẾU VỚI DÂN
TRẠI GIAM LÀ TRƯỜNG HỌC, NƠI TÔI LUYỆN LÒNG KIÊN TRUNG CỦA NGƯỜI CHIẾN SĨ
NHỚ MÃI TÊN ANH
HAI LẦN Ở NHÀ LAO HỘI AN
NHÀ LAO ĐẾ QUỐC – TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ CÁCH MẠNG
NIỀM TIN LÚC ĐI ĐÀY
GIA ĐÌNH MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG LÊ THỊ KHI
PHẠM TỨ (1917-1987)
ÔNG TÂN MẶT TRẬN
NGƯỜI NUÔI DƯỠNG MỘT NIỀM TIN
    
1   2  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm