Nội dung chi tiết

ĐI THEO CON ĐƯỜNG CỦA ĐẢNG ĐÃ VẠCH
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 30/09/2009 .Lượt xem: 6406 lượt. [In bài]

-  PHẠM THÀNH NGHI -

Năm 1959, tôi mới ở tuổi mười ba, cái tuổi mà người ta thường cho rằng là tuổi “vị thành niên”, chưa đủ trí khôn để cảm nhận được cái đúng, cái sai của cuộc sống diễn ra hàng ngày. Nhưng vì xuất thân trong một gia đình nông nghèo lại có truyền thống cách mạng từ hồi chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nên tôi được nhiều người thân trong nhà dạy dỗ chu đáo, sớm biết yêu ghét rõ ràng. Quê tôi ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ tôi là Lê Thị Mốt (bà Y) thường nuôi dấu cán bộ cách mạng. Anh ruột tôi là Võ Như Y bị bọn ngụy quyền địa phương giết hại hồi năm 1959, khi có luật 10/1959 của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Mối căm thù, uất hận đã làm tôi bắt đầu cảm nhận được những điều ngang trái của xã hội đương thời.

Anh Hà và Nguyễn Đức Thọ cán bộ huyện, hiểu được nỗi thù hận của tôi và gia đình, nên mạnh dạn giao nhiệm vụ trinh sát cho đội công tác xã Điện Minh cùng huyện. Mãi đến năm 1966, tôi mới được lên đường nhập ngũ, vào đơn vị thông tin của Tỉnh đội Quảng Đà.

Sau chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy toàn miền Nam Tết Mậu Thân năm 1968, tôi được điều sang Đại đội Lê Độ biệt động thành Đà Nẵng, giữ chức Đại đội phó kiêm chính trị viên phó Đại đội.

Một hôm trên đường đi công tác, vừa đến ngã tư chợ Cồn, tôi bị sa vào tay giặc do bọn chiêu hồi chỉ điểm. Như hổ vồ được mồi, bọn chúng đưa tôi đến ngay Trung tâm chiêu hồi hòng mua chuộc. Nhưng chúng đã thất bại ngay từ ban đầu. Chúng đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn do quan thầy CIA Mỹ dạy bảo, nhưng đều không moi được gì ở tôi dù chỉ một lời. Mặc dù có ba tên chiêu hồi chúng đưa đến       để đối chất. Hai tên an ninh đưa thằng Ba ra đứng tần ngần trước mặt tôi. Chúng hỏi thằng Ba: “Ê Ba, mày có biết chị này không?”. “Có biết, chị Tám phi dê (tóc cắt ngắn) là cán bộ hợp pháp của thành đấy” . Người tôi như một cú sốc, nhưng tôi cố bình tâm, nhìn thẳng vào mặt thằng Ba, mặt hắn tái xanh như cọng rau luộc. Tôi nói: “Tôi từ Sài Gòn ra đây để buôn bán mà biết gì mà cán bộ. Các ông doạ nó , nó sợ các ông nên nói bậy đó. Chứ tôi đâu biết nó là ai”. Giọng nói của tôi lơ lớ Sài Gòn. Ba tên an ninh ngụy liền xông vào tát tai tôi lia lịa: “Tao chưa hỏi, cớ sao mày nói”. Thằng Ba sửng sốt, đứng như trời trồng, không nói thêm được câu nào. Chúng đành đưa hắn vào phòng, rồi quay lại, vẻ mặt hầm hầm cau có, đẩy tôi lên xe jeep. Chúng nói: “ Tống nó xuống thẩm vấn Thanh Bình, ở đó, mày sẽ biết”.    

Cho đến nay, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, gần một phần ba thế kỷ, song, trong tâm trí tôi vẫn hằn sâu những kỷ niệm căm thù về những ngày trong địa ngục trần gian của Mỹ ngụy, chỉ có những người cùng lí tưởng cách  mạng mới có ý chí để vượt qua. Ngày đêm, tôi sống trong đau thương quằn quại dưới nanh vuốt của bọn thẩm vấn, chúng thay nhau tra tấn từ mười bốn giờ ngày hôm trước đến bốn giờ sáng hôm sau. Tra tấn cho đến khi tôi ngất xỉu, rồi ném xá tôi vào xà lim, bất động cho đến khi tỉnh dậy, tôi nghe văng vẳng tiếng người kêu la thảm thiết xen lẫn tiếng la hét của địch, tiếng giày đinh, tiếng lách cách ổ khoá chạm vào xà lim. Người tôi mềm nhũn, da thịt tím mọng như trái mùng tơi chín, ruồi muỗi đua nhau hút máu.

Sáu giờ sáng, là cái giờ thường vắng vẻ, có tiếng gõ cửa tường “cốc, cốc” ở  phòng bên, một giọng bên hỏi vọng sang: “Số tám bị bắt hồi lúc nào? Tên gì?, rồi lại tiếp tục gõ và hỏi. Tôi ráng vịn vào tường, đứng dậy nhìn qua ô cửa gió đối diện phòng tôi. Một em nhỏ khoảng mười bốn tuổi, đưa tay chỉ lên phòng mười một, em nói:  kia cạnh phòng tôi là số sáu, tiếp đến là số mười, tôi đã rõ, hồi nãy người gọi tôi ở phòng số sáu rồi. Được cái may mắn là các phòng đều cạnh nhau.

Tôi hỏi số sáu, số sáu trả lời: “ Tôi là Hổ”. Nghe tên Hổ, tôi giật nảy người. Vì Hổ là bí danh của chính trị viên biệt động Lê Độ. Tôi cũng biết số mười một là em Mẹo, biệt động quận Nhất, số mười là Thanh Lan, giao liên quận. Chúng tôi trao đổi nhanh với nhau tìm cách đối phó với âm mưu xảo huyệt của địch.

Hổ hỏi tôi, khai báo như thế nào? Chú ý đã có người phản bội, tự nhận họ là quận đội phó biệt động rồi đấy. Tôi nói: “Địch nó ranh ma lắm, cán bộ ắc phải có quân, chúng sẽ truy đến cùng”. Nghe nói vậy, Hổ hiểu ngay. Tôi nói tiếp: “Mình chẳng có tài gì mà khai, mình là vợ biệt động quân ngụy, từ Sài Gòn ra buôn bán, giấy tờ không hợp lệ nên mới bị bắt. Ở Sài Gòn mới ra, thì biết ất giáp mô tê gì mà khai”. Trong người tôi, có hai tấm ảnh, ảnh chồng biệt động quân và ảnh đứa con trai ba tuổi. Thẩm vấn lục đã lấy giữ, đó là lời khai của tôi bất di bất dịch rồi.

Tôi bị tra tấn liên tục là vì Hoa và Xê đã chiêu hồi khai báo. Mười đêm liên tiếp, chúng bịt mắt tôi và dẫn đi tra tấn, hỏi cung, không có đêm nào nghỉ. Mỗi đêm bốn tên thẩm vấn cứ thay nhau đánh đập, cho đi “tàu bay”, “tàu lặn”  cho đến ngất, lại ném xác vào xà lim. Tôi nằm mê man bất tỉnh, nói lẩm nhẩm: “Mẹ ơi, con khát quá”. Trong cơn mê sảng như thấy hình ảnh mẹ tôi cho tôi uống nước và khuyên tôi: “Con hãy cố gắng chịu đựng để bảo vệ cách mạng. Rồi ngày chiến thắng, con trở về với mẹ nghe”, tôi ôm chầm lấy tấm thân gầy guộc của mẹ, khóc nức nở. Vết thương trên đầu làm tôi đau nhói, tỉnh dậy, tôi lại gọi: “Mẹ ơi, con khát quá”. Nghe tiếng róc rách nước cầu tiêu đang chảy, tôi đưa tay ra hứng, hớp một ngụm. Nước mặn chát nên phải oẹ ra, nước bọt lẫn với máu trào từ miệng. Bất giác, tôi nhớ lại ngày đầu đi cách mạng, mẹ có dặn: “Làm cách mạng là phải chịu đựng gian khổ, có khi phải hy sinh cả tính mạng, có khó khăn, gian khổ đến mấy con cũng phải gắng chịu đựng và khi rủi  bị sa vào tay giặc, con phải cố gắng bảo vệ cách mạng”. Lời dặn dò của mẹ như tiếp thêm sức mạnh thần kỳ để tôi và tất cả anh chị em trong tù chịu đựng và vượt qua tất cả mọi thứ cực hình dã man của kẻ mặt người dạ thú. Nhưng dù có ác quái đến đâu, chúng cũng không diệt được ý chí kiên trung bất khuất của những người cách mạng đã được tu luyện trong lò lửa đấu tranh.

Hơn nửa tháng ở xà lim, tôi có cảm giác lâu như cả một đời người, đúng là: “Nhất nhật tại tù. Thiên tu tại ngoại”. Bất chấp cực hình tàn bạo của địch, bên ngoài phong trào đánh Mỹ vẫn cứ phát triển, những đồng đội cùng chí hướng luôn là người chiến thắng. Một phụ nữ như tôi chân yếu tay mềm luôn bị tra tấn bằng giày đinh, dùi cui, điện giật, treo ngực người lơ lửng ở tầng không, bịt mũi đổ nước xà phòng và nước muối đầy bụng, rồi dẫm đạp cho ọc ra, không biết mấy lần.

Quần áo không được thay, người không được tắm rửa, căm thù chồng chất căm thù, quyết không đội trời chung, nhất định phải bắt chúng đền tội. Tôi còn nhớ anh Hà Kỳ Ngộ, người cán bộ lãnh đạo, anh cũng bị địch tra tấn rất tàn bạo, song tiếng hát yêu đời của anh như chắp thêm đôi cánh cho tôi và tất cả anh chị em trong tù “bay qua cõi chết” hằng ngày. Lại có thêm cô Nguyễn Thị Thanh (Lan) ở phòng số mười, như chim quành khuyên bị nhốt trong lồng sắt nhưng cô vẫn ca hát suốt ngày: Ai về thăm đất Quảng Đà anh hùng. Quê hương tôi là dãy núi trường sơn.

Khoảng trung tuần tháng 5/1969, chúng đem nhốt tôi vào Ty Gia Long với âm mưu nham hiểm. Chúng dẫn anh L cùng đơn vị với tôi đến để đối mặt. Tiếp tục tra khảo tôi, mong tôi nhận. Một lần nữa, dù bọn địch thâm độc đến mấy cũng phải thất bại, buộc phải trả tôi về phòng. Và chính đồng đội đã nhìn thấy hành động dã man của kẻ địch đối với người nữ tù, càng thêm tin tưởng, gắn bó hơn với đồng đội.

Thấy không có cách gì làm lay chuyển những con người “gan đồng, da sắt”, chỉ còn việc khép án tù, tiếp tục đày ải. Vào khoảng giữa năm 1969, bọn ngụy quyền Đà Nẵng mở phiên toà đưa chúng tôi ra xét xử. Cùng với tôi, có các đồng chí: Ký, Tửu, Chiến, Lân, và một số đồng chí khác nữa. Trước phiên toà, tên ủy viên công tố ngụy quyền hỏi tôi: “Bị can có xin ân xá giảm án gì không và có ân hận gì trước bản án sáu năm tù toà tuyên phạt không?”. Tôi dõng dạc trả lời: “Tôi có tội gì mà xin ân xá, giảm án và cũng chẳng có gì mà phải ân hận. Chỉ tiết là tôi bị bắt quá sớm, không còn cùng đồng đội ngoài mặt trận để chiến đấu chống bọn đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước giải phóng quê hương, trong đó có gia đình tôi...”. Tôi nói chưa hết lời, bọn chúng lôi tôi xuống. Người xem phiên toà rất đông, mà đông nhất là anh chị em công nhân, chúng sợ để lâu ngược lại phiên toà sẽ là nơi luận tội bọn chúng.

Tháng 12/1969, chúng đầy anh chị em chúng tôi vào nhà lao Thủ Đức. Trong phòng giam, chị em chúng tôi vẫn sinh hoạt chi bộ Đảng, số tù Đà Nẵng mới vào. Được một thời gian ngắn thì địch nghi ngờ, tìm cách phân tán chị em chúng tôi đi các phòng. Chúng đưa riêng tôi qua an dưỡng, trại này cũng bị chúng theo dõi rất gắt gao, nhưng chúng tôi vẫn tìm mọi cách tập hợp được năm đảng viên sinh hoạt trong một chi bộ, để làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh ở trong tù. Sau khi thành lập chi bộ tại phòng an dưỡng Thủ Đức lấy tên chi bộ là Nguyễn Thị Minh Khai, đảng viên trong chi bộ và chị em trong phòng đã loại được hai tên nội gián, mở tung các cửa phòng giam. Đúng 7 giờ sáng, chị em được gặp mặt nhau, các phòng tập trung lại đấu tranh trong suốt 61 ngày đêm. Đến ngày 20/10/1970, kẻ địch dùng lực lượng cảnh sát đàn áp đưa chị em đến nhà tù Tân Hiệp-Bình Hoà. Tại nhà tủ Tân Hiệp đều bị cấm cố nhưng cũng tiếp tục đấu tranh đến 26/11/1970, bọn cai ngục Tân Hiệp đàn áp bằng phi tiễn, lựu đạn. Chị em bạo động la, rồi tuyệt thực chín ngày. Sau đó, tiếp tục đấu tranh bằng nhiều hình thức với kẻ địch để chặn đứng hành động bạo tàn của chúng. Cuộc đấu tranh này, chị Chín quê ở Sa Đéc bị đàn áp, hy sinh ở phòng tôi (phòng số 7).

Mùa xuân năm 1972, trên khắp chiến trường ở miền Nam từ Quảng Trị, Đắk Tô, Tân Cảnh cho đến Bù Đốp, đồng bằng sông Cửu Long, quân ta liên tục tấn công địch, lập đựoc nhiều chiến công vang dội, hoà nhịp với các phong trào đấu tranh chính trị có cả bạo lực vũ trang trong các đô thành vọng vào nhà tù, tiếp sức cho chúng tôi đấu tranh quyết liệt hơn, đòi các yêu sách đối với tù binh, tù chính trị, làm cho bọn địch hoảng sợ như đứng trên đống lửa. Địch phải đưa tù nhân trong các nhà lao từ đất liền đầy ra Côn Đảo, trong đó có nhà tù Tân Hiệp, nơi nhốt chúng tôi. Ra đó, chúng ra sức đàn áp để trả thù cho những trận thua đau của chúng trong đất liền. Không gớm tay, chúng hành hạ tù nhân bằng cách bóp siết đời sống như: cơm ngày hai bữa không no, nước uống không đủ, thức ăn bằng mắm đắng, cá khô mục, rau xanh cả tuần không có, tù nhân phải ăn lá bàng và cỏ mật để thay rau. Nước tắm giặt không đủ, chị em phải góp lại và ưu tiên cho những chị em đang hành kinh. Cuộc sống cực khổ ê chề nên đã xảy ra bệnh dịch, chỉ có hai tuần lễ mà đã có ba chị em đã hy sinh, thân xác còn nằm lại ở nghĩa trang Hàng Dương. Trước thảm cảnh đó, Đảng ủy và lãnh đạo nhà lao quyết định mở cuộc đấu tranh đòi địch phải cấp thuốc để chữa bệnh cho chị em tù nhân và đòi bằng được, để tù nhân được quản lý y tế và bệnh xá. Trước sự đấu tranh không khoan nhượng của chị em. Cuối cùng, bọn chúng phải chấp nhận để chúng tôi cử bác sĩ, y tá trong số tù ra làm nhiệm vụ chữa trị cho tập thể chị em.

Hiệp định Pari được ký kết. Hai bên đều phải trao trả tù nhân, nhưng bọn địch cứ chần chừ, ngoan cố, kéo dài thời gian để thực hiện âm mưu tráo hồ sơ tù chính trị sang tù thường phạm. Tù chính trị trên toàn đảo đấu tranh đòi phải sớm trao trả đúng tên là tù chính trị về với cách mạng. Hô la tập thể ở các phòng từ 5 giờ sáng một đợt, 22 giờ một đợt. Mãi đến tháng 3/1974, chúng mới chịu trao trả chúng tôi về Lộc Ninh Nam bộ, trong đó có chị Võ Thị Thắng, trước sự đón tiếp đượm tình của nhân dân đối với những người tù chính trị chiến thắng trở về. Tôi về tiếp tục công tác ở tỉnh đội và đến năm 1976 chuyển qua ngành lương thực cho đến khi nghỉ hưu theo chế độ.

Hồi tưởng lại gần sáu năm ròng bị địch đầy ải qua năm nhà tù ở miền Nam, từ đất liền ra Côn đảo, bất cứ nơi đâu, địch dùng nhục hình với tù nhân chính trị, chúng cũng đều thất bại. Bởi chúng tôi, những chiến sĩ cách mạng thà hy sinh tất cả chứ nhất quyết không đầu hàng địch, luôn giữ khí thế của người chiến thắng, không khụt chí trước quân thù, đấu tranh cho đến ngày toàn thắng. Khi trở về quê hương đất Quảng thì mẹ tôi đã qua đời. Đó là một nỗi đau thương khôn xiết, nhưng cảm thấy tự hào vì đã thực hiện đúng lời mẹ tôi đã dặn, quyết đi theo con đường của Đảng đã vạch ra cho đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng đất nước, quê hương.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Người con Điện Nam anh hùng
Gặp lại “chị” Chính, người cán bộ binh vận xuất sắc
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
CHẾT VINH HƠN SỐNG NHỤC
GƯƠNG HY SINH CỦA LIỆT SĨ NGUYỄN ĐÌNH TRÂN
HOÀNG HỮU NAM TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG TRUNG THÀNH VỚI DÂN VỚI ĐẢNG
PHAN TRIÊM (1916-2001)
NGUYỄN XUÂN NHĨ(1912 – 1983)
VÕ CỮU NGƯỜI CON KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT CỦA ĐIỆN BÀN
Các tin cũ hơn:
NGUYỄN XUÂN HỮU NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA TỈNH QUẢNG NAM
NGUYỄN TRÁC MỘT TẤM GƯƠNG TẬN TRUNG VỚI NƯỚC, TẬN HIẾU VỚI DÂN
TRẠI GIAM LÀ TRƯỜNG HỌC, NƠI TÔI LUYỆN LÒNG KIÊN TRUNG CỦA NGƯỜI CHIẾN SĨ
NHỚ MÃI TÊN ANH
HAI LẦN Ở NHÀ LAO HỘI AN
NHÀ LAO ĐẾ QUỐC – TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ CÁCH MẠNG
NIỀM TIN LÚC ĐI ĐÀY
GIA ĐÌNH MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG LÊ THỊ KHI
PHẠM TỨ (1917-1987)
ÔNG TÂN MẶT TRẬN
    
1   2  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm