Nội dung chi tiết

VÕ CỮU NGƯỜI CON KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT CỦA ĐIỆN BÀN
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 30/09/2009 .Lượt xem: 6403 lượt. [In bài]

- B.B.T -

Võ Cửu, còn có tên là Võ Tiến An, sinh ngày 01 tháng 02 1924, tại Bến Hục, thuộc làng Phú Văn, phủ Điện Bàn (nay là thôn Phú Văn xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). 

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có chút ít ruộng đất cũng bị bọn thực dân phong kiến, địa chủ cường hào chiếm đoạt, cả gia đình Võ Cửu phải sống trên một chiếc thuyền nan, lưu lạc trên dòng sông Thu Bồn, tìm kế sinh nhai qua ngày bằng làm thuê bốc vác, giăng lưới thả câu.

Năm 1929, cả gia đình đến tá túc tại vùng sông nước Hội An. Tuy tuổi thơ theo cha mẹ sống lênh đênh trên các dòng sông, nhưng nhờ ham học nên năm lên 8 tuổi, được gia đình gửi vào trường tự học văn hoá cốt để biết viết, biết đọc. Năm lên 9 tuổi, vì quá nghèo, Võ Cửu phải nghĩ học, đi bán hàng rong kiếm tiền giúp đỡ cha mẹ. Ba năm lang thang khắp phố Hội An kiếm sống cùng lớp trẻ nghèo khổ, bữa đói, bữa no, song nhờ cái nết tốt, nên ai ai cũng thương cảm, quý mến.

Năm 15 tuổi, anh xin vào làm công nhân tại xưởng giấy Ngủ Sắc của một người Hoa. Lao động trong xưởng, anh may mắn được tiếp xúc với anh em công nhân, kể cả thợ cắt tóc, thợ may ngoài phố, nghe ngóng và hiểu biết được Đảng cánh tả và phong trào bình dân ở Pháp thắng cử, ở Việt Nam, ta tổ chức đón rướt phái bộ GôĐa sang điều tra tình hình Đông Dương. Ảnh hưởng của phong trào vận động dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản đã tác động đến nhận thức chính trị của anh. Mặt khác, trong xưởng giấy, anh thường xuyên bị bọn chủ bạc đãi, cúp lương, cho ăn uống kham khổ, lòng căm phẫn đối với chế độ bóc lột lao động tàn bạo của bọn tư sản, địa chủ đã giấy lên trong anh.  

Năm 1939, đồng chí Hứa Tự Nhung-một đảng viên hợp pháp làm thợ may quê ở thôn La Thọ (nay thuộc xã Điện Hoà, huyện Điện Bàn), đã gặp gỡ tuyên truyền về lý tưởng cách mạng, tinh thần chiến đấu đánh đuổi thực dân phong kiến. Được giác ngộ, cộng với lòng căm phẫn đối với giới chủ của xưởng giấy Ngủ Sắc, anh đã đứng ra vận động nhóm công nhân đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Sau lần ấy, anh bị bọn chủ đuổi việc. Nhưng là một công nhân lành nghề nên sau một thời gian, chúng buộc phải mời anh lên làm việc lại. Không khoan nhượng đối với bọn chủ bóc lột, đã nhiều lần anh tổ chức cho anh em công nhân lãn công, bỏ bê công xưởng, cắt xén vật tư... Đầu năm 1940, anh lại bị chúng đuổi khỏi xưởng giấy Ngủ Sắc. Thất nghiệp, anh đành phải xin đi học may để vừa tham gia hoạt động trong phong trào phản đế, vừa có điều kiện giúp đỡ gia đình, nhưng vì cha mẹ quá nghèo nên Võ Cửu đành phải bỏ học nghề may.

Đầu năm 1941, được đồng chí Hứa Tự Nhung đồng ý, anh đăng ký vào lính Tập của tỉnh Quảng Nam, chấp nhận để chúng huấn luyện các kỹ năng chiến đấu như một người lính và được biên chế về nhà lao Hội An canh giữ tù chính trị. Từ ấy, anh đã bí mật giúp đỡ anh em tù chính trị, trao đổi thông tin, tìm cách chăm sóc anh em bị địch tra tấn hoặc ốm đau, dành khẩu phần ăn, nước uống cho anh em để dần dần gây cảm tình, tạo niềm tin với tổ chức trong nhà lao Hội An.

Tháng 10/1941, anh được hai đồng chí Nguyễn Thanh Sơn-Bí thư Thị ủy Hội An và đồng chí Nguyễn Chúc, kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương và cùng thành lập một chi bộ (gọi là chi bộ Nhà binh), trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Nam. Kể từ đây, Võ Cửu đã trở thành Đảng viên, thành đồng chí, mang bí danh là Minh. Cùng với chi bộ có nhiệm vụ vận động binh lính địch trong các đồn bót ở thị xã Hội An, tham gia cuộc đấu tranh chống chế độ áp bức, bất công của bọn thục dân, phong kiến. Điều tra, nắm chắc âm mưu thủ đoạn của địch, giữ mối liên lạc với nhà tù để có biện pháp đối phó, giữ vững phong trào cách mạng trong và ngoài nhà lao.

     Lòng yêu nước, chí căm thù thực dân Pháp và bọn Nam triều phong kiến đã thôi thúc anh hăng say hoạt động cách mạng. Trong hàng ngũ lính Tập cũng có kẻ chống đối cách mạng đến cùng, song không ít người vì kế sinh nhai mà phải dấn thân vào đời lính. Đây là đối tượng được anh và chi bộ quan tâm theo dõi giúp đỡ, định hướng để họ có con đường đi đúng đắn, đóng góp sức lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Anh đã gây được nhiều cảm tình với anh em binh lính; nắm rõ vũ khí, trang bị và thủ đoạn của bọn ác ôn, từng đồn bót trong khu vực nội thị Hội An, chắp nối, liên lạc giữa chi bộ nhà tù với Tỉnh ủy và là cầu nối quan trọng trong những năm tiền khởi nghĩa.

Đầu năm 1943, phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Nam bị bể vỡ nặng, chi bộ nhà binh bị lộ, ngày 17/03/1943, Võ Cửu bị bắt, bị đánh đập dã man. Bất chấp mọi cực hình tra tấn của kẻ thù, anh không hề khai báo để lộ bí mật một số cơ sở trong hàng ngũ địch và trong lao tù, cuối cùng bọn quan thầy Pháp và bè lũ tay sai đưa anh ra xét xử, kết án 6 năm tù và tống vào nhà lao Hội An. Trong tù, Võ Cửu cùng anh em đấu tranh quyết liệt, đòi tăng khẩu phần ăn, chống những hành động bạo ngược của bọn cai ngục. Đầu năm 1944, địch đầy anh lên nhà lao Buôn Mê Thuột đi lao động khổ sai. Bất chấp những hình thức đàn áp tàn bạo của kẻ thù, Võ Cửu vẫn giữ khí tiết của người Cộng sản, được sinh hoạt trong chi bộ nhà tù Buôn Mê Thuột.

Ngày 09/03/1945, Nhật đảo chính Pháp, chớp lấy thời cơ, tù chính trị ở nhà lao Buôn Mê Thuột nhanh chóng thoát ngục, trở về các địa phương, trong đó có Võ Cửu. Theo sự phân công của chi bộ nhà lao, sau khi thoát tù, anh về hoạt động tại huyện Hoà Vang. Về công tác tại huyện, Võ Cửu được bổ sung vào Huyện ủy, phụ trách tổng Thanh An. Với sức trẻ, anh đã lao vào công tác tập hợp quần chúng, xây dựng cơ sở, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền khi có thời cơ.

Cách mạng tháng tám thành công, ngày 03/09/1945, Võ Cửu được tỉnh ủy điều về làm phó ban dân quân tự vệ tỉnh Quảng Nam. Việc tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang, lúc đầu còn mới mẻ và không ít khó khăn; nhưng nhờ anh luôn tích cực, sáng tạo, chủ động sâu sát các địa phương, lại có chút ít hiểu biết về quân sự thời gian làm lính Tập cho Pháp, nên đã giúp ích được nhiều cho anh trên cương vị công tác mới. Võ Cửu đã tổ chức được các đơn vị tự vệ thoát ly sản xuất bảo vệ cơ quan, công sở chính quyền cách mạng các cấp. Lực lượng này còn có nhiệm vụ trấn áp bọn phản động chống phá cách mạng, làm nòng cốt xây dựng các đơn vị giải phóng quân hùng mạnh của tỉnh như chi đội Trần Cao Vân, thuỷ đội Bạch Đằng... và phong trào quân sự hoá toàn dân trong những năm sau này.

Với năng lực công tác quân sự khá xuất sắc, nên tháng 12/1945, Võ Cửu được cử giữ chức Trưởng ban Dân quân tự vệ trực thuộc Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Nam. Trách nhiệm nặng nề đặt lên vai một cán bộ trẻ chỉ mới 24 tuổi đời. Song, với lòng nhiệt huyết của tuổi thanh niên và tình yêu quê hương đất nước thiết tha đã thôi thúc anh cố gắng học hỏi, nâng cao trình độ công tác; tổ chức lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Những đóng góp của anh đã thúc đẩy lực lượng dân quân tự vệ các cấp không ngừng phát triển, lập được những thành tích xuất sắc như: bắt gọn toán biệt kích nhảy dù xuống khu vực Mỹ Sơn, trấn áp bọn địa chủ ác ôn, Quốc dân đảng phản động ngấm ngầm hoạt động phá hoại, bổ sung quân cho các đơn vị giải phóng quân, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng địa phưong.

Từ cơ sở đó, lực luợng vũ trang tỉnh được thành lập thêm Trung đoàn chủ lực 93. Phong trào dân quân du kích tự vệ thoát ly sản xuất ngày càng phát triển về quân số và trang thiết bị, được huấn luyện tác chiến, được giáo dục chính trị, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, bảo vệ Tổ quốc. Chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược, thực dân Pháp quyết cướp nước ta một lần nữa, tình hình ngày một căng thẳng, Trung ương Đảng đã có kế hoạch chuẩn bị kháng chiến chống sâm lược, nếu các giải pháp chính trị không thể thực hiện được nữa. Để thống nhất sự chỉ đạo ở Quảng Nam, tháng 11/1946, cùng với việc thành lập mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, Tỉnh ủy phân công đồng chí Võ Cửu làm chỉ huy trưởng Dân quân tự vệ liên tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trực thuộc Ủy ban hành chính tỉnh. Chăm lo xây dựng, phát triển lực lượng dân quân tự vệ rộng rãi ở các địa phương, tổ chức huấn luyện, rèn sắm vũ khí, bố phòng ở những nơi xung yếu, sẵn sàng tiêu thổ kháng chiến khi có chiến đấu xảy ra.

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, đồng chí có mặt tại tuyến phòng thủ quanh Quảng Nam, chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ, tham gia cùng với hai trung đoàn chủ lực 93, 96 chiến đấu giam chân địch hơn 100 ngày tại bờ Bắc sông Cẩm Lệ. Quân Pháp lại tập trung lực lượng đánh vào phía Nam của bờ Bắc sông Bà Rén, giành đất, giành dân, cắm đồn bót, mở rộng địa bàn chiếm đóng. Tuy nhiên, lực lượng tự vệ, dân quân du kích vùng bị địch chiếm đóng vẫn trụ bám vững chắc ở những địa bàn trọng yếu, đánh thọc sườn, đánh giữa vùng địch chiếm, làm rối hậu phương của chúng.

Tháng 3 năm 1947, chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ huy lực lượng vũ trang ở 3 cấp: tỉnh đội, huyện đội, xã đội dân quân. Ban dân quân tự vệ tỉnh chuyển thành Ban chỉ huy tỉnh đội dân quân Quảng Nam, đồng chí Võ Cửu được cử làm Tỉnh đội trưởng. Tỉnh đội được tách ra khỏi cơ cấu của Ủy ban Hành chính, hoạt động độc lập, bảo đảm lãnh đạo, chỉ huy tác chiến điều hành lực lượng bộ đội dân quân tự vệ vũ trang đánh địch.

Cuộc chiến đấu của quân và dân Quảng Nam diễn ra quyết liệt trong vùng bị địch  tạm thời chiếm đóng; để khiến kẻ thù phải luôn bị động đối phó, đồng chí đề nghị Tỉnh ủy cho phát triển các đội du kích thoát ly sản xuất thành lực lượng biệt động đội, do huyện trực tiếp chỉ huy. Biệt động đội hoạt động xuất quỷ nhập thần, thọc sâu trong lòng hậu phương địch, diệt ác, phá kèm, tiến công các đồn bót... gây cho chúng nhiều thiệt hại; khiến chúng dù có quân đông, phương tiện chiến tranh hiện đại cũng vô phương đánh trả. Hoạt động của biệt động đội trở thành nỗi khiếp sợ của quân Pháp và bọn Việt gian tay sai khi phải hành quân càn quét các vùng du kích.

Sự trưởng thành về nhiều mặt của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đã chứng tỏ đồng chí Võ Cửu là một nhà lãnh đạo quân sự tài giỏi. Đồng chí là cán bộ quân sự không những có năng lực tổ chức chỉ huy chiến đấu mà còn có nhiều sáng kiến trong xây dựng lực lượng vũ trang mà các đơn vị hoạt động đội chỉ có ở Quảng Nam là một điển hình. Đồng chí chỉ đạo cán bộ và lực lượng vũ trang các huyện, xã vùng bị địch tạm chiếm kiên quyết quay về bám đất, bám dân hoạt động vũ trang tuyên truyền gây cơ sở cách mạng, tiêu diệt quân địch đi lùng sục, quấy rối đồn bót, diệt tề trừ gian. Trong phong trào luyện quân lập công, cuối năm 1948 đồng chí chỉ đạo cơ quan tổ chức một cuộc hội thảo quân sự tại Vĩnh Huy, huyện Thăng Bình, qua đó đánh giá chất lượng, khả năng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang tỉnh.

Lực lượng vũ trang tỉnh không ngừng lớn mạnh là do nhiều yếu tố tạo nên, trong đó người chỉ huy giữ vai trò chủ đạo. Khi giữ trong trách đứng đầu một ngành quan trọng trong hệ thống chính trị của tỉnh trong thời điểm thù trong, giặc ngoài luôn rình rập phá hoại thành quả cách mạng, đồng chí mới 24 tuổi. Và khi làm Tỉnh đội trưởng dân quân, đồng chí mới bước sang tuổi 25, và có 4 năm tuổi Đảng, nhưng đồng chí đã gánh vác và hoàn thành xuất sắc trách nhiệm nặng nề mà Đảng bộ tỉnh và nhân dân tỉnh nhà giao phó.

Đầu năm 1949, đồng chí được Liên Khu ủy 5 cử đi học văn hoá, học lý luận chính trị và nghiệp vụ. Năm 1950, đồng chí về công tác tại Phòng dân quân Liên khu 5, trong thời gian này đồng chí chịu trách nhiệm nghiên cứu về địch và phụ trách nhà trường của Liên khu. Năm 1952, đồng chí bị lao phổi nặng nên phải thường xuyên nằm viện và về gia đình ở vùng tự do xã Thăng Phương, huyện Thăng Bình để điều trị.

Sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí được đưa cả gia đình tập kết ra Bắc. Năm 1955, đồng chí được Đảng và Nhà nước cho sang Trung Quốc chữa bệnh. Sau khi chữa bệnh, về nước, đồng chí được biệt phái sang Vụ động viên phủ Thủ tướng. Năm 1973, đồng chí lâm bệnh nặng qua đời tại thủ đô Hà Nội.

Từ một người dân lao khổ, đồng chí Võ Cửu được giác ngộ cách mạng, được tổ chức bố trí vào hàng ngũ địch để có điều kiện tham gia phụ vụ cho các hoạt động của Đảng, và vinh dự trở thành một Đảng viên Cộng sản kiên trung, một cán bộ chỉ huy quân sự xuất sắc trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc. Tuy nhiên do bệnh tật, đồng chí không đủ điều kiện tiếp tục phục vụ lâu dài cho sự nghiệp cách mạng. Nhưng với tất cả những gì đã đóng góp cho đất nước và quê hương, đồng chí xứng đáng là  một tấm gương để các thế hệ kế tiếp tôn vinh và học tập.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Người con Điện Nam anh hùng
Gặp lại “chị” Chính, người cán bộ binh vận xuất sắc
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
CHẾT VINH HƠN SỐNG NHỤC
GƯƠNG HY SINH CỦA LIỆT SĨ NGUYỄN ĐÌNH TRÂN
HOÀNG HỮU NAM TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG TRUNG THÀNH VỚI DÂN VỚI ĐẢNG
PHAN TRIÊM (1916-2001)
NGUYỄN XUÂN NHĨ(1912 – 1983)
Các tin cũ hơn:
ĐI THEO CON ĐƯỜNG CỦA ĐẢNG ĐÃ VẠCH
NGUYỄN XUÂN HỮU NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA TỈNH QUẢNG NAM
NGUYỄN TRÁC MỘT TẤM GƯƠNG TẬN TRUNG VỚI NƯỚC, TẬN HIẾU VỚI DÂN
TRẠI GIAM LÀ TRƯỜNG HỌC, NƠI TÔI LUYỆN LÒNG KIÊN TRUNG CỦA NGƯỜI CHIẾN SĨ
NHỚ MÃI TÊN ANH
HAI LẦN Ở NHÀ LAO HỘI AN
NHÀ LAO ĐẾ QUỐC – TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ CÁCH MẠNG
NIỀM TIN LÚC ĐI ĐÀY
GIA ĐÌNH MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG LÊ THỊ KHI
PHẠM TỨ (1917-1987)
    
1   2  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm