Thân phụ đồng chí là cụ Nguyễn Như. Thân Mẫu là bà Đòan Thị Hiền. Năm 1922, lúc đồng chí mới mười tuổi, cha mẹ đều qua đời, được người anh ruột là Nguyễn Đóa, một nhân sĩ yêu nước, cưu mang. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cụ Nguyễn Đóa bí mật giúp đỡ cách mạng, ủng hộ kháng chiến. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1945, mặc dù chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm nhiều lần mời cụ ra làm Tỉnh trưởng và Bộ trưởng, nhưng cụ nhất mực từ chối. Cụ thóat ly ra chiến khu làm cách mạng, được bầu làm Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, cụ là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Xuất thân trong một gia đình thân sĩ tiến bộ tại một làng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, trước hòan cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than nô lệ, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ đã sớm hun đúc chí căm thù giặc sâu sắc, lòng yêu nước thiết tha.
Từ năm 1926 đến 1930, đồng chí theo học tại trường tiểu học Quảng Nam, rồi thi đỗ vào trường Quốc học Huế. Thuở thiếu thời, đồng chí được những bậc cách mạng tiền bối trong tỉnh, trong trường tuyên truyền, giác ngộ. Đồng chí sớm ý thức sâu sắc về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, thống trị thực dân phong kiến. Do ham học hỏi, đồng chí sớm hiểu về giai cấp vô sản, về tình cảm với người nghèo, biết được cách mạng Trung Quốc, cách mạng tháng mười Nga, biết về lãnh tụ LêNin, Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí hiểu rằng, muốn giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp ở nước ta chỉ có cách bằng con đường Cách mạng vô sản.
Trong thời gian học ở trường tiểu học Quảng Nam, đồng chí đã tích cực vận động và trực tiếp tham dự lễ tang Phan Châu Trinh, đấu tranh đòi ân xá cụ Phan Bộ Châu, hưởng ứng cuộc vận động “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, thực hiện cải cách, mặc áo ngắn, viết thư phản đối việc cô giáo tổ chức hát mừng tổng đốc, đấu tranh chống học sinh đánh bạc, chống lại hình phạt của thầy giáo theo lối phong kiến.
Mùa hè năm 1929, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ tham gia họat động trong tổ chức “học sinh đỏ” của Trường Quốc học, hưởng ứng các phong trào do chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của trường phát động như tham gia rải truyền đơn, treo cờ búa liềm ở cầu Bạch Hổ.
Tháng 9 năm 1930, do những họat động năng nổ, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ Trường Quốc học Huế, do đồng chí Cao Hữu Duyệt và đồng chí Tôn Thất Nho – học sinh trường Quốc học Huế giới thiệu.
Mùa Hè năm 1930, mặc dù thời gian về quê nghỉ hè rất ngắn, song đồng chí đã tham gia tuyên truyền cách mạng, vận động, giác ngộ quần chúng, thành lập các tổ nông hội đỏ ở địa phương, sau đó thành lập Ban cán sự Nông hội đỏ làng Bất Nhị. Thông qua các hội viên Nông hội đỏ, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ vừa tuyên truyền về ý nghĩa của việc thành lập Đảng, vận động hội viên hưởng ứng các cuộc đấu tranh, tham gia rải truyền đơn tố cáo tội ác của địch, treo cờ búa liềm ở trung tâm các xã để tạo thanh thế của Đảng trong các tầng lớp nhân dân.
Tháng 10 năm 1930, tham gia họat động bãi khóa cùng học sinh Trường Quốc học Huế, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ bị địch bắt giam vào lao Thừa Phủ Huế. Ở nhà lao đồng chí cùng các tù yêu nước khác tổ chức nhiều họat động chống lại chế độ hà khắc của nhà tù. Sau một lần đấu tranh tuyệt thực 9 ngày, đồng chí bị địch tra tấn, rồi đưa vào xà lim cầm cố. Tại đây, đồng chí cùng đồng chí Bùi Thúc Liêm (người Hà Tĩnh) tiếp tục đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực để phản đối việc địch bắt học sinh tham gia bãi khóa, đấu tranh chống việc bắt bớ, giam cầm học sinh trong xa lim… Với vai trò nòng cốt và lý lẽ đấu tranh sắc bén, đồng chí đã làm cho bọn quản lao đuối lý, buộc phải trả tất cả tù nhân là học sinh ra khỏi xà lim cầm cố, giam chung với nhiều đồng chí khác ở bót 80 (80 người ở chung một nhà giam). Tại đây đồng chí được tham gia lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Hải Triều – nhà lý luận của Đảng (tên thật là Nguyễn Khoa Văn) tổ chức, trong đó đồng chí được nghe mười bài học nói về Chủ nghĩa Cộng sản, tổ chức Đảng, quan hệ giữa Đảng và quần chúng… Nhờ đó, đồng chí có hiểu biết sâu sắc thêm về con đường cách mạng, về Đảng Cộng sản…
Trong tháng 3 năm 1933, Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp vốn là người thuộc Đảng xã hội, ra lệnh ân xá nhiều tù chính trị ở Việt Nam, đồng chí được ra tù, trở về quê hương Quảng Nam. Ở quê nhà, đồng chí tiếp tục họat động, gây dựng cơ sở, lập tổ chức Nông hội đỏ tại địa phương, thường xuyên đến các xã trong phủ Điện Bàn và huyện Hòa Vang để vận động, xây dựng, tổ chức, phát triển phong trào cách mạng quần chúng.
Năm 1936, Mặt trận bình dân Pháp lên cầm quyền, đồng chí vào Sài Gòn học và tham gia phong trào ái hữu. Cuối năm 1937, đầu năm 1938, đồng chí về Quảng Nam. Lúc này, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đang phát động phong trào truyền bá quốc ngữ, vận động nhân dân đi học để có thể đọc sách báo, nâng cao sự hiểu biết về chính trị và cách mạng. Ở Đà Nẵng, trường Thành Chung được thành lập, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ cùng các đồng chí Trần Tống, Nguyễn Đức Thiệu tham gia dạy ở trường này. Mục tiêu của trường là thu hút học sinh nghèo theo học bậc trung học được miễn phí. Ban đêm, trường còn mở các lớp truyền bá quốc ngữ. Nhờ đó, trường được nhân dân lao động hưởng ứng và thu hút ngày càng động học sinh. Qua dạy học, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ vừa tranh thủ xúc tiến vận động cách mạng, vừa dùng trường làm địa bàn họp bí mật của Đảng, nơi liên lạc với hiệu sách Việt Quảng.
Nhằm đẩy mạnh cuộc vận động quần chúng hưởng ứng các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ 1936-1939, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ đã đến nhiều địa phương, phê phán tư tưởng hẹp hòi, không biết lợi dụng hình thức công khai hợp pháp để mở rộng phong trào. Đồng chí tham gia tổ chức các hội biến tướng, vận động nhân dân bãi bỏ dần các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, tổ chức đi chùa Non Nước nhân rằm tháng Bảy để thông qua đó tuyên truyền cách mạng. tập hợp vận động thanh niên ra tham gia việc làng để đấu tranh với cường hào về tệ biếu xen, tổ chức truy điệu Phan Thanh ở Bảo An, vận động cử tri Đại Lộc bầu cử Đặng Thai Mai vào Viện dân biểu.
Năm 1938, đồng chí Nguyễn Xuân nhĩ được bầu vào Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam. Tết Nguyên Đán năm 1939, với tư cách là Bí thư Phủ ủy kiêm bí thư chi bộ Bích Trâm – La Thọ đi họp Tỉnh ủy bàn việc củng cố bộ máy lãnh đạo và quyết định một số công việc cấp bách. Tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ được bầu vào Tỉnh ủy chính thức.
Trong cuộc tổ chức mít tinh nhân kỷ niệm Cách mạng Tư sản Pháp, ngày 14 tháng 7 năm 1939, mặc dù không trực tiếp tham dự, nhưng đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ đã xây dựng kế họach chi tiết, chuẩn bị tòan bộ nội dung, nhất là bài diễn văn, góp phần đưa buổi mít tinh đạt kết quả tốt, tạo được dư luận trong vùng.
Tháng 9 năm 1939, sau thất bại của mặt trận bình dân Pháp, ở Đông Dương, thực dân Pháp ra sức khủg bố, đàn áp phong trào cách mạng, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ lại bị địch bắt đưa về giam cầm tại nhà lao tỉnh Quảng Nam ở Vĩnh Điện (làng La Qua – Điện Bàn). Trong lao, mặc dù bị tra tấn dã man, song đồng chí vẫn không hề khai báo. Tại phiên tòa xét xử tòa chính trị ngày 06.01.1940 ở Vĩnh Điện, Điện Bàn, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ cùng đồng chí Nguyễn Đức Thiệu, Trần Tống và Nguyễn Thành Hãn đấu tranh chống lại quan tòa rất quyết liệt. Các đồng chí thay phiên nhau vạch trần âm mưu, thủ đọan của địch. Kết thúc phiên tòa, mặc dù không có cơ sở để kết án nhưng chúng vẫn ghép các đồng chí vào tội chống án và tăng án thêm hai năm tù.
Sau phiên tòa, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ bị đưa xuống giam tại nhà lao Hội An. Hơn một tháng giam cầm, khai thác không có kết quả, chúng đày đồng chí ra nhà tù Lao Bảo – Quảng Trị. Vừa đến nơi, đồng chí được bọn quản lao gắn cho số tù 13, rồi đưa đi lao động khổ sai, giam ở lao hầm – nơi giam giữ những tù nhân chính trị trong phong trào vận động dân sinh, dân chủ. Tại đây, đồng chí lại có dịp được gặp và trao đổi với các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu cũng bị địch cầm cố tại Lao Bảo, được các đồng chí động viên, truyền thụ thêm về kinh nghiệm lãnh đạo phong trào, tổ chức đấu tranh. Ở nhà đày Lao Bảo, với khả năng diễn đạt lưu lóat của mình, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ được Chi bộ nhà lao giao nhiệm vụ giáo dục chính trị cho anh em tù chính trị. Nhờ vậy đã giúp đồng chí củng cố thêm niềm tin, vượt qua mọi thử thách, giữ vững khí tiết cộng sản, tích cực tham gia các cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ giam cầm. Hầu hết các cuộc đấu tranh trong nhà lao, đồng chí đều có mặt. Lúc đầu ở nhà lao với nhiệm vụ được giao là đi nhận thức ăn cho anh em, đồng chí đã đấu tranh đòi địch phải xem mặt cân mới chịu nhận gạo, mắm. Tháng 10 năm 1940, đồng chí cùng anh em tù nhân chính trị đấu tranh phản đối hành động tàn ác của tên Hôchiê đánh chết đồng chí Lê Thế Tiết (ngày 10 tháng 10 năm 1940).
Do biết đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ là một trong những người nòng cốt của các phong trào đấu tranh nên địch giam đồng chí và đồng chí Tố Hữu vào phòng cầm cố ở xà lim. Trong xà lim, chúng dùng mọi thủ đọan tra tấn, đàn áp, rồi mua chuộc, dụ dỗ, hòng thuyết phục các đồng chí khai báo. Thấy không khai thác được gì, chúng bắt khỏang 50 tù chính trị giam ở lao hầm, nơi thường xuyên bị muỗi anôphen hành hạ, rồi bắt đi lao động khổ sai. Hằng ngày bị đẩy đi lao động nặng nhọc, ăn uống tồi tệ, khí hậu độc hại, muỗi rừng hành hạ, nên nhiều người, kể cả lính canh cũng đều bị sốt rét hòanh hành, mặc dù vậy, đồng chí cùng hầu hết anh em tù nhân đều kiên cường, vượt mọi khó khăn, thử thách, đấu tranh quyết liệt với kẻ thù.
Vào cuối năm 1942, bọn địch ở nhà đày Lao Bảo biết đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ là người thường tổ chức, làm nòng cốt trong các cuộc đấu tranh trong nhà lao nên chúng đày đồng chí vào nhà tù Buôn Ma Thuột. Ở nhà lao mới, mặc dù bị địch dùng nhiều thủ đọan dã man hơn, song đồng chí vẫn tích cực tham gia hầu hết các cuộc đấu tranh do chi bộ nhà lao phát động như đấu tranh đòi dân sinh, chống đàn áp, thủ tiêu tù nhân…
Ngày 09 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, hầu hết các tù chính trị phạm của thực dân Pháp lần lượt được trả tự do. Đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ cùng đồng chí Võ Tòan (tức Võ Chí Công) được chi bộ nhà lao Buôn Ma Thuột phân công về lãnh đạo, tổ chức nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam. Trong cuộc họp Tỉnh ủy vào hai ngày 13 và 14 tháng 8 năm 1945, đồng chí được cử vào bộ phận Thường trực Ủy ban khởi nghĩa tỉnh. Nhà của người em Nguyễn Xuân Nhĩ là Nguyễn Xuân Vân được chọn làm nơi đóng quân làm việc của bộ phận Thường trực Ủy ban khởi nghĩa tỉnh để chỉ đạo khởi nghĩa trong tòan tỉnh. Với cương vị này, đồng chí đã tích cực cùng các đồng chí trong Thường trực Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền thành công, đưa Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh khởi nghĩa thắng lợi sớm nhất trong cả nước.
Đầu tháng 9 năm 1945, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam được thành lập, đồng chí được cửa làm Chủ tịch. Ngày 06.01.1946 đồng chí được cử tri tỉnh Quảng Nam tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I, tiếp tục làm đại biểu lưu nhiệm của Quốc hội các khóa II, III. Đến tháng 4 năm 1946, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Nam.
Tháng 11 năm 1946, chuẩn bị cho các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng sát nhập thành liên tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; Xứ ủy Trung Kỳ điều đồng chí Trương Quang Giao về làm Bí thư Liên Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng; đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách dân quân. Mặc dù vậy, đồng chí vẫn không hề hà địa vị, bộn bề công việc mà càng có trách nhiệm cao, càng hăng say với công tác huấn luyện dân quân hết lớp này đến lớp khác để chuẩn bị cho kháng chiến, cùng với Tỉnh ủy lãnh đạo nhân dân xây dựng chính quyền, khắc phục khó khăn, ổn định đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, đấu tranh chống thủ đọan “ đánh nhanh, thắng nhanh” của địch.
Tháng 4 năm 1949, tại Đại hội Liên khu 5 lần thứ nhất, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Đảng bộ Liên khu, được phân công làm Trưởng phòng dân quân Liên khu 5.
Sau khi hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai tiến hành sáp nhập về mặt tổ chức và hành chính thành tỉnh Gia Kon (vào tháng 3 năm 1950), đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ được Liên khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư Ban cán sự tỉnh. Mặc dù trên địa bàn công tác mới đầy khó khăn và phức tạp, song đồng chí đã cùng với Tỉnh ủy lãnh đạo đồng bào các dân tộc ở Bắc Tây Nguyên dấy lên phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ngày càng mạnh mẽ.
Từ ngày 16 tháng 7 đến ngày 02 tháng 8 năm 1951, Đại hội đại biểu đảng bộ Liên Khu 5 lần thứ hai họp tại huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Đại hội bầu Liên khu ủy 21 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ được bầu vào Ban chấp hành chính thức của Đảng bộ Liên khu ủy 5.
Tháng 3 năm 1953, đồng chí được điều động về làm Phó Ban Tổ chức Liên khu ủy 3 và sau đó được Đảng cử đi học lớp lý luận chính trị Chủ nghĩa Mác Lê Nin ở Trung Quốc. Đến năm 1953, sau khi mãn khóa học, đồng chí được Trung ương điều động về công tác ở Liên khu 4, tham gia cải cách ruộng đất ở miền Bắc.
Tháng 7 năm 1954, sau ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ, đồng chí được giao nhiệm vụ tham gia công tác tiếp quản Thủ đô Hà Nội, làm Trưởng Ban kiểm tra Đảng. Năm 1955, đồng chí được điều về lại Liên khu 5, đồng chí là một trong số rất ít Khu ủy viên bám trụ họat động ở chiến trường Liên khu 5. Đồng chí được cử làm Bí thư Liên tỉnh gồm ba tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, rồi kiêm Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Cũng trong thời gian này, với cương vị Khu ủy viên, đồng chí được Liên khu ủy 5 phân công phụ trách các tỉnh Bình Bịnh, Phú Yên.
Năm 1959, đồng chí đã cùng một số đồng chí Khu ủy viên Liên khu 5 dự hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Khi về, đồng chí đã cùng các đồng chí Liên khu ủy viên tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương, chuyển phong trào cách mạng của Liên khu 5 lên thế tấn công địch. Đồng chí liên tục đi công tác xuống các tỉnh cực Nam, tây Nguyên để chỉ đạo phong trào, vận động, thuyết phục đồng bào các dân tộc anh em đòan kết Kinh – Thượng tham gia kháng chiến. Đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ thường để râu dài, do đó, cứ mỗi lần đồng chí đi đến vùng dân tộc, cán bộ và nhân dân các dân tộc đều cảm phục nghe theo đồng chí, hăng hái phục vụ kháng chiến.
Từ năm 1960 cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ là Thường vụ Khu ủy Khu 5, được Khu ủy phân công đảm nhiệm công tác xây dựng Đảng của Khu, làm trưởng Ban Tổ chức Đảng và An ninh khu. Với các cương vị đó, đồng chí đã có nhiều công lao đóng góp vào công tác xây dựng, củng cố Đảng vào đào tạo đội ngũ cán bộ Khu 5. Những cán bộ cùng công tác với đồng chí, những trợ lý giúp việc cho đồng chí đều được đồng chí kèm cặp, giúp đỡ, sau này đều trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh thuộc Khu 5.
Ngày 28 tháng 3 năm 1975, trong cuộc Tổng tấn công giải phóng Đà Nẵng, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo Tiểu đòan 10, lực lượng an ninh vũ trang của Khu phối hợp với lực lượng an ninh Đặc khu Quảng Đà tiếp quản các cơ sở, cơ quan, kho tàng của địch ở thành phố Đà Nẵng.
Sau ngày miền Nam giải phóng và thống nhất đất nước, đồng chí được Ban Tổ chức Trung ương phân công làm Tổ trưởng tổ xây dựng Đảng thuộc Văn phòng đại diện Trung ương và Chính phủ tại Khu 5.
Tháng 4 năm 1976, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI tại đơn vị tỉnh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định). Tháng 7 năm 1976, đồng chí được bầu làm ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa VI, Ủy viên Ủy ban dự án pháp luật của Quốc hội.
Tháng 9 năm 1983, do bị lâm bệnh, mặc dầu đã được Hội đồng y bác sĩ Bệnh viện C Đà Nẵng nhiệt tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do bệnh tình quá nặng, đồng chí đã từ trần ngày 15 tháng 9 năm 1983, an táng tại nghĩa trang huyện Điện Bàn, hưởng thọ 71 tuổi.
Do có những cống hiến to lớn, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 3 Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Thành đồng hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Hồ Chí Minh.
Từ lúc thanh xuân cho đến cuối đời, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ là một một cán bộ tuyệt đối trung thành tận tụy, hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trên cương vị là một cán bộ lãnh đạo của Đảng, đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng, nhất là ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.
Đồng chí là một cán bộ bình tĩnh, chín chắn, thận trọng, có tác phong nghiêm túc, đức độ khoan dung, thóang đạt, thương yêu, quý trọng. Hầu như chưa có bao giờ đồng chí la rầy, quát nạt, nặng lời với cán bộ đảng viên. Khi có việc gì thì đồng chí thường bình tĩnh góp ý, phê bình một cách chân tình, cởi mở, không định kiến.
Nói đến đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ, có lẽ hầu như đa số cán bộ các tỉnh, huyện ở Khu 5 thời kỳ chống Mỹ, cứu nước đều biết và kính trọng. Đồng chí là một trong những cán bộ lãnh đạo có uy tín rất cao về đạo đức và phẩm chất cách mạng ở Liên khu 5. Sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, mặc dù đồng chí được tiêu chuẩn ở lại miền Bắc, được cấp xe, cấp nhà ở… song đồng chí đã đặt quyền lợi dân tộc giai cấp lên trên hết, xin đi vào miền Nam để tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không nhận nhà. Đồng chí bộc bạch: “Nếu như nhận đi rồi để cho bà ấy ở cũng được, vậy là cá nhân. Bà ấy ở cơ quan. Tôi trở vào Nam biết có gặp vợ nữa không, lúc đó lại chưa có đứa con nào. Nhưng không phải vì vậy mà tính tóan, nói giống nòi là của dân tộc Việt Nam chứ riêng gì của ông Nhĩ…”
Gương kiên trung bất khuất trong tù đế quốc, đức tính cần cù, bình tĩnh, chín chắn, thận trọng, tác phong đức độ khoan dung, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ mãi là tấm gương để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo./.