Nội dung chi tiết

PHAN TRIÊM (1916-2001)
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 30/09/2009 .Lượt xem: 9439 lượt. [In bài]

- B.B.T -

Có nhiều người con Quảng Nam, tuy sinh ra trên mãnh đất quê hương nhưng gần như cả cuộc đời, vì lẽ sinh nhai, hoặc vì trách nhiệm cao cả phải nhận sự phân công của Đảng, gắn bó với phong trào cách mạng ở các địa phương bạn. Một trong những người con Quảng Nam như thế là đồng chí Phan Triêm.

Đồng chí sinh ngày 07.10.1916, tại làng Bảo An Tây, phủ Điện Bàn, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đồng chí Phan Triêm còn có bí danh: Mười, Kỳ Nam, Năm Quảng Nam; các bạn chiến đấu thân thiết thường gọi đồng chí bằng cái tên trìu mến là anh Sáu Triêm.

Tuổi thơ ấu của Phan Triêm đầy vất vả và nhọc nhằn, lớn lên trong hòan cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Năm lên 3 tuổi, cha mất, mẹ phải hết sức tần tảo để nuôi các con. Chính vì thế mà năm lên 12 tuổi, đồng chí mới được cắp sách đến trường, vừa học, vừa phải lao khổ tảo tần cùng mẹ. Vốn có nghị lực và trí thông minh, từ lớp ba, lớp nhì, rồi lớp nhất, Phan Triêm vừa đi học, vừa nhận dạy kèm, dạy hè để có thêm tiền nuôi thân và giúp đỡ gia đình.

Học giỏi, nhưng do gia đình nghèo khổ nên sau khi đỗ bậc tiểu học (Primaire), Phan Triêm theo chân một người trong tộc ra Hà Nội tìm việc làm. Tại đây, đồng chí may mắn được trường tư thục Sùng Dục nhận vào làm thư ký, một năm sau trường bị đóng cửa. Để tìm kế sinh nhai, đầu năm 1935, Phan Triêm vào Sài Gòn làm nghề hớt tóc với một người anh ruột.

Cuộc sống lao khổ đã góp phần rèn luyện ý chí và nghị lực giúp Phan Triêm luôn vươn lên trong cuộc sống. Ở Sài Gòn – Gia Định, những năm 1935 -1936, sau thời kỳ thóai trào, cuộc đấu tranh cho đường lối cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã dần được khôi phục và phát triển, giữa lúc ấy đồng chí đã đến với cách mạng. Vào Sài Gòn chưa bao lâu, đồng chí đã chủ động bắt liên lạc được với Đảng và được giao nhiệm vụ.

Tháng 1 năm 1936, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được phân công nhiệm vụ tiếp cận, tuyên truyền, vận động, giác ngộ nhiều người trong giới cần lao như thợ hớt tóc, kéo xe tay, lái xe hơi.

Từ họat động thực tiễn, năng động, sáng tạo, đồng chí trưởng thành khá nhanh, lại được cử làm Bí thư chi bộ hớt tóc và góp phần đắc lực trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, như lập ra các Ủy ban hành động nhằm thực hiện việc tổ chức Đông Dương Đại hội; đấu tranh đòi tự do, dân chủ, đòi quyền lợi dân sinh; đòi tổ chức các nghiệp đòan và lập những hội ái hữu, tương tế; đòi ân xá tù chính trị.

Năm 1937, Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn do đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai làm bí thư. Đồng chí Phan Triêm được chỉ định tham gia Ban chấp hành Phân khu ủy và năm 1938 được bổ sung vào Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn với danh Năm Quảng Nam. Cùng tham gia Thành ủy Sài Gòn lúc này còn có các đồng chí Nguyễn Văn Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh, sau này là Tổng Bí thư), Trần Văn Quang (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)…

Trên cương vị công tác mới, đồng chí đã sát cánh cùng với Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân lao động thành phố và được phân công phụ trách khu vực quận 2, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

Năm 1940, Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, đồng chí bị bắt và bị giam ở Khám Lớn – Sài Gòn, sau đó bị đày ra Côn Đảo. Đến năm 1944, đồng chí bị dịch chuyển về an trí tại Ly Hy – Thừa Thiên.

Thời gian bị địch bắt dù bị tra tấn dã man, đồng chí vẫn kiên cường bất khuất, giữ vững được khí tiết của một người Cộng sản, kề vai sát cánh với các bạn tù chính trị, tích cực thực hiện lời dạy vĩ đại của V.I Lênin: “ Biến nhà tù của bọn đế quốc thành trường học cách mạng”. Những năm tháng bị lưu đày khổ sai khắc nghiệt, đối với đồng chí Phan Triêm là “Hòn đá thử vàng” để tôi luyện ý chí cách mạng và lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc và nhân dân, tin tưởng vào lý tưởng cao quý của Đảng và tương lai tươi sáng của dân tộc. Những năm sống ở Côn Đảo, được tiếp xúc với nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, nên Phan Triêm đã học hỏi được nhiều điều ở các đồng chí đi trước để nâng cao lý luận, kinh nghiệm và năng lực công tác.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 9 tháng 3 năm 1945, đồng chí được trả tự do và về lại quê hương Quảng Nam.

Tháng 5 năm 1945, do yêu cầu công tác, đồng chí trở lại Sài Gòn họat động. Tháng 9 năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được Xứ ủy Nam Kỳ phân công về Bến Tre, làm Bí thư Tỉnh ủy cho đến tháng 11 năm 1945, rồi làm Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Bến Tre.

Giữa năm 1946, đồng chí lại được điều về tăng cường cho Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, trên đường trở về Sài Gòn, đồng chí được Xứ ủy Nam Bộ điện phân công sang làm chính trị viên – Phó trưởng phòng Mật vụ Nam Bộ, tức Ban quân Báo Nam Bộ, phòng Mật vụ mang mật danh tiểu đòan 209 – Nam Bộ. Đây là công việc rất khó khăn lúc bấy giờ, nhưng đồng chí đã hòan thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 1950, đồng chí được cử làm Chánh Văn phòng Trung ương Cục Miền Nam - Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Bộ dưới thời Bí thư Xứ ủy Nam Bộ lúc này là đồng chí Lê Duẩn. Với cương vị này, đồng chí đã góp nhiều công sức phục vụ và bảo vệ an tòan cơ quan lãnh đạo đầu não của Đảng tại “Thủ đô kháng chiến” Đồng Tháp Mười, cũng như trong vùng giải phóng ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Năm 1954, đồng chí tập kết ra miền Bắc và được điều về công tác tại Ban Tổ chức Trung ương. Năm 1957, đồng chí được cử đi học lý luận chính trị tại trường Nguyễn Ái Quốc, Khu I. Năm 1959 tốt nghiệp, đồng chí được Đảng cử giữ chức ủy viên, rồi Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng.

Công tác tổ chức cán bộ là một lĩnh vực đặc biệt khó khăn và phức tạp trong điều kiện Đảng cầm quyền. Những năm tháng giữ chức Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam cũng như Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đồng chí Phan Triêm đã có những đóng góp quý báu cho Đảng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí đội ngũ cán bộ hội đủ cả về số lượng và chất lượng, cũng như về cơ cấu tương xứng với nhiệm vụ chính trị của cả hai giai đọan cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đồng chí luôn coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, rút ra được những suy nghĩ có tầm chiến lược.

Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, đồng chí được Ban Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo, điều động cán bộ vào miền Nam và thi hành chính sách cán bộ từ tiền tuyến về hậu phương lớn miền Bắc để chữa bệnh và bồi dưỡng. Theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương lập hai đơn vị chuyên trách là Vụ miền Nam và Cục Cán bộ B. Cả 2 đơn vị này, đồng chí Phan Triêm là người trực tiếp chỉ đạo.

Cùng với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Phan Triêm đã dốc tâm huyết vào việc thực hiện những nhiệm vụ do Ban Bí thư Trung ương Đảng giao phó. Kết quả đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ vững mạnh nhằm kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam, đồng thời tuyển chọn hàng vạn cán bộ và học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc cho đi học tập văn hóa, lý luận và nghiệp vụ ở trong nước cũng như ở nước ngòai, đào tạo để họ trở thành những nhân tài phục vụ đắc lực cho công cuộc tái thiết quê hương sau ngày giải phóng. Đồng chí còn chăm lo tổ chức tốt việc đưa đón, tiếp xúc và phục vụ tận tình một số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh từ chiến trường miền Nam ra Bắc để bồi dưỡng sức khỏe, điều trị bệnh tật và học tập trong và ngòai nước. Tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước với cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam ra công tác hoặc nghỉ dưỡng, điều trị bệnh ở miền Bắc. Những cuộc gặp gỡ như thế thường để lại những ấn tượng sâu sắc, giúp đội ngũ cán bộ miền Nam vươn lên hòan thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 1974, đồng chí được điều sang giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương. Trong chiến dịch mùa Xuân 1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng giao Ban Tổ chức và Ban thống nhất Trung ương tổ chức trưng tập mỗi cán bộ, ban, ngành Trung ương một đòan cán bộ cao cấp do Thứ trưởng dẫn đầu để bồi dưỡng chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đồng chí Phan Triêm cùng với các đồng chí có trách nhiệm ở hai cơ quan trên tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ này. Kết quả các đòan cán bộ đã được bồi dưỡng và tạo điều kiện đi lại để tiếp bước các đòan quân giải phóng vào chiếm lĩnh và quản lý các cơ quan Trung ương ngụy Sài Gòn và các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng của thành phố Hồ Chí Minh, góp phần đắc lực cho sự ổn định tình hình và phát huy thanh thế của Cách mạng Việt Nam trong đại thắng mùa Xuân 1975.

Hòan thành xuất sắc công tác cán bộ cho giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, năm 1978, đồng chí được phân công là Phó Chủ nhiệm Ủy ban liên lạc kinh tế với nước ngòai và Ủy viên Ban cán sự Đảng về công tác Lào.

Năm 1982, đồng chí được nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước. Mặc dù vậy, đồng chí vẫn đem tâm huyết và nhiệt tình của mình góp phần vào thời kỳ mới. Đồng chí cùng với tập thể Câu Lạc bộ truyền thống kháng chiến khối Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, Ủy ban kháng chiến – Hành chính Nam Bộ xuất bản cuốn sách quý Nam bộ thành đồng Tổ quốc, đi trước về sau. Đây là tác phẩm phản ánh cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Nam Bộ. Đồng chí còn đề xuất ý kiến với Trung ương về phục chế khu di tích căn cứ địa của cơ quan lãnh đạo đầu não trong thời kỳ kháng chiến ở Nam Bộ; thường xuyên để xuất ý kiến với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương và trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh về bảo vệ chính trị nội bộ, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, về giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ. Nêu ra nhiều suy nghĩ độc đáo, mang tính độc lập cao nhưng đồng chí vẫn khiêm tốn, bình tĩnh lắng nghe các ý kiến khác nhau, nhất là trên lĩnh vực xây dựng Đảng.

Là người con của quê hương Quảng Nam, tuy sống xa quê và thời gian công tác ở địa phương không nhiều, nhưng đồng chí Phan Triêm luôn hướng về quê hương với tình cảm sâu nặng nhất. Đầu năm 1989 khi Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, sau khi người hội trưởng đầu tiên qua đời, đồng chí được cử làm Chủ tịch Hội.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí góp phần vận động những người con Quảng Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại thành phố Hồ Chí Minh thể hiện những tình cảm cao đẹp và việc làm cụ thể cho quê hương, mà nổi bật là các họat động có ý nghĩa về văn hóa giáo dục; hỗ trợ xuất bản nhiều tập sách về Quảng Nam; vận động quỹ khuyến học để cấp học bổng cho những học sinh nghèo và những học sinh người Quảng Nam đang học tập tại thành phố Hồ Chí Minh; vận động ủng hộ khắc phục bão lụt… Đồng chí cũng thường xuyên vận động bà con Quảng Nam tích cực tham gia xây dựng thành phố mang tên Bác ngày càng giàu đẹp. Đồng chí Phan Triêm luôn có ý thức hướng về cội nguồn, nơi quê hương đất tổ, giúp đỡ bà con Quảng Nam cả tinh thần, vật chất.

Do tuổi cao, sức yếu, đồng chí Phan Triêm từ trần ngày 03.12.2001 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phan Triêm đẹp như bài tự của học giả lão thành – giáo sư Vũ Khiếu được thêu trong các bức tường để trân trọng tặng đồng chí Phan Triêm trong những ngày đồng chí nằm trên giường bệnh.

                                                  Hai chục tuổi ra đi;

                                                  Khi ngục tù thử thách

                                                  Khi đạn lửa xông pha

                                                  Khi kháng chiến tuyển hiền

                                                  Khi hòa bình hiến kế

                                                  Tâm nhường kia mà chí nhường kia

                                                  Công lao ấy tháng năm còn mãi

                                                  Chín mươi xuân nhìn lại:

                                                  Với Tổ quốc tận trung

                                                  Với nhân dân chí hiếu

                                                  Với gia đình mẫu mực

                                                  Với bằng hữu thủy chung

                                                  Nghĩa đến thế mà tình đến thế

                                                  Phẩm hạnh này non nước soi chung.

Người bạn đời của đồng chí Phan Triêm là bà Phan Thị Ngọc Thôi. Bà quê làng Tương Đa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, được kết nạp vào Đảng năm 1937 tại Sài Gòn, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 làm Hội trưởng Phụ nữ cứu quốc đầu tiên của tỉnh Bến Tre. Có bà chia sẻ bao niềm vui lẫn nổi buồn, đồng chí Phan Triêm luôn làm tốt nhiệm vụ của người đảng viên cộng sản.

Với những cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và quê hương, đồng chí Phan Triêm xứng đáng với những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước đã trao tặng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Tự do của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào./.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Người con Điện Nam anh hùng
Gặp lại “chị” Chính, người cán bộ binh vận xuất sắc
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
CHẾT VINH HƠN SỐNG NHỤC
GƯƠNG HY SINH CỦA LIỆT SĨ NGUYỄN ĐÌNH TRÂN
HOÀNG HỮU NAM TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG TRUNG THÀNH VỚI DÂN VỚI ĐẢNG
Các tin cũ hơn:
NGUYỄN XUÂN NHĨ(1912 – 1983)
VÕ CỮU NGƯỜI CON KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT CỦA ĐIỆN BÀN
ĐI THEO CON ĐƯỜNG CỦA ĐẢNG ĐÃ VẠCH
NGUYỄN XUÂN HỮU NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA TỈNH QUẢNG NAM
NGUYỄN TRÁC MỘT TẤM GƯƠNG TẬN TRUNG VỚI NƯỚC, TẬN HIẾU VỚI DÂN
TRẠI GIAM LÀ TRƯỜNG HỌC, NƠI TÔI LUYỆN LÒNG KIÊN TRUNG CỦA NGƯỜI CHIẾN SĨ
NHỚ MÃI TÊN ANH
HAI LẦN Ở NHÀ LAO HỘI AN
NHÀ LAO ĐẾ QUỐC – TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ CÁCH MẠNG
NIỀM TIN LÚC ĐI ĐÀY
    
1   2   3  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm