Nội dung chi tiết

GƯƠNG HY SINH CỦA LIỆT SĨ NGUYỄN ĐÌNH TRÂN
Tác giả: Văn Công Lý .Ngày đăng: 30/09/2009 .Lượt xem: 7059 lượt. [In bài]

Luôn hăng say với mọi nhiệm vụ được tổ chức giao cho, công việc nào anh cũng hoàn thành xuất sắc. Nhờ vậy, tháng 02/1938, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành một cán bộ chủ chốt của Mặt trận Việt Minh, có chân trong ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền phủ Điện Bàn ngày 18/8/1945.

Với ý chí và nghị lực dồi dào, anh luôn phấn đấu học ập, rèn luyện, nhằm nâng cao bản lĩnh và năng lực công tác. Từ một Phủ uỷ viên, tháng 10/1945 đến cuối năm 1949, trở thành Bí thư Huyện uỷ Điện Bàn rồi được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ điều về làm Bí thư Huyện uỷ Tiên Phước.

Đại hội Đảng bộ tỉnh năm 1952, anh được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, được phân công làm Phó ban Tổ chức Tỉnh uỷ. Ít lâu sau, được cử vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tháng 7/1954, sau thất bại thảm hại ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơnevơ. Anh được phân công ở lại đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định thực hiện Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Suốt ba năm với tên mới Nguyễn Văn Ba, khi ẩn khi hiện, anh bám chặt phong trào, sống trong lòng dân Đà Nẵng - Huế.

Thế nhưng đế quốc Mỹ hất chân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, nhằm chống phá Hiệp định, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, thôn tính miền Nam, tấn công miền Bắc xã hội chủ nghĩa, biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ.

Sau hai năm ngoan cố không thi hành Hiệp định, chúng ra sức dọn dẹp xong các lực lượng chống đối Bình Xuyên, Hòa Hảo, quốc dân Đảng, chúng đẩy mạnh chính sánh “tố Cộng”, “diệt Cộng” thành quốc sách chiến lược với nhiều thủ đoạn gian manh, xảo quyết và ác độc hơn.

Ngoài Diệm- Nhu như một “gia đình trị”, họ Ngô còn có Ngô Đình Cẩn, với danh nghĩa cố vấn ngự trị ở miền Trung, Cẩn ngang nhiên lập ra cái gọi là “tổ chức mật vụ” không trực thuộc nguỵ quyền trung ương, có một chế độ nhà tù riêng để thực hiện cái gọi là “chính sách mới của cụ cố vấn đối với những người tù kháng chiến”.

Chúng xây dựng một trại giam đặc biệt tại Toà khâm sứ của Pháp với các tên gọi lấp lửng để lừa mị “cơ quan Toà khâm”, để giam giữ những người chịu ly khai đầu hàng mà chúng cho là đã “chuyển hướng” và nhanh chóng thành lập “Đoàn công tác đặc biệt miền Trung”, gồm những tên đầu hàng, phản bội “chuyển hướng” tung vào Sài Gòn và các thành phố lớn, lùng bắt những cán bộ của ta đổi vùng hoạt động cách mạng.

Mục tiêu của chúng luôn nhằm vào hai đối tượng: các cấp uỷ của Khu 5 từ Tỉnh uỷ đến Khu uỷ và mạng lưới tình báo của ta. Âm mưu trên của Cẩn đã gây cho ta nhiều tổn thất, khó khăn.

Chỉ trong vòng hơn một tháng đợt ra quân đầu tiên, hàng chục cán bộ ta bị bắt, trong đó có đồng chí Tư Lung- Thường vụ Khu uỷ Khu 5.

Anh Trân cũng sớm rơi vào tay chúng trong đợt ra quân đầu tiên này.

Theo dõi hồ sơ, biết anh là Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng anh không nhận, bất chấp mọi cực hình tra tấn, anh vẫn một mực từ chối.

Chúng lại chuyển sang thực hiện “chính sách mới” với mưu đồ chiến lược lâu dài là lôi kéo anh “chuyển hướng” và hợp tác với chúng để mở rộng cuộc đánh phá nhằm vào lãnh đạo cấp cao của các tổ chức Đảng mới bị vỡ.

Đêm giao thừa Tết Mậu Tuất (17/02/1958), Nguyễn Đình Cẩn- tên bạo chúa khét tiếng gian ác làm ra vẻ nhân đạo, tự khoát cho mình “cái áo nhà yêu nước”, đích thân đến lao xá Ty công an Thừa Thiên, tiếp đãi và nói chuyện với khoảng vài chục cán bộ đổi vùng mới bị bắt đưa về, thuộc đối tượng mà chúng cần tranh thủ lôi kéo để “chuyển hướng”.

Bài bản được chuẩn bị rất công phu nhằm đánh vào tâm lý tư tưởng số dao động, cầu an.

Hắn nói:

- Các anh là những người kháng chiến có công chống Pháp, bây giờ Pháp đã thua. Trong gia đình Việt Nam, miền Bắc là anh, miền Nam là em. Các anh là những chiến sĩ ưu tú, không lẽ thấy ngôi nhà của em đương mục nát mà không tiếp tay xây cất hay sao? Ngay trong chính quyền TW, các người như Nguyễn Ngọc Thơ, Lê Văn Ty đều là người của thực dân... Công an trong miền Nam cũng chịu ảnh hưởng của đế quốc nên đã đối xử với các anh rất bậy... Chính chú Duyệt đây cũng của thực dân Pháp để lại, chú còn phải học ở các anh nhiều. Các anh thấy đường lối của Chính phủ có gì sai trái thì cứ vạch ra, tôi sẽ đề nghị lên Tổng thống sửa đổi.... Các anh về với quốc gia, đó là hồng phúc của dân tộc.

Vừa nói, hắn vừa chỉ Lê Khắc Duyệt- Giám đốc Công an miền Trung và tự xưng nó là đồ đệ của cụ Phan Bội Châu, là cách mạng, là yêu nước và kêu gọi anh em “chuyển hướng”.

Để thăm dò thái độ sau cuộc nói chuyện, nó bắt một số đi nhận diện đồng chí Tư Lung, trong đó có anh Trân.

Anh không đi, chúng ghép vào loại chống “chính sách mới” của cụ cố vấn, rồi đem nhốt chung với các đồng chí tình báo, chúng cho là “chưa thông chính sách mới” thành một tổ đặc biệt, chịu sự quản lý trực tiếp của “Toà khâm”, gởi giam một phòng riêng cách ly với tù nhân nhà lao...

Chúng cho tự do, thoải mái, không lệ thuộc nội quy trại giam, cho gởi mua sách báo về xem. Chúng bảo giám thị và lính gác tránh, không được đụng độ với anh em để chúng tiếp tục vận động lôi kéo “chuyển hướng” quốc gia.

Thỉnh thoảng, chúng cho những tên cầm đầu, số đã sa ngã, đầu hàng, phản bội sang thăm dò thái độ, bị anh em vạch mặt, lên án. Sau, bọn chúng không dám đến nữa.

Trò hề bịp bợm, lôi kéo “chuyển hướng” coi như bị phá sản, không làm gì lay chuyển tư tưởng các đồng chí trong tổ. Không những thế mà ngược lại, chúng đã tạo điều kiện cho các đồng chí tập trung trao đổi, bàn bạc những biện pháp đấu tranh chống âm mưu thâm độc của Cẩn.

Trong số không may bị chúng bắt, anh Trân là người lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm thực tế, thường đưa ra nhiều ý kiến đề cập đến những vấn đề bức xúc, cần được giải quyết để đối phó với âm mưu, thủ đoạn của địch, được các đồng chí nhất trí cao được đúc kết lại thành văn bản:

1.       Kiểm điểm rút kinh nghiệm những vụ bể lớn do bọn mật vụ miền Trung gây ra để phổ biến cho nhiều anh em biết nhằm chống tư tưởng cầu an, mơ hồ về “chuyển hướng”.

2.       Liên hệ chặt chẽ với anh em “lao trong” (trại giam chính) để thống nhất chủ trương hành động.

3.       Phải giúp đỡ anh em mới bị bắt, bị địch đương khai thác để động viên giữ vững khí tiết cách mạng, không dao động, mắc mưu địch. Kiên quyết đấu tranh chống trả, làm thất bại âm mưu “chuyển hướng” là đầu hàng phản bội.

Qua thử nghiệm kết quả những vấn đề đã đặt ra đều thực hiện được: 06 đồng chí đã hình thành một tổ Đảng thường xuyên liên lạc được với chi bộ nhà lao qua số anh em cơm hằng ngày.

Điều đáng nói là phần lớn những ý kiến đồng chí Trân đưa ra đều được chi bộ nhất trí để có kế hoạch phổ biến chung toàn nhà lao, nhờ vậy củng cố được tư tưởng anh em, thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của bọ mật vụ, kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng cầu an, chống đầu hàng địch.

Thấy âm mưu không đem lại kết quả, chúng chấm dứt chế độ “giam lõng” chuyển 6 đồng chí vào lao trong, nhốt riêng một phòng có hàng rào ngăn cách với số tù lao trong. Ban ngày, anh em không được ra sân, tối khóa chặt cửa.

Bọn mật vụ toà khâm không lui tới nữa, chỉ bảo tên giám thị thỉnh thoảng đến thăm nom, dò hỏi: “ Các anh có gì cần gặp ông Ty trưởng Công an, tôi cho gặp” với dụng ý để biết thái độ của anh em có biểu hiện dao động. Trước sau như một, lần nào chúng cũng chỉ nhận được câu: “Chúng tôi chẳng có gì cần gặp cả”.

Đến tháng 10 năm 1960, cuộc vận động “chuyển hướng” đối với “Tổ đặc biệt” đã đến hồi kết thúc. Song cũng chỉ là số không. Cũng là lúc bộ mặt thật giả nhân giả nghĩa của tên bạo chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn tự cho mình là “nhà yêu nước” giàu lòng nhân ái đã được phô bày trước bàn dân thiên hạ.

“Hắn sẽ ra tay sát hại”, điều mà anh Trân đã thấy trước, nắm chắc hành động trả thù đầy tội ác dã man của một tên đã từng tuyên bố “không đội trời chung với Cộng sản”.

Anh luôn bình tĩnh nói chuyện, nhắc nhở, động viên và xác định thái độ cho các đồng chí trong tổ. Đến nay, các đồng chí trong “tổ đặc biệt” còn sống sót, thoát khỏi mộ tử ngục chín hầm sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm (01.11.1963) còn ghi nhớ mãi câu nói của anh “Chết vì cách mạng, chết để bảo toàn khí tiết là vinh quang! Dù kẻ địch có tàn ác và man rợ đến đâu, chúng ta cũng quyết không khuất phục đầu hàng”. Anh đã làm đúng như vậy.

Ngày 15.12.1960, vào lúc nữa đêm, bạn mật vụ xích tay anh và hai đồng chí chở đi, nhốt vào “mộ” tử ngục chín hầm.

Chúng “chôn sống” anh, không cho anh chết ngay, để iếp tục hành hạ thể xác và tinh thần anh nhằm răn đe, uy hiếp người khác.

Suốt 6 tháng trời, ngày cũng như đêm, không thấy ánh sáng. Anh sống quằn quại, đói rét, bệnh tật. Thân hình anh chỉ còn là một bộ xương người có lớp da bao bọc, để trên tấm ván nhầy nhụa, sặc sụa mùi hôi thối cho đến khi anh trút hơi thở cuối cùng vào lúc nửa đêm 24.6.1961.

Khi nghe tin anh, đồng chí Nguyễn Minh Vân, tức Nguyễn Dân Trung - một sĩ quan tình báo quân đội bị bắt cùng giam với anh tại nhà lao Thừa Thiên - Huế và ngục chín hầm, đã tức cảnh nói lên thành mấy câu thơ đầy căm phẩn để tố cáo tội ác của bọn mật vụ Ngô Đình Cẩn bạo chúa miền Trung:

Lối chôn sống, không cho chết gấp

Buộc phải sống dưới quan tài đậy nắp

Anh quằn quại một mình cho đến chết

Chúng dùng ngay sự quằn quại của anh

Làm một đòn tra tấn kẻ xung quanh

Mưu biến con người thành con vật tham sinh

Thế là câu nói của anh khi gặp lại chị Tấn (Trần Thị Lài) vợ anh và cháu Bình đứa con trai út mới được chín tháng tuổi tại Đà Nẵng đầu năm 1958, nay đã thành sự thật như anh đã thấy trước: “Địch rất ngoan cố, không biết đâu lường. Thôi em về cố gắnglo làm ăn và rán nuôi con trưởng thành”.

Nào ngờ đâu, câu nói đó đã trở thành lời trăn trối vĩnh biệt của anh trước người thân để nói lên tính kiên định của mình trước lúc hy sinh.

Câu nói đó đã khắc sâu vào lòng chị Tấn, người vợ hiền, một lòng sắc son, chung thủy, chịu đựng bao khó khăn, gian khổ, vượt qua mưa bơm, bão đạn, tần tảo nuôi con. Chị coi đó là niềm an ủi linh hồn người chồng trăm mến ngàn thương. Và thật may mắn, tất cả các con chị đều trưởng thành, noi gương và thực hiện đúng ý nguyện của anh.

Nguyễn Đình Tân, người con trai đầu, một kỹ sư tên lửa sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu và anh dũng hy sinh khi giặc Mỹ đem bom đánh phá miền Bắc ngày 04.5.1970.

Nguyễn Đình Lâm, một cán bộ huyện Điện Bàn, vào sanh ra tử, ngày đêm bám chặt phong trào, đã anh dũng hy sinh ngày 24.02.1969.

Nguyễn Thị Thu Ba là một đảng viên cán bộ hợp pháp, nay nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Đình Bình, con trai út được mẹ bồng theo ra thăm cha khi Bình mới 9 tháng tuổi, nay là chuyên viên Ban Dân vận Thành Uỷ Đà Nẵng.

Còn mẹ anh, bà cụ Lê Thị Thặng và vợ anh chị Trần Thị Lài (Tấn) đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Điều rất may mắn và cũng là niềm động viên, an ủi gia đình, nhân dịp về dự gâp mặt kỷ niệm 30 năm giải phóng tại Quân khu 5, đồng chí Nguyễn Dân Trung đã ghé lại thăm gia đình và thắp nén hương tưởng niệm anh Trân, kể lại cái chết của anh Trân, đã được đồng chí ghi lại một đoạn:

“... Anh bị đưa đến ở hầm vào giữa những ngày mùa đông mưa dầm không ngớt. Anh lại nằm phải một cái chuồng bị nước dột xuống nhiều, luôn bị ướt và rét thấu xương, nên anh nhiễm lạnh và mắc bệnh phổi rất nặng. Anh em rất muốn đến gần anh, dù không giúp đỡ được gì, cũng có thể nâng giấc an ủi cho nhẹ bớt nổi đau.

Nhưng mỗi người bị chôn chặt trong một chuồng riêng nên đành chịu, chỉ biết nghe từng tràng ho rũ rượi, từng chuỗi nấc liên hồi của anh trong cơn hấp hối mà anh nhức nhối tâm cang, tưởng như chính mình đang bị hành hình.

Trước giở tắt thở, tuy đã kiệt sức, tiếng nói thì thào, đức quãng, anh cũng cố nói lên được lời vĩnh biệt “Các đồng chí hãy cố gắng sống. Mong các đồng chí sẽ về được với Đảng trong ngày toàn thắng. Trân xin vĩnh biệt”.

Anh đã hy sinh bằng cái chết vô cùng đau đớn về thể xác, nhưng rất oanh liệt về tinh thần.

Tổ quốc đã ghi lại công anh, đồng bào, đồng chí vô cùng thương tiếc và luôn tưởng nhớ anh...”

Anh Nguyễn Đình Trân anh dũng hy sinh đến nay đã tròn 43 năm. Anh để lại cho gia đình, bè bạn bao nổi nhớ nhung, thương tiếc. Nhưng những ý nguyện của anh trước lúc hy sinh nay đã trở hành sự thật.

Tổ quốc được thống nhất, dân tộc ta đã hoàn toàn độc lập, những đồng chí đã cùng sống với anh tại địa ngục chín hầm đã về với Đảng, báo cáo lại tội ác của tên bạo chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn và bọn mật vụ tay sai, tinh thần đấu tranh anh dũng và sự hy sinh oanh liệt của anh và các đồng chí.

Gia đình và các con anh làm theo ý nguyện của anh, tất cả đều trưởng thành và đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp cách mạng.

Các đồng chí cùng chung sống với anh trong những ngày bị giam cầm ở nhà lao Thừa Thiên - Huế và tử ngục chín hầm đã giúp cho gia đình tìm kiếm lại hài cốt anh để đưa về nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn - quê hương anh.

Và anh đang an lòng yên nghỉ ngàn thu với đồng chí, đồng đội ở đây ./.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Người con Điện Nam anh hùng
Gặp lại “chị” Chính, người cán bộ binh vận xuất sắc
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
CHẾT VINH HƠN SỐNG NHỤC
Các tin cũ hơn:
HOÀNG HỮU NAM TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG TRUNG THÀNH VỚI DÂN VỚI ĐẢNG
PHAN TRIÊM (1916-2001)
NGUYỄN XUÂN NHĨ(1912 – 1983)
VÕ CỮU NGƯỜI CON KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT CỦA ĐIỆN BÀN
ĐI THEO CON ĐƯỜNG CỦA ĐẢNG ĐÃ VẠCH
NGUYỄN XUÂN HỮU NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA TỈNH QUẢNG NAM
NGUYỄN TRÁC MỘT TẤM GƯƠNG TẬN TRUNG VỚI NƯỚC, TẬN HIẾU VỚI DÂN
TRẠI GIAM LÀ TRƯỜNG HỌC, NƠI TÔI LUYỆN LÒNG KIÊN TRUNG CỦA NGƯỜI CHIẾN SĨ
NHỚ MÃI TÊN ANH
HAI LẦN Ở NHÀ LAO HỘI AN
    
1   2   3  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm