Triệu chứng của bệnh Sởi:
Triệu chứng của bệnh Sởi ở trẻ em và người lớn đều có đặc trưng là: Sốt, viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc và phát ban. Khi bệnh nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm giác mạc, tiêu chảy, tử vong...Bệnh Sởi thường diễn biến qua các giai đoạn sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: 7- 21 ngày, trung bình 10 ngày
- Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long) 2 - 4 ngày: Sốt cao, viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể có hạt Koplik phía trong miệng ngang hàm trên.
- Giai đoạn toàn phát 2-5 ngày: Sau sốt 3-4 ngày người bệnh phát ban hồng rát sẩn từ sau tai, trán xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân.
- Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu chuyển sang màu xám, bong vảy để lại vết thâm, vằn da hổ và mất dần
Biến chứng bệnh Sởi:
Bệnh Sởi là bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ gặp các biến chứng nguy hiểm sau:
- Biến chứng đường hô hấp: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản phổi.
- Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm tủy cấp, viêm màng não
- Biến chứng đường tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng,
- Biến chứng tai - mũi - họng: Viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai, viêm tai xương chũm.
Các biện pháp dự phòng:
Tiêm vắc xin phòng Sởi là biện pháp hiệu quả nhất (vắc xin dạng đơn hoặc dạng phối hợp Sởi-Quai bị-Rubella hoặc Sởi-Rubella). Cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ hai mũi theo khuyến cáo của ngành y tế: mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.
- Người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, rubella hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ trong gia đình có trẻ nhỏ phụ nữ trước khi mang thai 3 tháng cần chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi rubella.
- Thường xuyên vệ sinh đường mũi họng, mắt hàng ngày cho trẻ. Với người lớn sau khi đi ra ngoài đường về cần vệ sinh mũi họng, bàn tay thay quần áo rồi mới tiếp xúc với trẻ.
- Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh sởi, rubella.
- Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa,)… đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm.
- Lau sàn nhà, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế khu vệ sinh chung, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng hợp lý. Tăng cường ăn hoa quả như cam, chanh và các vitamin.
- Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh.