Nội dung chi tiết

Sáng mãi tấm gương cô gái làng Phong nhất - Điện An
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 26/02/2009 .Lượt xem: 6263 lượt. [In bài]

Phạm Nên  

(Ghi theo lời kể của ông Trần Tửu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điện An)

Trong quãng đời tham gia cách mạng tôi (ông Tửu-NV) không bao giờ quên được cảnh hãi hùng, đau thương của vụ thảm sát ở cây Da Dù vào ngày 14 tháng giêng âm lịch năm Mậu Thân-1968.

           Ngày đó, mới sáng tinh mơ, cả xóm làng Điện An đang yên tĩnh bỗng náo động khi từng đoàn lính Nam Triều Tiên ào ào đổ quân vào làng Phong Nhất càn quét. Trần Thị Được, cô gái đầu lòng của một gia đình nông dân nghèo ở Phong Nhất, lúc ấy là đội viên du kích mật của xã cảm thấy tình hình bất ổn nên kéo cha mẹ và bảy đứa em xuống hầm để tránh đạn.

 Khi càn vào làng, bọn giặc như bầy thú dữ, hùng hổ gào thét V. C. . . VC!(Việt cộng. . . Việt cộng!)vừa bắn phá lung tung. Chúng lần lượt lùa hết số dân bám trụ trong làng về hướng cây Da Dù. Khi áp vào nhà chị Được, chúng chĩa súng vào miệng hầm, gọi hết số người đang ở dưới hầm lên và bắt gọn cả mười người trong gia đình dẫn đi. Lúc ấy, Được tưởng rằng bọn địch bắt cả bà con Phong Nhất vào khu đồn, nào ngờ khi đến khu vực cây Da Dù thì cả trăm tên lính xả súng vào những người dân vô tội, gây ra vụ tắm máu dã man 74 dân làng. Xác vương vất trên các ngõ xóm, đường làng, bờ mương của cánh đồng Phong Nhất.

Tám người trong gia đình Được bị bọn lính Nam Triều Tiên bắn chết nằm đè lên thân chị và đứa em trai út mới vừa tròn chín tháng tuổi đang còn bú sữa mẹ. Bị đạn giặc cắt đứt hai ngón tay, máu của cha mẹ, các em và bà con dân làng thấm đỏ ướt người nhưng Được bình tĩnh giã vờ mình đã chết, nằm im, đợi lúc bọn giặc kéo đi mới chồm dậy bồng đứa em trai út chạy vào làng Phong Nhất nhờ bà con cứu giúp.

 Chiến tranh ngày một ác liệt, làng quê Điện An càng chìm vào khói lửa đau thương nên Được phải tìm cách gởi đứa em ra nhà bác dâu ở Đà Nẵng nhờ nuôi hộ, còn Được bám ở quê tiếp tục nhận nhiệm vụ đánh địch ở vùng ven Vĩnh Điện, Điện An. Đau thương chồng chất lên đôi vai của Được khi đứa em lâm bệnh nặng và vĩnh viễn ra đi khi vừa tròn 12 tháng tuổi. Thật tội nghiệp, cả gia đình 10 người chỉ còn mình Được sống sót!

 Anh em, đồng chí đồng đội của chị lúc ấy ai cũng ngậm ngùi rơi nước mắt khi tận mắt chứng kiến một gia đình tang thương đến vậy. Được sống như người mất hồn, rồi chị nghiến răng lại với lòng căm thù bọn giặc, nằng nặc xin lãnh đạo đội du kích và đội an ninh vũ trang Điện An cho mình được nhận nhiệm vụ chiến đấu trả thù cho quê hương và gia đình. Đồng chí Thái Bá Sự, trưởng an ninh xã bàn bạc với tôi (lúc đó là đảng ủy viên) và một số đồng chí lãnh đạo xã. Với sự nhất trí chung, đội an ninh xã Điện An hạ quyết tâm đánh tiêu diệt bọn hội đồng xã Thanh Phong đang đóng ở vị trí sát nách trường trung học Nguyễn Duy Hiệu (Sau Tết Mậu Thân-1968, bọn tề ngụy ở Điện An lo sợ co cụm dần về chung quanh quận lỵ Điện Bàn).

 Được xung phong nhận nhiệm vụ đánh vào bọn ngụy tề Thanh Phong. Sau khi quan sát kỹ nơi làm việc của tên xã trưởng, Được chọn cách đánh cảm tử quyết hy sinh thân mình để tiêu diệt bọn ác ôn. Chị xách cái giỏ đựng khối thuốc nổ TNT đã hẹn sẵn giờ nổ, giã vờ như vừa đi chợ về tạt vào chỗ tên xã trưởng, rồi thẽ thọt thưa với hắn:”Thưa ông!Ông giúp cho con xin một cái giấy đi Đà Nẵng thăm đứa em!”. Vừa thưa, chị vừa nhẹ nhàng đặt cái giỏ xuống dưới chân, ngay bàn làm việc của tên xã trưởng. Tên xã trưởng biết rất rõ gia đình của Được đã bị sát hại ở cây Da Dù nên nhìn như xăm soi những biểu hiện khác lạ nào trên mặt Được. Gã có vẻ nghi hoặc, lờ ờ thì đúng lúc ấy một tia lửa nhỏ chớp lên từ cái giõ. Một phát nổ chỉ. . . kêu cái tẹt rồi tắt ngúm. Thuốc ẩm, tên xã trưởng lao ra, cả bọn hội đồng nhốn nháo. Sau phút kinh hãi, bọn chúng hè nhau vây bắt Được và đánh chị tới tấp. Đánh phủ đầu rồi chúng kêu cảnh sát quận xuống còng Được, đưa về lao xá Vĩnh Điện.

 “Con nhỏ kia, ai bảo mi đặt mìn, nói mau, nói”!Thằng sĩ quan thẩm vấn như quát vào mặt Được

 “Không ai bảo tôi cả!”Được tỏ vẻ thản nhiên

 “Mi ngoan cố hả, sao mi dám vào cơ quan hội đồng xã Thanh Phong đặt mìn? Thằng Việt Cộng nào bảo mi làm rứa? Khai đi, đừng cứng đầu mà lãnh tội chết nghe em.”

 “Tôi đặt mìn để trả thù cho gia đình tôi”

 “Mi trả thù à?Trả thù này, trả thù này. . .”

 Thằng ác ôn vừa đay nghiến, vừa đạp, đánh tới tấp vào người Được. Hắn lại kêu bọn cai ngục lên, hợp lực tra tấn Được chết đi sống lại. Được không hé răng nửa lời về tổ chức, chỉ chửa bọn chúng, rồi thách thức :” Bọn mày cứ giết tao đi!Cả nhà tao đã bị bọn bay giết sạch rồi!”Gần nửa tháng trời xoay đi xoay lại, hết đánh lại dụ dỗ, hết dụ dỗ lại đánh, Được vẫn gan lỳ, còn bọn địch thì càng tức tối. Bất lực, bọn cảnh sát Điện Bàn đành chuyển chị về giam ở nhà lao Hội An.

 Do bị giam cầm, bị đánh đập, ăn uống kham khổ, cơ thể Được suy cấp nhanh. Vậy mà chẳng còn ai có thể thăm nuôi, bọn địch cũng không để Được yên, hết thẩm vấn lại nhục hình. Dù vậy, lòng căm thù giặc khiến Được vượt qua, hằng đêm chị lại nhớ về trận thảm sát cây Da Dù để hun đúc ý chí của mình. Không khuất phục được chị, địch lại đưa chị ra Côn Đảo. . .

 Xa quê hương, hơn 5 năm bị nhốt ở đảo Côn Sơn, chị ở chung phòng giam với chị Trương Thị Mỹ Hoa. Hai chị em cùng các đồng chí trong nhà tù kiên cường đấu tranh với địch để giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cách mạng. Sau giải phóng, chị gặp tôi và kể về những kỹ niệm của những tháng năm không thể nào quên, nhất là những ký ức về chị Trương Thị Mỹ Hoa.

 Gia đình, người thân chẳng còn ai nữa. Cứ mỗi lần ai nhắc về gia đình thì nước mắt chị lại tuôn trào. Bọn giặc sao mà tàn nhẫn quá. Ngó về quê, Được nhớ bà nội, may hôm đó bà đi chợ Vĩnh Điện nên ở ngoài cuộc thảm sát đẫm máu. Một kỹ niệm mà suốt đời Nội không quên là chiếc bao gối từ trong nhà tù Được nhờ cơ sở gửi về có thêu hai câu thơ của cô cháu gái mới học hết lớp Nhất trường làng:

 “Con chúc Nội sống yên lành trong quốc thái

 Vẫn yên vui sống mãi đợi cháu về”

 Sau Hiệp định Pari được ký kết, kẻ thù đưa Trần Thị Được về trao trả ở sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và sau đó chị được đưa ra miền Bắc chữa bệnh, học tập.

 Đại thắng mùa xuân 1975, chị trở về quê hương công tác ở thành phố Đà Nẵng, lập gia đình và sinh được hai cô con gái. Năm 2000, tuổi”bốn chín chưa qua năm ba đã tới” đến cùng căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi mạng sống của chị.

 Chị đã xa nhưng đồng đội và nhân dân quê hương luôn khắc ghi tấm gương kiên trung bất khuất của cô gái làng Phong Nhất, Điện An anh hùng.

            

 

 

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
PHÙ SA CÁCH MẠNG
VƯỢT NGỤC
TRONG CHIẾC NÔI TỘC HỌ, XÓM LÀNG
TRONG BÓNG CỜ SON
THUỶ CHUNG MỘT LÒNG VỚI CÁCH MẠNG
THÂN TÙ XƯA
TẶNG ANH TÀO VĂN HÀO
PHÙ SA CÁCH MẠNG
NGƯỜI ĐÓNG NẮP HẦM
NGƯỜI CON GÁI MẸ THỨ
    
1   2   3  
    
Các tin cũ hơn:
Cái chang tóc
Di tích của những tấm lòng son sắt.
BẢN LĨNH NGƯỜI TỬ TÙ
Trái tim Trần Yêm
Tống trị - Người thắp lửa.
Tinh thần lạc quan của Nguyễn Tám
Tiếng thét giữa đêm đen.
Nguyễn Hữu Sâu- Người bí thư xã gan dạ
Người mang bí danh Siêng
Lời giới thiệu
    
1   2  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm