Nội dung chi tiết

TRONG CHIẾC NÔI TỘC HỌ, XÓM LÀNG
Tác giả: NGUYỄN ĐIỆN NAM .Ngày đăng: 06/03/2009 .Lượt xem: 6101 lượt. [In bài]
Ông Phạm Đào, bí danh Vân, sinh năm 1928 tại làng Cẩm Sa, Điện Nam Bắc. Điện Bàn. Đó là vùng quê cát, xưa cằn khô, cỏ cháy, mỗi khi “ gió nam thổi kiệt bảy ngày – khoai lang khô cũng hết, lúa vay cũng không còn”. Thuở thiếu thời, Phạm Đào đã chứng kiến cảnh bọn phát xít Nhật bắt thanh niên đi lính, đi phu làm sân bay Trảng Nhật, hành hạ, làm bao người đói, kẻ khát, chết tại chỗ...

            Trên mảnh đất nghèo, đau thương ấy, dòng tộc Phạm ở Cẩm Sa có nhiều thanh niên sớm đi theo tiếng gọi kháng chiến như Phạm Ước, Phạm Nghiệng, Phạm Đức Nam, Phạm Thuẩn, Phạm Xương, Phạm Hồ, Phạm Thâm ( tức Sáu Do), Phạm Đắc Lộc, Phạm Đức Thanh, Phạm Đức Luật... Từ các đồng chí, anh em đó, Phạm Đào được tuyên truyền về lý tưởng cách mạng, nung chí căm thù đánh giặc cứu nước. Tuy tuổi nhỏ, nhưng sớm giác ngộ, lại được các anh chị chỉ bảo tận tình nên Phạm Đào hăng hái tham gia các công việc được phân công như: đi đào đường Quốc lộ 1 (đoạn Thanh Quýt) và chặt cây tạo chướng ngại vật cản xe bọn Nhật, rồi tham gia cướp chính quyền địa phương, tham gia thanh niên cứu quốc, phụ trách thiếu nhi thôn. Những năm 1947 – 1948 Phạm Đào vào Ban chấp hành thanh niên xã, hướng dẫn thanh niên luyện tập và đi thi đầu thể thao, học đánh moocs-xơ tại Tam Kỳ - vùng tự do của tỉnh. Thời kỳ này, đồng chí Võ Nghĩa làm bí thư thanh niên cứu quốc xã.

            Đến năm 1949, Phạm Đào vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, làm cán bộ đời sống mới của Uỷ ban kháng chiến hành chính xã Điện Nam. Năm 1950, ở vùng bị chiếm, địch ra sức đánh phá ác liệt. Huyện ủy Điện Bàn chủ trương cho chia tách nhiều vùng, thành lập nhiều chi bộ. Phạm Đào về sinh hoạt tại Chi bộ 2 vùng cát có hơn 20 đảng viên. Chi bộ do đồng chí Phạm Văn Thời làm Bí thư, sau đó chuyển đi. Phạm Đào tiếp nhận làm Bí thư cho đến tháng 7 năm 1954.

            Hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết, đồng chí Phạm Xương, Phó Bí thư xã Điện Nam về họp và động viên anh chị em ở lại lãnh đạo nhân dân để hai năm tiến hành tổng tuyển cử theo Hiệp định. Phạm Đào ở lại quê hương và được các đồng chí Hứa Phụng, Lý Trân giao nhiệm vụ xây dựng củng cố cơ sở nòng cốt, cốt cán đơn tuyến, phần ai nấy biết. Khi đồng chí Lý Trân có lệnh rút đi tập kết theo đường biển Điện Dương thì bị địch phát hiện, bắt và giam tại lao Hội An. Địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn, đánh đập nhưng Lý Trân cương quyết không khai, giữ vững khí tiết người cộng sản. Khoảng tháng 11.1955, đồng chí Lý Trân cùng đồng chí Phan Đờn vượt ngục về tại Điện Nam, bà Phan Thị Tý - vợ của Phạm Đào ( cũng là Đảng viên), hàng ngày lo cơm nước nuôi giấu Lý Trân trong nhà. Riêng Phạm Đào hoạt động hợp pháp, nắm tình hình để thông báo lại cho các đồng chí hoạt động bí mật. Khi Lý Trân chuyển vào Sài Gòn hoạt động thì Phạm Đào vẫn ở lại quê nhà tiếp tục xây dựng cơ sở đơn tuyến, chống bầu cử giả hiệu, chống bắt di dân vào Nam (1954 – 1957). Thời gian này bọn tề xã ghép Phạm Đào vào diện can cứu, quản thúc, theo dõi...

            Mùa Xuân năm 1957, Trần Quốc Thái, quận Trưởng Điện Bàn chủ trương mở các lớp tố cộng, bắt bớ, tra tấn, đánh đập, bắn giết bỏ bao tời thả sông những gia đình có người tham gia trong kháng chiến cũ. Thôn Cẩm Sa có hơn 100 gia đình can cứu, cán bộ bị chúng bắt học tố cộng và có một số đưa lên khu Phủ Kỳ học tập, cưỡng bức, khai báo, dụ dỗ, mua chuộc, xé cờ Đảng, ly khai Đảng... Phạm Đào cũng bị bắt “sám hối” tại xã rồi đưa xuống nhà xã Biên thôn Viêm Đông và thôn 1 Điện Ngọc, nhà Thông Phổ, nhà Ngự, nhà Sơn, khu Thanh Quýt. Nhưng kẻ thù đã thất bại, không lung lay được ý chí của những người cộng sản kiên trung, thà hy sinh chứ không chịu khuất phục, đầu hàng. Nổi bật như tấm gương đồng chí Võ Định đấu tranh xé cờ ba que của địch; Phạm Toại mổ bụng tự sát; Lê Chân nhảy giếng tự vẫn; Phạm Hồ lừa địch leo lên cây da lấy tài liệu rồi hô khẩu hiệu đả đảo Mỹ - Ngụy và tự sát...

            Sau ba tháng không khai thác được gì, địch thả Phạm Đào về. Chúng tưởng đàn áp có thể làm nhục chí chiến đấu, nhưng bị đánh đập bao nhiêu thì lòng căm thù giặc trong ông càng nung nấu bấy nhiêu. Thời gian sau, đồng chí Lý Trân trở về hoạt động tại vùng cát, làm đội trưởng vũ trang huyện, đã giao nhiệm vụ cho ông cùng với đồng chí Phạm Thị Thục ( tức bà Liêm ) tìm cách đưa Phạm Ngọc Chương (tức Tuấn Linh – em trai Phạm Đào) vào làm thư ký cho Võ Hữu Thu, tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Nam. Phạm Ngọc Chương đã nắm tình hình địch rồi về báo cáo lại, nhận truyền đơn cách mạng vào rãi trong hàng ngũ địch. Khi Phạm Đào bị bắt, địch tình nghi nên Phạm Ngọc Chương đã trốn ra, thoát ly làm Trưởng đoàn văn công huyện và hy sinh năm 1970 tại Điện Hòa.

            Tháng 8 năm 1960, đồng chí Nguyễn Đức An, Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, đồng chí Đặng Nhơn, Võ Nghĩa - Huyện ủy viên, về hoạt động tại vùng cát xã Điện Ngọc bị lộ, địch truy bắt. Hai đồng chí An, Nhơn chạy xuống cánh Viêm Đông thì bị địch vây bắt gọi đầu hàng. Hai đồng chí đã chống trả quyết liệt và đã anh dũng hy sinh. Riêng Võ Nghĩa chạy hướng khác, không may bị địch bắt đem về nhà lao Hội An giam cầm, tra tấn dã man, rồi dụ dỗ, mua chuộc nhưng đồng chí nhất quyết không khai báo. Vì thế ngày 5 tháng 6 năm 1962, địch đưa đồng chí về Cẩm Sa hành quyết. Các đồng chí An, Nhơn, Nghĩa hy sinh thì Phạm Đào và một số đồng chí khác ở Điện Nam, Điện Ngọc cũng bị địch bắt đưa vào nhà lao Vĩnh Điện. Ngoài ông Đào, làng Cẩm Sa còn có Phạm Thị Thục ( tức bà Phó Liêm), Ngô Thị Đốc, Phạm Chi, Phạm Toại, Ngô Thị Phương và vợ đồng Phan Đờn bị bắt. Địch không chừa thủ đoạn nào để khai thác, tra tấn; khi thì chúng tra tấn riêng từng người một, lúc lại bắt đối chất với nhau. Nhưng tất cả một mực không khai nhận điều gì, cuối cùng địch phải thả về nhưng vẫn đưa vào diện quản thúc ngày đêm. Khoảng 1 tuần sau, trong khi địch đang tổ chức lớp tố cộng ở xã Thanh Minh, bắt tập trung học tố cộng thì đồng chí Phan Thị Sáo ( vợ đồng chí Lý Trân) bỏ trốn. Thế là chúng bắt Phạm Đào lên trói vào cột nhà, đánh đập, tra khảo suốt một ngày đêm. Đến khi ông ngất đi, chúng mới chịu mở trói. Lợi dụng sơ hở, ông chạy trốn. Chúng phát hiện báo động và bắt nhân dân thực hiện lệnh “ cây, dây, đèn gió, mõ dầu” vây bắt Việt Cộng. Lúc đó trời tháng 10 mưa lạnh, vậy mà Phạm Đào ngâm mình dưới bàu sen Cẩm Sa đến khoảng 1 giờ sáng mới bò vào nhà bà Ngô Thị Đốc ( vợ đồng chí Tiến). Bà Đốc bảo ông Đào nấp vào cây rơm, đưa cho một gói đường, 20 đồng và thông báo tình hình địch đang kéo vào nhà bắt Phạm Tiệm ( anh Phạm Đào), và vợ ông bà Phan Thị Tý tra khảo, bắt khai báo đã giấu ông ở đâu và đang kéo về nhà bà giáo Tiết. Sợ đến sáng địch truy tìm càng khó thoát hơn nên Phạm Đào đi lên nhà bà Phó Kiều, nhà bà Phó Liêm rồi đi dần ra Điện Ngọc đến nhà cậu ruột ông và các em con cô cậu. Có em đưa quần áo cho Phạm Đào thay và băng bó vết thương. Không may tên B (là con rể cậu của ông) phát hiện, đi báo cho Hội đồng xã Điện Ngọc và bọn Bình Định vây bắt, trong khi vợ hắn đang rửa vết thương cho Phạm Đào trong nhà.

            Bị bắt lần này, kẻ thù tra tấn, đánh đập dã man hơn. Phạm Đào cứ một mực rằng bị đánh đau nên phải trốn chứ không biết gì hết. Đến 11 giờ đêm, chúng đến bắt cháu ông là Phạm Hiền rồi giải cả hai chú cháu vào nhà lao Vĩnh Điện. Tên Hiếu, Công an quận hỏi cung, khai thác. Sau đó chúng đưa Phạm Đào xuống Hội An, tiếp tục tra tấn hòng uy hiếp tinh thần và lấy lời khai. Không khai thác được gì, chúng tiếp tục đưa ông qua phòng 4 và đưa đi hành dịch ở sân bây Khâm Đức. Phạm Đào cùng 200 anh em tù sống cơ cực 2 năm trên rừng thiên nước độc lại bị bọn ác ôn ngày đêm theo dõi, dò xét, thường xuyên bị chúng bắt phạt bò lết ở sân bay, hoặc bỏ đói. Nhưng với tinh thần đoàn kết, được sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng nhà tù, Phạm Đào cùng đồng đội động viên nhau chịu đựng gian khổ, không khuất phục, không làm bất cứ một điều gì sai trái với lương tâm, với cách mạng. Có lần họ tổ chức vượt thoát ra huyện Trà My với anh em dân tộc cùng ở tù nhưng không may bị địch phát hiện và bắt lại. Đồng chí Nguyễn Hữu Lan ( bí thư chi bộ nhà tù) và đồng chí Lịch bị chúng bắt lên hành dinh đánh đập. Đích thân tên Đại úy Vũ và trung uý Túc phụ trách hành dinh sân bay tra khảo hai đồng chí trong cả tháng ròng. Khi chúng trả hai đồng chí về nhà lao thì chân tay co rút phải nhờ anh em dùng lá cây chăm sóc mới sống được. Những người còn lại thì bị bắt nhốt trong hầm đất. Phạm Đào và 5 người khác bị đau, tóc rụng sạch, phần do bị đánh đập, phần vì đói rét... đã đấu tranh buộc chúng phải dùng máy bay chở từ Khâm Đức về sân bay Nước Mặn và trả về Hội An.

            Năm 1963, chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm bị quân đảo chính lật đổ. Chúng chủ trương phóng thích liên tiếp 3 đợt tù nhân. Phạm Đào và một số anh chị em được thả ra vào khoảng tháng 4 năm 1964, nhưng những đồng chí được thả đợt sau, khi về đến La Nghi thì bị địch chặn lại, thủ tiêu gần hết. Trong tổng số đó có đồng chí Thống, Nhồng, Cứ, Lịch...

            Ra tù, Phạm Đào bị đau nặng. Năm đó lụt lớn, nhưng mỗi khi địch từ Vĩnh Điện Ra càn quét thì anh em du kích lại phải khiêng ông đi giấu. Cũng năm này, ông được phục hồi Đảng tịch và tham gia vào cấp uỷ xã Điện Nam, phụ trách tuyên huấn, đến tháng 3 năm 1965 thì được rút lên huyện. Lúc này ở xã Điện Nam, đồng chí Nguyễn Đức Võ làm bí thư. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy (đồng Năm Dừa- huyện ủy viên phụ trách vùng cát), tiến hành phá kèm, diệt ác. Ta tiến hành diệt một số tên ác ôn có nợ máu với nhân dân như tên Lê Đình Tùng, cảnh sát xã... Đợt này, Đảng chủ trương tích cực vận động thanh niên nhập ngũ vào bộ đội R 20 và 25 của tỉnh. Phạm Đào tập hợp con cháu động viên lên đường giết giặc cứu nước. Trong số thanh niên tòng quân, một số con cháu của ông đã hy sinh anh dũng được công nhận liệt sỹ, như: Phạm Liễu, con trai ông 17 tuổi xung phong vào bộ đội tỉnh, hy sinh trong chiến dịch Xuân Mậu Thân- 1968, 8 người cháu của ông là: Phạm Phước, thường vụ thanh niên xã đi rào làng chiến đấu hy sinh năm 1965; Phạm Hiền, bộ đội R 20, tham gia tổng tiến công Xuân Mậu Thân bị địch bắt, đưa đi cày Côn Đảo - Hiền được cử làm bí thư Chi bộ, địch phát hiện đánh đập, dùng đinh 10 đóng vào đầu gối để tra tấn đến chết và chôn ở đảo (đồng Lý Công cùng ở tù kể lại); Phạm Bé bộ đội R 25 đi trinh sát Hội An, hy sinh năm 1967 (mất xác); Phạm Thị Lan, đi thanh niên xung phong hy sinh năm 1969; Phạm Như, bộ đội R 20 hy sinh năm 1968; Hồ Minh Công, tuyên huấn huyện hy sinh năm 1974; Hồ Thị Bình, thanh niên xung phong hy sinh năm 1969.

            Còn bà Phan Thị Tý - vợ ông, trụ bám và đào công sự nuôi các đồng quận ủy quận ba Đà Nẵng ( như đồng chí Minh, Hoa) tại thôn Trung xã Điện Nam. Địch càn quét trắng, phát hiện ra, các đồng chí ta xông lên chiến đấu và hy sinh. Thế là chúng bắt cả vợ và các con Phạm Đào lên tra tấn đánh đập thừa sống thiếu chết, tồi đưa vào nhà lao Vĩnh Điện giam cầm một thời gian. Lúc đó ông Đào đang công tác ại Ban Tuyên huấn huyện, không có nhà. Sau chúng thả về, Phạm Hiệp – con ông ốm và chết. Bà Tý tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày hy sinh năm 1969, còn hai con của ông Đào được đưa ra miền Bắc học tập.

            Như vậy, trong thời gian từ năm 1954 đến 1975 thống nhất Tổ quốc gia đình Phạm Đào có đến 11 liệt sỹ, 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. /.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
PHÙ SA CÁCH MẠNG
VƯỢT NGỤC
Các tin cũ hơn:
TRONG BÓNG CỜ SON
THUỶ CHUNG MỘT LÒNG VỚI CÁCH MẠNG
THÂN TÙ XƯA
TẶNG ANH TÀO VĂN HÀO
PHÙ SA CÁCH MẠNG
NGƯỜI ĐÓNG NẮP HẦM
NGƯỜI CON GÁI MẸ THỨ
NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI
LIỆT SĨ PHÚ QUỐC
KÝ ỨC NGÔ ĐÌNH HẠNH
    
1   2   3   4  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm