Nội dung chi tiết

NGUYỄN HIỂN DĨNH (1853-1926)
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 31/01/2013 .Lượt xem: 7370 lượt. [In bài]

Những ai từng là con dân đất Quảng trước và nửa đầu thế kỷ XX chắc chắn đều rất mê hát bội. Trong các câu hát ru, câu vè dân dã có nhiều câu nói về niềm đam mê hát bội lẫn những điều tuế toái, tai hại của nghệ thuật này “mẹ ơi đừng đánh con đau - để con hát bội, làm đào mẹ coi”; “nghe rao trống chiến, không khiến cũng đi”; “nghe đánh trống chầu, đâm đầu mà chạy”… rồi thì, “trồng trầu thả lộn dây tiêu- con theo hát bội mẹ liều con hư”, “hát bội làm tội người ta – tan cửa nát nhà cũng vì hát bội”…

Cụ Nguyễn Hiển Dĩnh hiệu Tô Tân, sinh năm 1853 tại làng An Quán, tổng An Nhơn (nay thuộc xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam)[1]. Ngôi làng mà nghệ sĩ tuồng Nguyễn Lai – cháu gọi ông bằng bác ruột kể lại “Quê tôi ở làng An Quán, Điện Phương, thuộc tỉnh Quảng Nam. Làng ở ven đường cái gần huyện lỵ, cách tỉnh có vài cây số. Và con sông Sài Giang – còn gọi là sông Chợ Củi, một nhánh phía bắc của sông Thu Bồn - chảy bên cạnh làng, tạo nên cảnh sầm uất đò giang xuôi ngược. Con sông bốn mùa nước đầy ắp, cành tre la đà soi bóng. Ngày đêm chuyên chở mía, chở gạo, nhất là chở củi lên chợ huyện, chợ tỉnh. Thuyền chở mật, chở bã từ các lò đường cất lên các bến chợ. Nửa đêm, chợt thức giấc nghe câu hò chèo đò vẳng tới “thiếp nhớ chàng, tấm phên hư, nuột lạt đứt – chàng nhớ thiếp khi đắng nước nghẹn cơm- ba trăng là mấy mươi hôm – mai nam vắng trước, chiều nồm quạnh sau…”. Tiếng hò trong đêm thanh vắng đầy ân tình chung thủy của các cô gái các làng lân cận rất mực đảm đang ấy gây trong tôi nỗi nhớ buồn da diết không đâu.  Còn thuyền của bác lái Duy Xuyên thì ồn ã hơn. Những bác lái quần cộc, áo nhấn vỏ già mở phanh ngực, đầu chít khăn tai rìu vừa đẩy sào,  vừa hò gọi: “Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi - Kẻo khúc sông này bờ bụi tối tăm…” Những câu hát, tiếng hò quê hương ấy, năm năm tháng tháng ru tôi, thấm vào trong tôi, từ đó nảy lên cái mầm yêu nghệ thuật, càng ngày càng tha thiết cho đến tận bây giờ”[2].

Cụ Nguyễn Hiển Dĩnh xuất thân trong một gia đình Nho giáo, cha cụ là cụ Nguyễn Hiển Doãn, đỗ cử nhân khoa Nhâm Dần, Thiệu Trị thứ hai (1842), được bổ làm tri huyện rồi bị bãi chức vì có xích mích với quan trên, về nhà dạy học. Theo GS. Hoàng Châu Ký thì “cụ được bổ nhiệm chức vụ tri huyện ở tỉnh Sông Bé, do bất đồng ý kiến với quan tỉnh trong nhiều việc, cuối cùng không tuân lệnh quan tỉnh, ông về quê dạy học… Cụ Doãn tuy chỉ làm nghề dạy học nhưng quảng giao, nhiều vị quan chức ở Huế hay ở những nơi khác đến có công việc ở tỉnh lỵ La Qua hoặc Hội An vẫn thường ghé thăm cụ, trao đổi về thời thế, tâm tình. Cao Bá Quát khi bị kỷ luật ở triều đình phải đi hiệu lực trên một tàu viễn dương, lúc ghé Hội An cũng đến nhà cụ Doãn đàm đạo thân tình và tặng một câu đối. Câu đối này đến đời cụ Dĩnh vẫn còn treo hai bên bàn thờ gia tiên, về phía trong, ít ai thấy (theo học trò cụ, nay chỉ còn nhớ vế thứ hai: “Bách niên tri kế bất nhược thọ nhân” - Kế trăm năm không chi bằng trồng người)[3]..

Năm 18 tuổi, Nguyễn Hiển Dĩnh đỗ tú tài. Gia phả chép: “Khoa Quý Dậu đậu tú tài. Năm Đồng Khánh thứ nhất bổ tri huyện Quế Sơn, hai năm lãnh tri phủ Điện Bàn, đến 8 năm thăng Án sát Hà Tĩnh, hoán bổ Phủ Thừa, cải bổ Bố Chính Thanh Hóa. Năm Duy Tân thứ ba thăng Lễ Bộ Thị Lang, đến năm thứ năm, bổ Bố Chính Khánh Hòa, hồi hưu lãnh bổng”[4].. Về con đường hoạn lộ của ông, GS. Hoàng Châu Ký khảo tả kỹ hơn “Nguyễn Hiển Dĩnh tuy chỉ đỗ tú tài nhưng có kiến thức uyên bác, lại xuất thân danh giá, do đó mới trên ba mươi  tuổi đã được tuyển chọn theo “chiếu cử tri” (chiếu của vua Đồng Khánh), bổ nhiệm làm tri huyện Quế Sơn. Tiếp theo làm tri huyện Hà Đông (Tam Kỳ) rồi thuyên chuyển vào giữ chức tri huyện Mộ Đức, sau lại chuyển trở về Hà Đông một lần nữa. Sau 8 năm làm tri huyện, được thăng tri phủ Điện Bàn rồi thăng Án sát Hà Tĩnh, Bố Chính Thanh Hoá, Tuần Vũ Quảng Trị. Bị kỷ luật giáng hai cấp vì lấy gỗ công xây dựng rạp hát, lấy số biên chế lính tuyển để tuyển và nuôi diễn viên tuồng, ông bị điều về làm Thị lang bộ Lễ. Mấy năm sau, ông nhận chức Án sát Bình Định một thời gian ngắn, lại được điều giữ chức vụ Bố Chính Khánh Hòa rồi Tuần Vũ Khánh Hòa. Ông xin về hưu ở chức vụ cuối cùng này.”[5].  Nhiều dư luận cho rằng vịêc ông chỉ đỗ tú tài mà làm đến tri phủ liệu ông có thân thích với người này người nọ làm quan lớn cho Nam triều hoặc “thân Pháp” hay không (?). Các tác giả “Khoa bảng Quảng Nam” dưới thời nhà Nguyễn 1601 – 1919 thì cho rằng trường hợp ông là tiêu biểu cho tinh thần “cầu hiền” của vua Minh Mệnh “Kẻ hiền tài là đồ dùng của quốc gia, khi chưa gặp thời náu mình ẩn giấu tông tích, cho nên ngoài việc khoa cử ra còn cần có người đề cử”[6]. Một điều đáng lưu tâm về sở học của cụ là cụ được giới Nho học đánh giá rất thực tài. Theo bài báo “Dật sử Nguyễn Hiển Dĩnh” ký tên Q.N (nhiều người cho rằng đó là bài của cụ Huỳnh Thúc Kháng) trên báo Tiếng Dân số 459 ngày 3/2/1932 thì: “Ông là người có tài, song vì cái chân thi đỗ tú tài, nên học giỏi mà bọn khoa giáp có ý khinh. Khoa ông đỗ, quyển đáng cử nhân, song vì một chữ “khổ độc” (khó đọc) nơi bài thi mà bị giáng xuống tú tài (chữ khổ độc là chữ “tự” trong câu thơ “Nhất kỉnh tự nhiên vạn sự tùng”).  Ông ta xem người có cái biệt nhãn, người nào học giỏi, nói chuyện thông thì ông ta trọng, còn khoa mục mà học xài xài, nói chuyện không lưu loát thì ông ta khinh tệ…”. [7]

Về chuyện làm quan của ông, bước đầu ông còn hăm hở chí trai nhưng dần dà vì nhiều lý do, ông không xem làm trọng. Theo GS. Hoàng Châu Ký “Nguyễn Hiển Dĩnh lúc trẻ chỉ lo học để đi thi, ước vọng đỗ đạt làm quan để thỏa chí nam nhi, giúp dân, giúp nước. Do hạn chế về tư tưởng, cụ Dĩnh và thế hệ của cụ nói chung không thể nhận thức về triều đình nhà Nguyễn như chúng ta ngày nay. Họ thấy bộ máy quan liêu của Nam triều thuở ấy vẫn còn những quyền hạn nhất định, ví như xét bổ nhiệm quan chức, viên chức, xét xử các vụ án trong nhân dân, tổ chức các khoa thi để lựa chọn nhân tài… Do đó ra làm quan để làm tốt, công bình những việc đó. Nhưng nhiều người ra làm quan với ý thức ấy về sau vỡ mộng, chán chường, Nguyễn Hiển Dĩnh là một người trong số đó” [8]

Trong đời làm quan, nổi bật ở cụ là hai tính cách, tính ngông gàn và lòng say mê hát bội đến đắm đuối. Đã có nhiều giai thoại về “quan nghiệp” của ông. Vốn là người say mê hát bội từ bé, thời gian làm quan ở Hà Đông, một vùng nổi tiếng về hát bội, Nguyễn Hiển Dĩnh có điều kiện tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ ưu tú ở đây như Quản Lan, Cửu Vị để trao đổi, học hỏi. Hai năm làm quan ở Hà Đông, Nguyễn Hiển Dĩnh tận tụy với công việc, được tầng lớp văn thân và dân chúng rất mến phục: “Ở huyện lỵ, lúc rảnh rỗi ông dạy cho những người lính lệ biết hát những làn điệu hát bội. Có lần Nguyễn Hiển Dĩnh khăn áo chỉnh tề trước công đường, bạch:

- Trì xu bách lý phi liên lộ

Trường cửu thiên xuân chúc thánh triều

Quyền tri huyện Hà Đông,

Ngã danh xưng Nguyễn Dĩnh

Ban đầu người ta thấy lạ nhưng sau quen, mọi người lại thích thú. Sau đó ông được đổi vào huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi, năm sau lại đổi ra Hà Đông, trở lại thay cho Hồ Quý Thiều. Được tin này, dân chúng Hà Đông rất mừng. Có người làm câu đối dán trước cổng huyện: “Nguyễn Dĩnh trùng lai thiên hữu nhãn - Hồ Thiều bất khứ địa vô mao” (Nguyễn Dĩnh trở lại là trời có mắt - Hồ Thiều không đi thì đất cỏ không mọc được). Nhưng ông ở Hà Đông chỉ được một năm rồi có chỉ triệu về kinh giữ chức Phủ Thừa. Kinh đô Huế lúc bấy giờ nghệ thuật hát bội rất phát triển. Ông có dịp tiếp xúc với những nghệ sĩ nổi tiếng như Đội Phước, Đội Sự. Ông nói với các quan ở đây: “Các ngài ra làm quan có một ước vọng lớn là từ chức nhỏ đến chức lớn, để khi về hưu được phong tước, được lộc điền. Ngược lại, tôi thì “tiến vi quan, thoái vi bầu gánh” là vui nhất…”[9].

Thời gian sau đó, ông đổi ra làm Bố Chánh Thanh Hóa  rồi chuyển vào làm Án sát Quảng Trị. Tại đây, ông lại đào tạo diễn viên sắm sửa trang phục, đạo cụ, lấy gỗ trong kho dựng một rạp hát lớn, giảm bớt số lính của tỉnh để thay bằng diễn viên. Về việc này, có người báo lại với triều đình Huế, vua Thành Thái nhân chuyện ông không chịu gả con gái cho mình nên căm giận phê giáng hai trật. Sau đó Nguyễn Hiển Dĩnh đổi vào Huế làm Thị Lang Bộ Lễ, một năm sau được bổ Án sát Bình Định, rồi thăng chức Bố Chánh Khánh Hòa. Khánh Hòa không có tổng đốc nên Bố chánh là thủ hiến của tỉnh “ở đây có lần viên công sứ người Pháp đòi tăng các thứ thuế đánh vào dân chúng, ông phản đối. Hai bên cãi nhau, viên công sử Pháp định lấy ba toong đánh ông, ông liền vớ chai rượu trên bàn sẵn sàng đánh trả, mọi người phải can ngăn, đưa ông lên xe về tỉnh. Sau việc này, Nguyễn Hiển Dĩnh xin về hưu trước tuổi. Trong văn bản gửi ra triều đình, ông viết tất cả có tám chữ “Tòng sự nhật cửu, thỉnh hứa hồi hưu” (Làm việc đã lâu, xin được về nghỉ). Triều đình thấy thái độ ngạo mạn của ông, đã phê ngay “Đái nguyên hàm hồi quán” (Giữ nguyên hàm về làng). Ông về hưu năm 1907.[10].

            Sự nghiệp của cụ là sự tận tâm, tận hiến, tâm lực của mình cho nghệ thuật hát bội. Việc đầu tiên của cụ là việc tự đào tạo mình để trở thành, trước hết là một diễn viên, để từ đó đúc kết nhiều vai diễn khác nhau thành một hệ thống chuẩn mực nhằm đào tạo môn đệ, để làm “thầy tuồng” với vai trò đạo diễn. Trong hồi ký “Khúc tiêu đồng” của cử nhân Hà Ngại nói về việc tập tuồng của cụ Dĩnh như sau: “Lúc ấy, có cụ Nguyễn Hiển Dĩnh, Tuần Vũ hưu trí ở làng An Quán, gần phủ Điện Bàn cũ cũng ưa hát bội và hay hát lắm. Khi tôi học trường Đốc, thường đi qua trước nhà cụ. Thấy cụ múa trong nhà, trước tấm gương lớn, tôi lén vào xem và hỏi người nhà  mục đích của cụ. Họ bảo: ngày nào cụ cũng tập múa để tự chế ra những điệu múa mới thích hợp cho đào, kép khi diễn, kỹ thuật được nâng cao một cách có ý nghĩa. Vì cụ là chủ một ban hát lớn trong tỉnh, gọi là ban hát Phủ. Đó là một trong những ban tiếng tăm ở Trung Việt. Cụ lập nhà hát ở gần nhà riêng để cho ban hát ấy trình diễn. Cách dạy của cụ nghiêm khắc lắm, hễ ai làm sai lời cụ dạy là bị đòn liền. Những diễn viên cụ đào tạo đến nay đã già cả rồi, nhưng nhiều người hát còn hay. Cụ thường hay đi xem hát với cha tôi, thanh khí tương đắc lắm. Có thể nói buổi hát nào có cụ đến xem là buổi hát đặc biệt”.[11]. Sau khi về hưu, việc nhà cửa ít khi để ý, cụ chỉ lo tập trung vào đoàn tuồng của cụ mang về. Hàng ngày cụ nuôi và dạy cho diễn viên, đồng thời sáng tác và bổ sung kịch bản của cụ Đào Tấn, hay là những vở khuyết danh. Vào khoảng năm 1913, cụ dựng một rạp hát giữa làng An Quán khá quy mô, có tổ chức hẳn hoi và có đủ phục trang đạo cụ, tuyển thêm một số diễn viên trẻ ở các huyện, đặt ra nề nếp, chia thứ hạng theo năng lực diễn viên: nhất, nhì, ba. Hàng đêm bán vé, vé hàng nhất một hào, hạng nhì năm xu, hạng ba hai xu, số tiền thu được trích một phần mười để sắm thêm phục trang, son phấn còn lại bao nhiêu thì căn cứ vào thứ bậc mà trả cho diễn viên. Theo kịch tác gia Tống Phước Phổ thì: Hàng ngày, mỗi buổi chiều vào khoảng hai giờ, trống nhà cụ đánh ba hồi, thì tất cả các diễn viên đều kéo đến nghe đọc tuồng, đồng thời cụ dạy từng vai, các nghệ nhân giỏi thì dạy một số diễn viên kém hoặc mới vào nghề, nhất là đêm nào có tin các quan tỉnh hay các phủ huyện đến xem thì đêm đó rất náo nhiệt. Cụ chọn những vở hay và phân vai cho anh em diễn viên giỏi đóng cả. Cho nên anh em rất phấn khởi và buổi diễn được các quan cũng như nhân dân vô cùng thích thú”.[12]. Bà Tư, cháu ngoại cụ Dĩnh còn nhớ “Bạn hát lấy chiếu trải hai hàng, ngồi sẵn. Ông cụ ngồi trên ván, gọi là giáp tuồng. Ông bày cho hát, trước hết là hát với nhau chứ không múa. Nếu hát hay thì ông gật đầu khen hay, còn nếu hát dở thì ông “hự” lên một tiếng rồi bày lại. Ông phân tích câu hát và điệu bộ phải ra sao. Hàng ngày từ mười ba đến mười lăm giờ chiều, ông làm việc giáp tuồng, bày dạy cho diễn viên, xong, bạn hát về lo nấu ăn, ông vào nằm đọc sách. Ông không bao giờ quan tâm đến chuyện thị phi. Giàu sang, tiền bạc đối với ông hình như chẳng nghĩa lý gì. Ông chỉ làm thơ, đặt tuồng, giáp tuồng, tối thì ra coi hát. Đến trường hát, ông có một cái trống riêng. Hễ nghe hát hay, ông đánh “bùm” thế là trên sân khấu coi bộ (diễn viên) mừng lắm. Còn hát dở thì ông kéo cái dùi trống trên mặt trống nghe sột soạt và xoay cái ghế ngồi qua một bên (không nhìn lên sân khấu nữa), dở hơn thì ông lấy tay bịt mũi. Những lúc đó thì bạn hát lo sợ lắm, không đời nào ông nạt nộ ai hết nhưng mà ai cũng sợ.[13]. Với gánh tuồng An Quán, ông Dĩnh đã đưa nghệ thuật tuồng Quảng Nam đạt đến đỉnh cao mà trước đó không thể có được. “Trước hết, nhà hoạt động nghệ thuật lỗi lạc này đã tập hợp được các nghệ sĩ ở hai chi lưu tuồng đàng bộ và tuồng đàng nước. Ông thường nói với các diễn viên rằng, tuồng đèo (tức tuồng đàng bộ) rất chân chất và mẫu mực, cần tiếp thu cái chất chân thực ấy. Ông Nhưn Đá người Quế Sơn, lúc bấy giờ đã già yếu nhưng ông Dĩnh vẫn mời về làm cố vấn nghệ thuật. Tiếp thu cái chân chất của tuồng đàng bộ, dựa vào đó để cải tiến như những cải tiến của tuồng đàng nước… Từ đó dần dần nâng cao, phát triển lên thành nghệ thuật tuồng Quảng Nam mang sắc thái riêng biệt là Thực và Đẹp, từ đó dẫn đến cái Thiện nhưng vẫn gần gũi tính đại đồng của dòng tuồng miền Trung nói riêng và tuồng toàn quốc nói chung.[14]. Nghệ sĩ Nguyễn Lai thuật lại: “Khi bác tôi về hưu, tôi đã lên sân khấu diễn nhưng vẫn làm lén lút sợ bác mắng… nhưng dần dần, tiếng tôi ham diễn, ham lên sân khấu lọt đến tai ông. Ông gọi, hỏi, tôi chối, ông nói “hát được thì cứ hát chứ cớ chi phải chối”, ông tâm tình, rằng bác cũng muốn hát lắm, nhưng không thể làm được, cháu làm được thì cứ làm. Ở đời làm nghề gì cũng được nhưng “miễn thường tâm bất thất” (câu hát trong vở tuồng Trương đồ  Nhục do ông sáng tác) là được, không làm việc gì gian phi thì không xấu hổ gì cả.[15]. Nghệ sĩ Chánh Phẩm đúc kết “Trong rạp hát này, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Hiển Dĩnh, tôi còn gặp những người bạn diễn cùng lứa tuổi và chẳng bao lâu đã thành tri kỷ như Nguyễn Nho Túy, Lê Thùy, Văn Phước Khôi, Nguyễn Lai…, tôi đã học ở ông về văn học tuồng, phân tích kịch bản, kỹ thuật hát, nói, luyến láy… Hát nói làm sao cho tròn ngữ âm, đúng ngữ điệu, vận dụng tốt ngữ khí để thể hiện đúng nhân vật, đồng thời vuốt hơi cho hay, nhả chữ cho đẹp mà vẫn đúng những quy định về mặt âm nhạc của điệu hát. Học và luyện sao cho động tác đúng, chân thực và đẹp, tránh thừa, tránh thiếu.”.[16]. Trường hát An Quán được các nhà nghiên cứu tôn vinh như một “viện tuồng” [17]. Học trò của cụ ở trường hát An Quán sau này (sau 1954) đều trở thành nghệ sĩ nhân dân như Nguyễn Lai, Nguyễn Phẩm (Chánh Phẩm), Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu… hoặc kịch tác gia nổi tiếng như Tống Phước Phổ.

            Sinh thời, ông thể hiện quan niệm của mình về nghệ thuật hát bội bằng những câu đối như:

                        Thốn thổ thị triều đình, châu quận

                        Nhất thân đô phụ tử, quần thần

            (nghĩa là: Một miếng đất (sân khấu), đó là cả triều đình, châu, quận- một tấm thân (diễn viên) là cha, con, vua, tôi (khi diễn))

            Như thế, hàm nghĩa nghệ thuật mang tính ước lệ. Sân khấu là nơi thể hiện việc giả nhưng lại phải nói rất thực. “Cái chốt cửa vốn thẳng mà ta làm động tác rút chốt để mở cửa lại hoậy cái tay để người ta thấy (tưởng tượng) là chốt cong, là không thực”[18]. Khi bàn về những đóng góp của Nguyễn Hiển Dĩnh vào kho tàng lý luận sân khấu hát bội, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn cho rằng: “Về nghệ thuật biểu diễn, cụ Tô Tân (Nguyễn Hiển Dĩnh) viết câu đối:

                        Dũng dượt dụng binh, bách chiến binh vô huyết nhẫn

                        Thung dung ẩm tửu, thiên bôi tửu bất tuý nhân

            (Nghĩa là: Hùng hổ ra quân, đánh trăm trận mà giáo gươm không vấy máu/ Ung dung ngồi nhấm rượu, cạn cả nghìn chén mà diễn viên không say, chỉ có nhân vật say thôi).

            Về sáng tác, cụ Tô Tân viết:

                        Anh hùng kỳ phục dã vô tận

                        Nhân sinh hà xứ bất tương phùng

            (nghĩa là: anh hùng chưa gặp thời còn ẩn náu không biết bao nhiêu trong sân khấu hát bội, người ở đời cứ lộn ra lộn vào sân khấu chỗ nào cũng gặp nhau)

            Từ những câu đối thâm thúy ấy chứa đựng cái tiềm ý của người xưa quan niệm về sân khấu hát bội nước ta khác hẳn với phương Tây. Như chúng ta đều biết, phương Tây cho rằng sân khấu là cuộc đời. Hát bội Việt Nam cho rằng sân khấu biểu hiện cuộc đời. Điều này có nghĩa cuộc đời trên sân khấu khác với cuộc cuộc đời trần tục. Nếu “là cuộc đời” y hệt như cuộc đời trần tục thì người đời chẳng cần sân khấu nữa. Phương Tây cũng nhận rằng sân khấu là giả nhưng dùng cái giả biểu hiện cái thật sao cho hoàn toàn như thật, người xem cứ tưởng là thật, ấy mới tài; hát bội Việt Nam thách thức: đố ai làm được điều đó. Và làm như vậy, chỉ là lừa đời, dối mình thôi. Chi bằng cứ công nhận đây là giả, không cần giấu diếm, nó biểu hiện như thật, chứ không hoàn toàn thật[19].

            Cụ Nguyễn Hiển Dĩnh quan niệm sân khấu biểu hiện cái thật bên trong sự vật tức cái thần, cái cốt lõi của vấn đề, cái bản chất của triết học. Sân khấu tạo cảm giác như thật, cảm giác này đồng thời với sự tương tác của người xem bằng khả năng tưởng tượng của họ. Cụ Nguyễn Hiển Dĩnh cho rằng cảnh diễn phải diễn làm sao y như thật nhưng đồng thời cũng không hoàn toàn thật. Theo cụ, “hùng dũng ra quân” là phải diễn cho ra cái hiện thực ấy, khí thế ấy nhưng đánh trăm trận mà giáo thương không vấy máu là không hoàn toàn thực.”, tương tự “uống nghìn chén rượu mà không say” tức chỉ có nhân vật say chứ diễn viên không say, cái tôi thứ nhất (diễn viên) vẫn tỉnh táo điều khiển cái tôi thứ hai (nhân vật) nhằm đạt hiệu quả nghệ thuật như thật.”. Sân khấu hát bội, bằng thủ pháp ước lệ của diễn viên, của đạo cụ, của hát, múa… mà diễn như thật mọi cảnh huống cuộc đời. Điều này cũng được cụ nhắc lại trong đôi câu đối:

                        Bước ra sân, khanh tướng công hầu, mày râu chĩnh chệ

                        Vào trong rạp, mày tao chủ tớ, cặc dái lòng thòng

            Về nghệ thuật viết tuồng, Nguyễn Hiển Dĩnh rất hâm mộ Đào Tấn. Ông tôn vinh Đào Tấn là “thánh trung thánh” (thánh trong thánh) và chịu ảnh hưởng rất nhiều của Đào Tấn về lời văn, về kết cấu vở tuồng. Nhưng Nguyễn Hiển Dĩnh “vẫn bộc lộ một khuynh hướng riêng. Khuynh hướng đó là khai thác xung đột kịch tính. Khuynh hướng đó biểu hiện trong việc dùng những lời hường, lời kể, những điệu bộ, cách hát tô đậm gay gắt tâm trạng nhân vật và rõ hơn cả là trong sáng tác. Vở “Võ Hùng Vương”, một vở tuồng quân quốc và vở “Trương Đồ Nhục”, một vở tuồng hài của Nguyễn Hiển Dĩnh đều chú ý đưa mâu thuẫn đến trình độ gay gắt nhất.[20]. Theo GS. Hoàng Châu Ký “Các vở tuồng bi kịch trước kia thường mô tả hoàn cảnh đặc biệt – nhân vật chính diện bị dồn đến những chân tường của tình thế, buộc nhân vật phải đạp tường mà đi “toàn thân rướm máu”… mỗi lần vượt qua được một tình huống gay go đó thì gần như “tan nát cõi lòng”. Đó là tình huống buộc ông già Tạ Ngọc Lân (trong vở “Tam nữ đồ vương”) phải ra tay giết đứa con trai phản nghịch của mình để cứu nước. Giết xong nhìn lại, ông xót xa nhưng không ân hận vì việc làm của mình. Đó là tình huống Triệu Đình Long (trong vở “Dương Chấn Tử”) không tránh được việc phải bế đứa con trai vài tháng tuổi của mình ném xuống sông. Dù lòng đau như cắt, thân như muốn nhào theo con mà… miệng lại phải cười…  Vở bi kịch “Võ Hùng Vương” của Nguyễn Hiển Dĩnh cũng đã xây dựng được những tình huống bạo liệt như thế, đưa nhân vật Viên Hòa Ngạn đến tình huống phải tự cắt đầu của mình để cứu sinh mạng của hoàng tử, cháu ngoại của mình. Cái lạ rất logic là hai ông bạn già chí thân của ông cũng khuyên ông chết như thế. Một tình huống khác: hoàng tử cháu ngoại của ông lâu nay bị bọn gian thần giam cầm, anh ta giả làm đứa thiếu niên khờ dại và say sưa suốt ngày, hầu như chẳng biết chuyện gì ngoài rượu. Hành động đó nhằm mục đích làm cho kẻ địch coi thường, không cần giết, để cậu ta chờ vị lão tướng tài danh và có quân lực hùng hậu ở biên trấn- đó là ông ngoại của cậu ta đem quân tiêu diệt kẻ thù và cứu cậu ta. Đó là hi vọng, là ước vọng lớn nhất của cậu. Nhưng rồi một đột biến xảy ra: Để tên vua soán nghịch khỏi nghi ngờ cháu mình, ông ngoại của hoàng tử, Viên Hòa Ngạn đã tự cắt đầu, đưa cho thuộc hạ về triều đình giao nộp. Tên vua Ngụy gọi cậu ra chỉ một cái thùng nhỏ bảo “mày mở ra xem cái gì trong đó”. Cậu ta vẫn giả say, nói lung tung và đến mở cái nắp thùng ấy. Trời ơi! Trong đó chính là cái đầu của ông ngoại mình. Tình cảm bức xúc, hi vọng tan tành, nhưng cậu ta vẫn cố nén, cố kiềm chế, vẫn giọng say sưa, điên dại đáp: “À, đây là cái đầu heo… Nếu các ông không ăn thì cho tôi xách về nấu cháo! Bi kịch Võ Hùng Vương là một kiệt tác của ngành tuồng. Người xem đồng cảm với cái bi, cảm phục cái hùng và cùng hoan hỉ khi chiến thắng thuộc về chính nghĩa”.[21]. Từ cốt truyện dân gian “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, Nguyễn Hiển Dĩnh viết lại thành vở tuồng hài “Trương Đồ Nhục”, ông tập trung vào chủ đề tư tưởng, là sự lẫn lộn giữa cái thực và cái giả trong cuộc sống. Vở tuồng có tính thời sự là cuộc sống diễn ra phức tạp, tâm hồn cao cả của một nhà nho  lại nằm trong thân xác một kẻ sát sinh, độc ác. Tình huống ấy “khiến người xem liên tưởng đến cuộc sống thực tại: có bao người mũ cao, áo dài đường bệ nhưng bên trong lại chất chứa tâm hồn của tên kẻ cắp”[22]. GS. Trần Đình Hượu cho rằng: “Từ Đào Tấn đến Nguyễn Hiển Dĩnh, thời gian là rất ngắn nhưng tuồng còn đi thêm một bước nữa. Nguyễn Hiển Dĩnh không chỉ viết tuồng quân quốc, tuồng truyện mà còn viết mấy vở tuồng đồ. Trong tuồng đồ hay tuồng hài, cái cười đả kích đã chiếm vị trí chủ yếu, đã mạnh hơn hẳn so với vai hề trong tuồng trước đó, kể cả tuồng Đào Tấn. Nếu không muốn nói một cách gượng ép, máy móc, đó là cái cười thị dân thì cũng phải nói rằng cái cười như vậy đã khác cái cười của quý tộc, nhà nho và nông dân. Nguyễn Hiển Dĩnh bằng cách khai thác kịch tính, văn xuôi hóa, và đưa tiếng cười đả kích vào tuồng đã đánh dấu giai đoạn mới: tuồng đến với công chúng đô thị”.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
HOÀNG DIỆU (1829 – 1882)
PHẠM PHÚ THỨ (1821-1882)
NGUYỄN THÀNH Ý (1820-1897)
PHẠM HỮU NGHI (1798-1862)
TRẦN ĐĂNG LONG (1760 – 1828)
PHAN THANH (1908-1939)
LÊ ĐÌNH DƯƠNG (1894-1919)
MAI DỊ ( 1884-1928)
PHAN THÀNH TÀI (1878-1916)
PHAN THÚC DUYỆN (1873-1944)
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
LƯƠNG KHẮC NINH (1862-1943)
PHẠM TUẤN (1852-1917) & “NGŨ PHỤNG TỀ PHI”
PHẠM NHƯ XƯƠNG (1844-1917)
LÊ ĐỈNH (1840 -1933) NHÀ KHOA BẢNG THỨC THỜI

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm