Nội dung chi tiết

PHẠM HỮU KÍNH
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 08/02/2013 .Lượt xem: 6026 lượt. [In bài]

Cho đến nay, câu chuyện về ông cũng đã gần 300 năm… Thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông với bao nhiêu chuyện “bãi bể hóa nương dâu” (thương hải biến vi tang điền). Việc dựng lại chân dung một con người của thời kỳ ấy thật chẳng dễ dàng gì.

 

Thời ấy được xem là thời thịnh trị của các chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong: Thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Năm Giáp Tý (1744), Chúa lên ngôi Vương, chiếu chỉ lên ngôi có viết: “trời đất thi nhân cởi mở khắp bờ cõi đều thấm nhuần, nhà vua thuận đạo lên ngôi, mọi người, vật đều đổi mới…”[1].

 

Dinh Quảng Nam lúc bấy giờ trấn giữ vùng biên cương phía Nam của chính dinh Phú Xuân có tên gọi là Diên Khánh Bình Khang dinh hay Bình Khang dinh nằm ở huyện Diên Phước (Điện Bàn ngày nay) cũng là quê của Phạm Hữu Kính. Mùa thu tháng tám năm Canh Thân (1740), Võ Vương định lại phép thi “kỳ đệ nhất thi tứ lục, ai trúng là Nhiêu học, được miễn tiền sai dư năm năm; kỳ đệ nhị thi thơ phú, kỳ đệ tam thi kinh nghĩa, ai trúng được miễn phu dịch; kỳ đệ tứ thi văn sách, ai trúng là Hương Cống, được bổ tri phủ, tri huyện, huấn đạo…”[2]. Phạm Hữu Kính đỗ kỳ thi hương. Mùa đông 1751  ông được triều đình Võ Vương “lấy làm cai bạ Quảng Nam

 

Ngay từ thời niên thiếu, Phạm Hữu Kính đã nổi tiếng là người tư chất thông minh. Sách cũ còn ghi “ngay từ lúc còn nhỏ tuổi đã tỏ rõ khí phách, học rộng kinh sử, lại là người cứng cỏi, chính trực, không tin tà quỷ” [3]

 

Mặc dù thời bấy giờ chế độ thi cử và bổ nhiệm quan chức của các chúa Nguyễn – theo Lê Quý Đôn – là còn sơ sài vì các chúa Nguyễn tỏ ra khá thực tế trong cách đào tạo và sử dụng nhân tài. “Đó là một nền giáo dục rất thực dụng với xã hội đương thời nơi miền đất mới khai phá.”[4], thế nhưng, cũng Lê Quý Đôn, những tấm gương như Phạm Hữu Kính đã góp phần làm nên nguồn mạch nhân tài của vùng đất mới… “người đậu thu thí (như Phạm Hữu Kính- người viết nhấn mạnh) thì bắt đầu làm tri huyện, chỉ coi việc kiện tụng, rồi làm ký lục thì coi việc thuế khoá; những kế lớn, mưu lớn không được hỏi han đến, còn bọn hậu học, tiểu sinh cũng không thấy nuôi dưỡng, tác thành. Thế mà văn mạch ở đất này dằng dặc không dứt, thực đáng khen”[5].

 

Quốc sử quán triều Nguyễn tôn vinh ông “Phạm Hữu Kính rất giỏi về việc quan”. Tấm gương công minh chánh trực của ông ứng với vùng đất mà sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã đánh giá “Học trò chăm học hành, quân tử giữ phận mà hổ thẹn việc bôn canh” [6] và “núi sông thanh tú nên nhiều người có tư chất thông minh, dễ học. Sĩ phu có khí tiết cứng cỏi, bạo nói, nhưng vì thổ lực không hậu mà thế nước chảy gấp nên tính người nóng nảy, ít trầm tính, duy có người nào có học vấn uyên thâm thì mới không bị phong khí ràng buộc”[7]. Khi ông mất – sau khi đi công vụ ở Nha Trang – ông được tặng là Tán trị công thần Đặc tiến Trụ quốc Kim tử vinh lộc đại phu Chính trị thượng khanh Tham nghị, thụy là Văn Hiến (sách Đại Nam thực lục tiền biên, Quyển 10, ghi tên thụy là Thanh Hiên).

 

Phạm Hữu Kính là người xem trọng phép nước là trên hết, dẫu việc liên hệ tới bản thân, là máu mủ ruột rà cũng “quân pháp bất vị thân”… Nguyên Phạm Hữu Kính có người con trai trưởng ăn hối lộ. Là người nắm quyền xử lý theo quân pháp, Phạm Hữu Kính khép con trai vào tội chết. Thuộc lại dưới quyền nhiều người tranh luận, bàn thảo cho như thế là quá nặng, rằng “hổ đói không ăn thịt con”… Thế nhưng, Phạm Hữu Kính nói thẳng “thằng con heo chó làm điều điếm nhục gia phong, để cho nó sống có ích chi, huống hồ phép nước còn đó, há có thể vì tình riêng mà bỏ phép công sao?”[8]. Đến khi án dâng lên cho Kính xem thì người con ấy vì thẹn sợ đã tự vẫn rồi. Như thế, há mấy ai đã thực thi chu toàn nhiệm vụ vì bị cáo chính là con ruột của mình.

 

Phạm Hữu Kính khi còn làm giáo chức, sau khi đỗ thi Hương, lúc ấy ký lục Quảng Nam là Vũ Xuân Nùng, tự Du Trường rất coi trọng tài năng của Kính. Một hôm Nùng đang rảnh rỗi ngồi chơi thì Kính tới, cùng nhau trò chuyện rất vui vẻ. Nhân bàn tới những chỗ còn nghi ngờ trong nghĩa lý kinh truyện, tranh cãi với nhau, Kính giữ mãi ý mình không chịu nghe Nùng. Nùng đổi sắc mặt nói: “Kinh học trong thiên hạ đâu phải chỉ có một mình Phạm quân?” Kính tức giận đứng dậy bỏ về. Đến khi Kính giữ chức cai bạ, tuần xét các nơi, Nùng vẫn còn ở Quảng Nam, Kính tới mà không tìm để gặp, cũng không nhắc gì tới công hay tội của Nùng. Nùng chết, người cháu trong họ là Phiếm sau được bổ làm tri huyện Bồng Sơn. Kính duyệt văn án, thấy lời phê, hôm sau gọi Phiếm đến an ủi rằng “Ta với ông Du Trường vốn là tương tri, vì tranh cãi chỗ còn nghi ngờ về kinh nghĩa mà thành xa lạ. Nay gặp cháu, không thể không nghĩ đến việc xưa. Cháu nên cố gắng”, rồi lập tức tâu lên xin thăng Phiếm một cấp. Kế lại ra Nha Trang, đến khi trở về thì chết…

 

Kính có  ba người con trai thứ là Quả Nghị, Tồn Thành, Lạc Thiện và một con gái là Lam Anh. Phạm Thị Lam Anh tự là Khuê Âu, tính tình thông minh, mẫn tiệp, lại giỏi làm thơ, tự lấy hiệu là Ngâm Si. Kính rất thương yêu con, chăm lo huân tập tài năng của con, vì thế, cho vời sĩ nhân Nguyễn Dưỡng Hạo đến ở trong nhà dạy học, định kén làm rể. Hạo là người huyện Duy Xuyên, thuộc Quảng Nam vốn nổi tiếng hay thơ, hiệu là Phục Am. Kính đi làm quan, lưu Hạo ở nhà dạy các con trai. Hạo cùng Lam Anh lấy thơ văn tặng qua đáp lại rồi có chuyện tư tình với nhau. Kính về giận lắm, muốn đem Lam Anh “trấn nước cho chết”. Có người bạn khuyên can, bèn thôi, rồi cũng vì mến tài Dưỡng Hạo, nhân gả Lam Anh cho Hạo. Lam Anh đã về với Hạo, thường cùng nhau xướng họa, trước tác, có tập “Chiến cổ Đường thi” (chiến cổ đường là ngôi nhà chống lại cái xưa, cũ) lưu hành với đời. Tiếc rằng tập thơ đã bị thất lạc. Dưỡng Hạo chỉ còn lại bài tựa trong Phong Trúc tập của Ngô Thế Lân, người Thừa Thiên. Dưỡng Hạo thể hiện những suy nghĩ về thơ hết sức sâu sắc “trúc không có ý gió, nhưng gió đến thì trúc động mà sinh ra tiếng, lòng con người ta không chứa cảnh vật, nhưng khi tiếp xúc với cảnh vật, lòng người cảm xúc mà thành thơ. Gió đi thì trúc lặng, việc đi thì lòng trống không…”.

 

Về Phạm Lam Anh, giới văn bút đương thời hết sức ca ngợi, thường truyển tụng hai câu:

 

Khởi duy tài điệu siêu Hồ, Phạm

 

Ban, Tạ, ư kim hữu thế nhân

 

(Tài cao há vượt hơn Hồ, Phạm

 

Ban, Tạ ngày nay vẫn có người)

 

Hồ, Phạm đây tức Hồ Xuân Hương và Phạm Lam Anh. Sứ nhà Thanh cũng biết tiếng bà, họ khen:

 

Nguyệt Đình, Huệ Phố tài danh thạnh

 

Cảnh thuyết thi viên hữu Phạm, Hồ

 

(Nguyệt Đình, Huệ Phố danh thơm nổi

 

Thơm ngát vườn thơ có Phạm, Hồ)

 

(Khi đề tựa “Diệu Liên thi tập” của Mai Am, hiệu Diệu Liên, tức Lại Đức công chúa (1826- 1904), Mai Am cùng với Nguyệt Đình tức Quy Đức công chúa (1824- 1892) và Huệ Phố, tức Thuận Lễ công chúa (1830-1882) là ba nữ thi sĩ nổi tiếng cung đình Huế - em ruột thi sĩ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm).

 

Phạm Lam Anh có ba bài thơ còn lưu lại (ở thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội). Đó là các bài “Khuất Nguyên”, “Kinh Kha”, “Hàn Tín”. Thơ Lam Anh rất tài hoa trong dụng ngôn, kết hợp nét tao nhã bác học với cái duyên chân chất, dân dã…Chẳng hạn bài “Khuất Nguyên”

 

Chí nan bất toại thiên thu sự

 

Ba vị toàn trầm nhất phiến trung

 

Cô phẫn khí thành thiên khả vấn

 

Độc tinh nhân khứ quốc cơ không

 

(Cái chí khó được thoả, đó là việc nghìn thu

 

Sóng nước chưa nhấn chìm hết một tấm lòng thành

 

Khí phẫn uất, đơn độc muốn xông lên trời mà hỏi

 

Người tỉnh một mình đã bỏ đi, nước cơ hồ trống rỗng)

 

*

 

*     *

 

 

Những câu chuyện về hành trạng của Phạm Hữu Kính được lưu truyền trong dân gian cứ như những huyền tích.

 

Câu chuyện thứ nhất, đây là câu chuyện thật thật khó tin ở trong cái thời mà con người mỗi khi bất lực trước những hiểm họa của tự nhiên hay xã hội thì dường như họ đặt hết niềm tin vào tà thần, ma quỷ. Trên đường về kinh Phú Xuân ứng thí, đường phải qua đèo Hải Vân “đi bộ thì khiếp Hải Vân – đi thuyền thì sợ sóng thần Hang Dơi” vì Hải Vân đèo dốc cao, quanh co, mây mù, vực thẳm…  Bên đèo có một cái đền, người người truyền bảo nhau rằng đền ấy rất linh thiêng, người qua kẻ lại, nếu ai không vào đền để lễ bái thì lập tức bị thần đền quấy nhiễu, có khi bị lụy đến thân mệnh, nhất là sĩ tử đi thi cầm chắc là rớt… Lúc đi ngang qua đó, Hữu Kính chẳng giữ gìn ý tứ, không tin vào may rủi, không tin vào sự phù trợ của thần linh hay sự quấy quá của ma quỷ. Kính đến ngôi đền, dõng dạc nói lớn: “Đây là thần tà đây!”, xong, bèn đề một bài thơ trên vách đền rồi đi thẳng. Từ độ ấy, sự quấy nhiễu cũng chấm dứt. Cũng khoa ấy, Phạm Hữu Kính dự vào hạng trúng cách, lại đậu cả khoa Hoa Văn về việc viết chữ tốt, được bổ làm giáo chức. Sách sử không ghi lại bài thơ ông đề trên vách đền nhưng như thế cũng đủ độ tin cậy vào lòng dạ chính trực của tân khoa họ Phạm.

 

Chuyện thứ hai, đỗ thi Hương, ông được Chúa phân nhiệm tại trấn Nha Trang. Phạm Hữu Kính làm việc sâu sát, tận tụy, đường đường chính chính vô vụ lợi, việc gì cũng cứ phép tắc, luật định mà xem xét khiến từ quan đến dân Nha Trang ai nấy đều kính sợ. Sử cũ ghi “Ông làm chính sự công bằng, thanh liêm, sinh hoạt rất đạm bạc, không tiếp khách riêng ở công thự, lại giỏi xét đoán, có thể chỉ ra điều gian, phát giác điều kín, thuộc lại và nhân dân rất kính sợ”[9].

 

Tại trấn Nha Trang, một câu chuyện khác về ông được truyền tụng. Số là, ngoài trấn thành có một ngôi miếu cổ, người dân sùng bái thờ phụng, đèn hương tới dâng nườm nượp, ồn ào suốt ngày đêm như một cái chợ. Trước miếu có cây cổ thụ, đồn rằng mỗi năm có một nhánh rơi làm chết một mạng người. Phạm Hữu Kính tới trấn ra lệnh phá miếu, đốn cây. Ngày một, ngày hai, dăm bữa nửa tháng, rồi xuân kỳ thu tế cũng chẳng có điều chi khác thường xảy ra, người dân nhờ đó mà được yên ổn làm ăn, khỏi phải lo chuyện lá bay, cây gãy, chết người như lời đồn đại truyền đời.

 

Lại nói, năm Tân Mùi (1751), Phạm Hữu Kính được triệu về thăng cai bạ Quảng Nam. Nguyên về thời ấy, dinh Chiêm- dinh Quảng Nam, tức dinh Bình Khang ở Thanh Chiêm, phủ Điện Bàn,[10] ngoài ty Xá Sai gồm 60 người giữ việc từ tụng, văn án do một viên ký lục đứng đầu, còn có ty Tướng Thần Lại, số người cũng như thế, giữ việc cấp lính các xã, cấp các vi tử làm ngụ lộc, thu phát tiền sai dư và thóc tô ruộng do viên cai bạ đứng đầu. Trên đường hồi hương nhận chức cai bạ Quảng Nam, khi đi ngang qua Hương Ly, đất ấy có chùa thờ Phật, phía trước có con nghê đá. Đồn rằng ban đêm con nghê đá thường hiện hình sống động, tác yêu tác quái, chúng dân rất sợ, bèn đem chuyện thưa với Phạm Hữu Kính. Kính đến trước con nghê đá, lấy giấy bút viết chữ “tử” (chết)” xong, dán lên trán con nghê. Từ đó, con nghê không còn quấy quá dân lành nữa. Lại chuyện ruộng đất ở Quảng Nam, có dạo rất nhiều chuột. Người dân sợ chuột ăn lúa khiến mất mùa đói kém bèn trình báo lên. Kính lập tức ra lệnh dân bắt nộp chuột. Dân trở về ai nấy xem lại thì chuột đã tuyệt tích, không còn dấu vết. Người người vì thế “coi Kính như thần”.

 

*       *

 

                                                   *

 

 

Trong bài phú về tỉnh Quảng Nam (Quảng Nam tỉnh phú) của Trần Đình Phong, đốc học Quảng Nam dưới triều Thành Thái, viết khoảng năm 1892 đến 1898 có đoạn:

 

“… Khoa trường đã thịnh

 

Hoạn lộ càng danh

 

Phò vua lập được công to

 

Trừ cọp chỉ dùng ngòi bút…”

 

Câu “trừ cọp chỉ dùng ngòi bút” là để chỉ tài năng như thần, như thánh của Phạm Hữu Kính, một vị quan thanh liêm, cương trực của đất Điện Bàn ngay từ thời dinh trấn…

 

 

                                                                                    Hội An 2011

 

                                                                             -Phùng Tấn Đông-

 



[1]  Quốc Sử Quán triều  Nguyễn - Đại Nam thực lục tiền biên, Quyển 10- Nhà xuất bản Viện sử học, Hà Nội, 2001. Tr.163.

 

 

[2] Quốc Sử Quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục tiền biên, Quyển 10 – Nhà xuất bản Viện sử học, Hà Nội, 2001. Tr.159.

 

 

[3] Quốc Sử Quán triều Nguyễn - Đại Nam liệt truyện tiền biên – Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995. Tr.225.

 

 

[4] Nguyễn Q Thắng - Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước – Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2005. Tr. 119.

 

[5] Lê Qúy Đôn - Phủ biên tạp lục - Viện sử học – Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2007. Tr. 185. 

 

[6]  3 Quốc sử Quán triều Nguyễn - Đại Nam Nhất Thống Chí, Quyển 5. Tỉnh Quảng Nam- Văn hóa Tùng thư, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn 1964, Tr.15.

 

 

 

  

 

 4 Quốc Sử Quán triều Nguyễn- Đại Nam liệt truyện tiền biên – sđd. Tr.225.

 

 

[9] Quốc Sử Quán triều Nguyễn - Đại Nam liệt truyện tiền biên – sđd. Tr.225

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
HOÀNG DIỆU (1829 – 1882)
PHẠM PHÚ THỨ (1821-1882)
NGUYỄN THÀNH Ý (1820-1897)
PHẠM HỮU NGHI (1798-1862)
TRẦN ĐĂNG LONG (1760 – 1828)
PHAN THANH (1908-1939)
LÊ ĐÌNH DƯƠNG (1894-1919)
MAI DỊ ( 1884-1928)
PHAN THÀNH TÀI (1878-1916)
PHAN THÚC DUYỆN (1873-1944)
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
TRẦN CAO VÂN (1866 - 1916)
TRẦN QUÝ CÁP (1870-1908)
PHAN TRÂN (1862-1935)
NGUYỄN HIỂN DĨNH (1853-1926)
LƯƠNG KHẮC NINH (1862-1943)
PHẠM TUẤN (1852-1917) & “NGŨ PHỤNG TỀ PHI”
PHẠM NHƯ XƯƠNG (1844-1917)
LÊ ĐỈNH (1840 -1933) NHÀ KHOA BẢNG THỨC THỜI

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm