Nội dung chi tiết

MAI DỊ ( 1884-1928)
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 18/02/2013 .Lượt xem: 7191 lượt. [In bài]

Những thập kỷ đầu thế kỷ XX, cùng với những biến chuyển lớn lao của đất nước, xã hội Việt Nam trở thành xã hội “thuộc địa nửa phong kiến”, nền giáo dục theo Nho học đã lỗi thời “vạn dân nô lệ cường quyền hạ - bát cổ văn chương túy mộng trung” (Phan Châu Trinh), nhân dân nô lệ dưới ách thống trị của người Pháp và Nam triều, văn chương bát cổ vẫn làm say sưa bao nhiêu sĩ tử trong giấc mộng thân danh, việc chọn con đường “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để cứu nước của cụ Phan Châu Trinh và các đồng chí là một lựa chọn mang tính cách mạng và “còn có ý nghĩa thực tiễn cho đến tận ngày nay” (Hoàng Xuân Hãn). Đầu thế kỷ XX, quả thật Quảng Nam đã là trung tâm của một cuộc cải cách giáo dục – theo nhiều nhà nghiên cứu – khác với Đông Kinh Nghĩa Thục thiên về giới tinh hoa (élite), phong trào Duy Tân thiên về quảng đại quần chúng… Phong trào “thực học” này đã tạo nên một kiểu con người mới của một nền văn hóa mới trên đất Quảng mà những nhân sĩ đất Quảng tiêu biểu có thể kể đến ngoài Phan Tây Hồ là những Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ, Phan Thành Tài, Nguyễn Thành, Phan Thúc Duyện, Châu Thượng Văn, Mai Dị, Lê Đình Dương…

Phong trào Duy Tân, ngoài việc chủ trương thay đổi quan niệm học hành, đề cao công thương nghiệp - “quyết tâm xây dựng nền học mới, hữu dụng, cạnh tranh được với đời theo lối Pháp, lối Nhật”[1] và việc  xây dựng những thương cuộc (cửa hàng) hợp thương (công ty) trên khắp các vùng ở Quảng Nam – còn vận động “dân trí” xây dựng một nếp sống văn hóa  “học theo kiểu Tây Âu” trong chuyện ăn, mặc, ở…

Về việc học hành, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp cùng đỗ tiến sĩ, nhưng không ai ra làm quan, cùng là đồng chí trong việc chống lối học khoa cử, lên án chế độ ngu dân, bần cùng hoá nhân dân của chính quyền bảo hộ và Nam triều qua việc lập các trường tiểu học ở hương thôn, lập Tân học hội, diễn thuyết hội… Trong một chuyến ba ông cùng Nam du, ngang qua Bình Định, gặp kỳ thi hạch, họ mượn tên Đào Mộng Giác vào ứng thí. Phan Châu Trinh làm bài thơ “Chí thành thông thánh”, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Qúy Cáp làm bài phú “Lương Ngọc danh sơn”. Bài phú có đoạn:

            Hỡi người trí thức kia ơi

            Trên thời quan lại, dưới thời thư sinh

            Nên vì nghĩa, vì danh một chút

            Quẳng mũ đi, vứt bút đứng lên

            Đừng cam chịu tiếng ươn hèn

            Hơi tàn còn thở chớ quên phục thù[2]

Qua bài “Chí thành thông thánh”, Phan Châu Trinh cũng thẳng thừng chê cái lối học lỗi thời, kêu gọi mọi người mau thức tỉnh, thoát khỏi ao tù của văn chương “bát cổ” (tám vế):

            Thế sự thôi rồi một cái không

            Giang sơn khô luỵ khóc anh hùng

            Muôn dân nô lệ phường quyền mạnh

            Tám vế văn chương giấc mộng chong

            Cứ vậy chịu lỳ người mắng nhiếc

            Bao giờ ra khỏi cảnh chuồng lồng

            Các anh chưa dễ không tâm huyết

            Đọc suốt văn này ắt phải thông[3]

Huỳnh Thúc Kháng có bài “Chiêu hồn nước” đề cao chữ quốc ngữ, khuyến dương tân học:

            Chữ quốc ngữ là hồn trong nước

            Phải đem ra tỉnh trước dân ta

            Sách Âu Mỹ, sách Chi na

            Chữ kia chữ nọ dịch ra tỏ tường

            Công, nông, cố trăm đường cũng thế

            Họp bày nhau thì dễ toan lo

            Á Âu chung lại một lò

            Đúc lên tư cách mới cho rằng người [4]

 

Về sau này, phần lớn những chiến sĩ của phong trào Duy Tân trên đất Quảng đều hi sinh vì nước, vì dân sau các sự kiện như phong trào kháng thuế, cự sưu 1908 và khởi nghĩa Duy Tân 1916, số còn lại ít ỏi như cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Mai Dị… đều trải qua nhiều vòng lao lý hoặc bị giam trong nước ở đất liền, hoặc đi đày Côn Đảo, thậm chí sang đến Pháp như cụ Phan… Một trong những khuôn mặt kiệt hiệt của phong trào duy tân trên đất Quảng, tuy không chết trong vòng lao lý hay trong cuộc khởi nghĩa bất thành nhưng vẫn được tôn vinh là liệt sĩ của phong trào đó là cử nhân Mai Dị - một người con của đất Điện Bàn, chiếc nôi của phong trào Duy Tân và là nơi, có thể nói có nhiều nhân sĩ hi sinh cho phong trào không khác gì trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến cứu nước sau này.

Mai Dị sinh năm Giáp Thân (1884 – theo Quốc triều hương khoa lục), có tư liệu cho rằng ông sinh năm 1880 (năm Canh Thìn)[5] tại làng Nông Sơn, tổng An Thái, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam – nay là xã Điện Phước, huyện Điện Bàn.

Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học, cha ông là tú tài Mai Luyện, thuở nhỏ ông học trường Đốc Quảng Nam. Ông đậu cử nhân tại trường thi Thừa Thiên khoa Kỷ Mão (1906) cùng khóa với Nguyễn Bá Trác (1881 -1945) –   người được cho là tác giả của bài thơ “Hồ trường” nổi tiếng và các cử nhân quê Quảng Nam như Lê Thích, Phan Vĩnh, Hoàng Dương, Cao Tường, khoa này Phan Khôi đỗ tú tài…Sau khi thi đỗ, năm 24 tuổi, ông không ra làm quan mà chọn việc dạy học và tham gia phong trào Duy Tân – một chọn lựa hết sức sáng suốt trong bối cảnh nước mất, nhà tan, triều đình cam tâm làm tay sai cho Pháp, việc chọn lựa ấy cũng nằm trong quan niệm đầy tiết tháo của bực chân Nho về “hành, tàng, xuất, xử”. Ông tham gia phong trào Duy Tân với việc dạy học tại Nghĩa thục Diên Phong, rồi được cử du học Nhật Bản với Nguyễn Bá Trác nhưng vì hoàn cảnh gia đình ông không đi được.

Mai Dị là một trong những khuôn mặt trí thức trẻ của Quảng Nam hưởng ứng phong trào Duy Tân. Về việc “tiên phong” hớt tóc ngắn, vận Âu phục vào thời kỳ mà những quan niệm đạo đức nhà nho còn thịnh hành như việc hớt tóc ngắn “theo quốc tục ngày xưa, đàn ông đàn bà đều để tóc dài. Có câu trong sách Kinh Lễ, đức Khổng Tử nói rằng “thân thể phu pháp thọ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương” (mình vóc, da và tóc đều là của cha mẹ cho mà mình lãnh lấy ở cha mẹ, không dám hủy hoại)[6], hớt tóc ngắn sẽ bị phê phán là bất hiếu, thiên hạ xem ngang với phường đạo tặc vì tóc cụt người ta khó chụp lấy đầu (nắm thằng có tóc không ai nắm đứa trọc đầu). Trên báo Ngày Nay số 149, ngày 15/2/1939, Phan Khôi có bài “Lịch sử tóc ngắn” kể câu chuyện liên quan đến Mai Dị như sau:

“Mùa đông năm 1906, thình lình ông Phan Châu Trinh đi với ông Nguyễn Bá Trác đến nhà tôi. Đã biết tin ông Phan mới ở Nhật về, tiên quân tôi chào mừng một cách thân mật với câu bông đùa này “cửu bất kiến quân, quân dĩ trọc” khiến tôi phải để ý xem ngay đầu ông Phan, thấy không đến trọc nhưng là một mớ tóc bờm xờm trong vành khăn nhiễu quấn.

Ở chơi nhà tôi ba hôm, lúc đi, ông Phan rủ tôi cùng đi sang làng Phong Thử, nơi hiệu buôn Diên Phong, là một cơ quan của các đồng chí chúng tôi lúc bấy giờ mới lập được mấy tháng. Tại đó, tôi gặp thêm cụ cử Mai Dị nữa, rồi bốn người chúng tôi cùng đi thuyền lên Gia Cốc, thăm ông Học Tổn, ông này có mở một tiệm buôn và một sở vườn trồng quế, trồng chè ở làng An Chánh gần đó, nhân thể mời chúng tôi đến chơi.

Một nếp nhà chòi đóng sơ sài ở trên đồi, bốn phía cây cối um tùm, giữa mùa đông lạnh và vắng vẻ. Vào nhà rồi, một điều nhận thấy lấy làm lạ mắt; từ chủ đến người làm công, kẻ tôi tớ, cả nhà hết thảy chừng hai chục đầu người, đều không có tóc dài như ba chúng tôi. Giữa bữa cơm sáng đầu tiên, khi ai nấy đã có chén hoặc ít hoặc nhiều, ông Phan mở đầu câu chuyện, nói: - Người đời, nhất là bọn nhà nho chúng ta, hay có tính rụt rè, không dám làm việc. Mỗi khi có việc đáng làm, họ thường tìm cớ tránh rút, có khi họ nói việc nhỏ không xứng đáng. Trong ý họ, đợi đến việc lớn kia. Nhưng nếu họ đã có ý không muốn làm thì đối với họ, việc nào cũng sẽ là nhỏ cả, thành thử cả đời họ không có việc mà làm!

Ông Phan lúc đó gặp ai cũng diễn thuyết, những câu chuyện luân lý khô khan như thế, mấy hôm nay ông đem nói với bọn tôi hoài thành thử khi nghe mấy lời trên đó của ông, không ai để ý cho lắm, cứ tưởng là ông phiếm luận. Thong thả ông nói tiếp: Nếu lấy bề ngoài mà đoán một người là khai thông hay hủ lậu thì trong đám chúng tôi ngồi đây duy có ba anh – vừa nói ông vừa chỉ ông Trác, ông Dị và tôi – là hủ lậu hơn hết, vì ba anh còn có cái đùm tóc như đàn bà.

Cả mâm đều cười hé môi. Ba chúng tôi bẽn lẽn, ông Phan lại nói

-         Nào! thử cúp đi có được không? Đừng nói là việc nhỏ. Việc này mà các anh không làm được, tôi đố các anh còn làm được việc gì.

Câu sau đó, ông nói với giọng rất nghiêm, như muốn gây sự với chúng tôi vậy.

Ông Mai Dị đỏ mặt tía tai:

- Ừ thì cúp chứ sợ chi!

- Thì sợ chi!

- Thì sợ chi!

Ông Trác rồi đến tôi phụ họa theo. Khi ấy, trong mâm cười ầm cả lên, mỗi người như có sự đắc ý gì lớn lắm, ông Học Tổn cầm ve rượu cho ba chúng tôi và mời: Uống nữa, uống nữa. Mấy kẻ ở nhà dưới tưởng có việc gì xảy ra, chạy lên xem thấy cười, họ chẳng biết đầu đuôi chi, cũng cười mà trở xuống.

Bữa cơm xong đã đúng trưa, trời vẫn mưa phùn, ông Học Tổn bảo người nhà mở cửa cái nhà trại đạp lúa, rũ bức mành che bớt gió, và đặt ở đấy mấy cái ghế cho chúng tôi. Người em ruột ông Ấm Đôn cầm kéo, ông Phan Châu Trinh ngồi một ghế như thị thiềng.

Ông Mai Dị được hớt trước rồi đến hai chúng tôi. Mỗi người đều đầy ý quả quyết và tin nhau lắm, chẳng hề sợ ai nửa chừng thoái thác. Hớt xong, những tóc của ba cái đầu bỏ đầy một thúng; có mấy người đàn bà ở cạnh xóm đến tranh nhau xin về làm trang (tóc), về sau tôi mới biết ra rằng lần hớt này thiệt vụng quá, chỉ cắt ngắn đi thôi, chứ không theo kiểu mẫu gì cả. Thế mà lúc đó ông Phan cứ trầm trồ khen mãi: “Cúp khéo đấy. Coi đẹp đấy”.

Tối hôm đó còn ở lại An Chánh một đêm, cái đêm tôi ngủ chẳng yên cứ giật mình, mở mắt, chốc chốc lại mó lên đầu, trong lòng thổn thức. Chuyến đi chơi này chỉ đi chơi trong mấy hôm rồi còn về nhà nữa, chứ không phải đi bỏ xứ! Về nhà mà mang cái đầu này về, dễ chịu làm sao? Nhà mình còn có cha, có bà nội - nhất là bà nội – sao mình lại tự tiện quá thế này? Nhưng không làm thế này sao được? Mình là người định làm việc lớn kia mà! Thế mà trước mắt các ông đi Nhật Bản về kia, mình không làm nổi việc nhỏ thì bé lắm. Đó là những điều trăn trở qua lại trong đầu tôi đêm ấy và luôn mấy đêm sau, trước khi về đến nhà, có một điều tỏ ra tôi thật thà và ngây thơ quá, nghĩ gì thì nghĩ, chứ không hề nghĩ mình làm việc ấy là bị khích bởi ông Phan.

Ở Gia Cốc về, chúng tôi chưa về nhà vội, còn định trú lại Diên Phong mấy ngày. Ở đó, chúng tôi yêu cầu các ông Phan Thúc Duyện, Phan Thành Tài, Lê Dư cũng làm như chúng tôi luôn với năm, sáu mươi người vừa làm công vừa học trò đều cúp trong một ngày. Rồi hễ có vị thân sĩ nào đến chơi là chúng tôi cao hứng lên diễn thuyết, cổ động khuyên họ cúp thảy cả. Trong số đó có ông tiến sĩ Trần Quý Cáp - thầy chúng tôi và các ông Tú Hữu, Tú Bôm, Tú Như, còn nhiều không kể hết; ít hôm sau ông Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Đông ra cũng cúp tại đó. Chính tay ông Lê Dư cầm kéo hớt cho ông Huỳnh dù ông Lê Dư chưa hề biết qua nghề hớt là gì… Hôm ở Diên Phong về nhà, tôi phải viện ông Lê Dư đi về với. Thấy hai chúng tôi, cả nhà ai nấy dửng dưng. Trước tôi mảng tưởng về nhà chắc bị quở dữ lắm, nhưng không, thầy (cha) tôi tảng lơ đi, bà tôi càng lạnh lùng hơn nữa, chỉ ba chặp lại nhìn cái đầu tôi mà chặc lưỡi. Dò xem ý bà tôi, hẳn cho rằng tôi đã ra như thế là quá lắm, không còn chỗ nói… Đến bọn đàn bà trẻ con thì lại cười nhạo ra mặt, mỗi khi gặp tôi đi đường, chúng công nhiên chỉ trỏ và nhe răng ra với nhau. Có đứa trẻ dám chê tôi đội cái vung lên đầu… Qua năm 1907 trở đi, cả tỉnh chỗ nào cũng có bạn đồng chí về việc ấy. Ở đâu có trường học theo lối mới thì ở đó có cái ổ cúp tới… Bởi một ý đùa, tôi đặt một bài ca dao : “Tay trái cầm lược – tay phải cầm kéo- cúp hè cúp hè!- Thăng thẳng cho khéo! – Bỏ cái hèn này- Bỏ cái dại này – Cho khôn cho mạnh…”

Năm 1906, tại nhà ông từng là nơi gặp gỡ các chiến sĩ Duy Tân trong Nam, ngoài Bắc. Theo học giả Nguyễn Văn Xuân “Ngành buôn không chỉ thu hẹp trong tỉnh mà còn mở rộng ra tới Hà Nội. Công cuộc này khởi sự từ khoảng năm 1906, nhưng không rõ trước hay sau khi ông cử Dương Bá Trạc cầm đầu một phái đoàn từ Bắc vào thăm Quảng Nam theo lời mời của Trần Quý Cáp. Thời ấy vẫn có nhiều người từ Quảng Nam ra Bắc theo chân các ông Phan Sào Nam, Phan Châu Trinh… Phái đoàn do ông Dương Bá Trạc - một nhân sĩ có tiếng trong công cuộc Duy Tân và hoạt động chính trị ở Bắc – có mục đích thăm các cơ sở Duy Tân, rút những kinh nghiệm cho một công cuộc khác mà ta có thể đoán là Đông Kinh Nghĩa Thục sau này. Phái đoàn ban đầu ở nhà ông cử Mai Dị ở Nông Sơn, sau xuống lưu trú tại nhà ông Học Châu, người Kỳ Lam…[7]

Về việc ông tham gia giảng dạy trong phong trào Duy Tân, cũng theo Nguyễn Văn Xuân: “Cũng riêng năm 1906, ở Quảng Nam, ngoài có hai ngôi trường lớn được thành lập: Diên Phong, rồi sau đó Phước Bình còn có trường Phú Lâm của Lê Cơ, không kể trường Thăng Bình của Trần Quý Cáp. Trường Diên Phong gây một tiếng vang rộng lớn hơn cả vì trước hết nó không phải là trường của chính quyền như Thăng Bình mà của tư nhân. Nó lại được dựng trên một khu vực lúc ấy cũng đang khét tiếng vì Thương Hội Diên Phong cũng là thương hội lớn nhất của tỉnh thành lập tại Phong Thử, phủ Điện Bàn, quy mô to lớn, chắc chắn là toàn quốc vì lúc ấy chưa có thương hội nào lớn hơn. Giáo sư của trường thì ngoài Trần Quý Cáp còn có ông cử nhân Phan Thúc Duyên (hay Diện), Mai Dị, Phan Thành Tài… Mai Dị người Nông Sơn, Điện Bàn, đậu cử nhân, rất có tiếng trong hàng sĩ phu (con tú tài Mai Luyện). Ông Phan Châu Trinh vẫn thường bảo: “Mai Dị và Phan Khôi là cặp tiến sĩ tương lai của Quảng Nam”. Nhắc điều đó, cốt để cho thấy rõ là lớp thanh niên ưu tú nhất đều nghiêng theo phong trào Duy Tân. Mai Dị tính tình khẳng khái, can đảm.[8].

Năm 1908, nhân dân tỉnh Quảng Nam xuống đường “cúp tóc, xin xâu” khởi đầu là nhân dân huyện Đại Lộc rồi lan nhanh ra khắp các tỉnh trung kỳ. Ngày ấy, ai nhập vào đoàn biểu tình xuống toà sứ Hội An để xin xâu đều có người đến cắt tóc ngắn, nên sau này gọi là vụ án “cúp tóc, xin xâu”. Khi vụ này xảy ra, Phan Châu Trinh đang ở Hà Nội bị bắt đưa về Huế chịu án chém, nhưng sau đó đày đi Côn Lôn, Trần Quý Cáp đang dạy học ở Diên Khánh bị bắt giam, bị kết án “lăng trì” (xẻo thịt dần cho đến chết) rồi tức thời đổi ra trảm quyết (chém ngay) ở Khánh Hoà. Huỳnh Thúc Kháng cùng các đồng chí bị bắt kêu án tù, đày đi Côn Lôn. Những trí thức trẻ của Quảng Nam như Mai Dị, Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Mại… đang ở Hà Nội thì người bị điện về gấp ở quê rồi bị bắt, có người bị bắt giải về quê, có người trốn ra nước ngoài, nhưng không mấy ai thoát. Về việc Mai Dị bị bắt, theo Nguyễn Văn Xuân: “Thời kỳ Phong trào Duy Tân, ông (Mai Dị) được nổi tiếng nhiều nhất là nhờ một sứ mệnh mà Phan Châu Trinh giao phó cho ông cùng tú tài Phan Khôi: Mang bản “Đầu Pháp chính phủ thư” ra Hà Nội cho ông Babut dịch ra tiếng Pháp đưa lên toàn quyền Đông Dương, Babut là chủ bút báo Đăng Cổ, ở trong hội nhân quyền của Pháp).[9]. Thời kỳ này, ông cùng các trí thức trẻ Quảng Nam có mặt tại Hà Nội để học Pháp văn ở Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng trường không mở lớp “hợp trình độ” nên ông cùng Phan Khôi xuống Nam Định học với ông Nguyễn Bá Học. Thời kỳ này khoảng cuối năm 1907 đầu năm 1908 theo Phan Khôi khai trong phiên xử số 128 của các quan chức Quảng Nam về Kháng (Huỳnh Thúc Kháng) và đồng bọn ngày 12/7/1908: “Ngày 15 tháng 1 năm nay (tức 16/2 1908 dương lịch), khi tôi xuống Đà Nẵng để ra Hà Nội học, tôi đã gặp thầy giáo cũ của tôi là ông Trần Quý Cáp (giáo thọ) đang đi đến nhận nhiệm sở mới. Ông nhờ tôi nếu tôi gặp ông Phan Châu Trinh thì nói với ông ấy xem có thể tìm giúp cho ông một chỗ làm trong một thư viện hay trong một tòa báo và viết thư báo tin cho ông ấy biết. Đến Hà Nội, tôi có gặp Phan Châu Trinh và tôi nhắc lại điều ông Trần Quý Cáp đã dặn. Sau đó, tôi nhờ ông nếu có viết thư cho ông Trần Quý Cáp thì xin ông ghi ở cuối thư rằng tôi đã tới Hà Nội an toàn. Sau đó tôi đi Nam Định để học tiếng Pháp”[10]. Nhà nghiên cứu Vu Gia cho rằng “Như vậy, một điều chắc chắn là cả Phan Khôi và Mai Dị có đến Hà Nội vào thời gian ấy nhưng không học ở Đông Kinh Nghĩa Thục và đều xuống Nam Định học Pháp văn với Nguyễn Bá Học. Việc này do Phan Châu Trinh sắp xếp chăng?. Tôi tin vậy, bởi một người chân ướt chân ráo đến Hà Nội như Phan Khôi và Mai Dị thì làm sao biết thầy nào, ở đâu mà theo học. Và theo lời khai của Phan Khôi thì ra đến Hà Nội là gặp ông Phan Châu Trinh. Nếu không có hẹn hò từ trước thì nào dễ gặp được như vậy. Và nếu thực tâm tìm thầy học hỏi thì ngay tại Hà Nội đâu thiếu người biết, thậm chí giỏi tiếng Pháp, hoặc ngay tại Đà Nẵng, Huế cũng nào thiếu thầy mà phải tìm ra Hà Nội rồi cùng kéo nhau xuống tận Nam Định?”.[11]. Về phía cụ Phan Châu Trinh, theo bản dịch tiếng Pháp thư của Phan Châu Trinh gửi Trần Quý Cáp, phần tái bút có viết “Khôi và bè bạn đã đến Hà Nội, đều sức khoẻ, không có gì phải lo lắng” [12] và trong “Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký”, Phan Châu Trinh cho biết thêm “ông cử nhân Nguyễn Bá Trác và Phan Khôi, Nguyễn Mai cùng bạn học hơn mười người ra Hà Nội học tập Pháp văn, sau vụ dân biến, đều đánh điện sức về hết, bạn đồng học năm sáu người tuân lệnh về làng, tức thì bị bắt làm án.[13]. Cũng theo Vu Gia “Tôi cho rằng những trí thức trẻ Quảng Nam ngày ấy ra Hà Nội học Pháp văn chỉ là cái cớ và cũng chỉ một phần nâng cao tri thức (nếu thực tâm muốn học thêm tiếng Pháp, bởi trình độ chữ Hán và chữ quốc ngữ của họ không thua bất kỳ giảng viên nào của Đông Kinh Nghĩa Thục, nên cũng có thể được mời tham gia giảng dạy.). Tôi khẳng định, những trí thức trẻ Quảng Nam đến Hà Nội là do Phan Châu Trinh điều động giúp đỡ Đông Kinh Nghĩa Thục sớm đạt mục tiêu đề ra, vì những mục tiêu ấy không khác gì những việc làm của phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đã làm và đã có những thành tựu đáng kể.[14].

Tạp chí Xưa & Nay số 49B tháng 3/1998 có công bố một tài liệu hiện lưu trữ tại thư khố Pháp – lá thư của bà Huỳnh Thị Lý, vợ tú tài Mai Luyện, mẹ cử nhân Mai Dị gởi Toàn quyền Đông Dương Bonhoure (tháng 11/1908) đòi xét lại bản án mà tỉnh đã kết tội chồng, con bà. Nguyên văn như sau:

“Quảng Nam ngày tháng 11 năm 1908

Kính bẩm Quan Toàn quyền

Tôi tên Huỳnh Thị Lý, hiện cư ngụ tại làng Nông Sơn, tổng An Thái, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trân trọng kính mong Ngài xét cho hoàn cảnh khốn khổ của tôi như sau: Vào tháng hai âm lịch năm nay, tiếp sau việc dân làng chúng tôi xin giảm thuế, quan Công sứ đã ra lệnh bắt và giải chồng tôi là Mai Luyện (Tú tài) và con tôi là Mai Dị (Cử nhân) từ Nam Định về Quảng Nam để đưa ra tỉnh xét xử.

Chồng tôi bị xử tước bỏ danh vị Tú tài và bị quản thúc tại làng với lý do là đã tham gia vào một hội buôn tại Hội An (Faifoo). Con tôi bị kết án ba năm tù và 100 trượng vì có quan hệ với ông Phan Duyện (Cử nhân) và vì mặc Âu phục vào chùa Sắc Tứ cùng rời khỏi tỉnh đi ra Bắc học khi chưa có phép của chính quyền.

Về việc tham gia hội buôn mà quan Công sứ và các quan đã cho phép thành lập, chồng tôi đã ghi tên, đóng 100 đồng bạc, nhưng chỉ mới đóng được 30 đồng. Mục đích duy nhất của chồng tôi khi góp tiền cho thương hội là mong có chút tiền lời mà thôi.

Nay, c

[Trở về]
Các tin mới hơn:
HOÀNG DIỆU (1829 – 1882)
PHẠM PHÚ THỨ (1821-1882)
NGUYỄN THÀNH Ý (1820-1897)
PHẠM HỮU NGHI (1798-1862)
TRẦN ĐĂNG LONG (1760 – 1828)
PHAN THANH (1908-1939)
LÊ ĐÌNH DƯƠNG (1894-1919)
Các tin cũ hơn:
PHAN THÀNH TÀI (1878-1916)
PHAN THÚC DUYỆN (1873-1944)
TRƯƠNG CÔNG HY (1727-1800)
PHẠM HỮU KÍNH
TRẦN CAO VÂN (1866 - 1916)
TRẦN QUÝ CÁP (1870-1908)
PHAN TRÂN (1862-1935)
NGUYỄN HIỂN DĨNH (1853-1926)
LƯƠNG KHẮC NINH (1862-1943)
PHẠM TUẤN (1852-1917) & “NGŨ PHỤNG TỀ PHI”
    
1   2  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm