Nội dung chi tiết

Nghị sĩ Phan Thanh và nỗi lòng dân nước
Tác giả: Phạm Ngọc Sinh .Ngày đăng: 23/01/2014 .Lượt xem: 4010 lượt. [In bài]
Cách đây tròn 75 năm, cũng có một người ra đi trong niềm thương tiếc vô hạn của toàn dân, mà sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải thốt lên: “Dân chúng đã tổ chức tang lễ rất trọng thể. Đám tang có 153 vòng hoa, có đại biểu 14 tỉnh về dự và dài trên 2km. Gia đình anh nhận được 110 điện viếng. Chưa bao giờ có một đám tang lớn như thế ở Hà Nội” . Đó là đám tang nghị sĩ Phan Thanh. Lịch sử và nhân dân luôn công bằng.

Phan Thanh (1908-1939) sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, trí thức cách mạng, thuộc “danh gia vọng tộc” lúc bấy giờ tại làng Bảo An, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn,(nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Đây là một làng danh tiếng thuộc vùng Gò Nổi huyền thoại của xứ Quảng.


Ông nội Phan Thanh là Cử nhân Phan Khắc Nhu, cha là nhà nho Phan Định (1868-1929), bác ruột là Phó bảng Phan Trân (cha nhà văn Phan Khôi). Mẹ ông là Lê Thị Tiếu, con gái Cử nhân Lê Đăng Cung, nhưng không ra làm quan. Phan Thanh là người con trai thứ ba trong năm anh em trai. Hai người anh là Phan Hạnh và Phan Nhụy từng tham gia cuộc khởi nghĩa Duy Tân. Người em trai là Phan Bôi, tức Hoàng Hữu Nam (1911-1947) là nhà hoạt động cách mạng, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1930, Đại biểu Quốc hội khóa I (1946), Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, người cộng tác thân cận của Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng.

Phan Thanh thừa hưởng và ảnh hưởng nhiều của gia đình và dòng tộc. Từ tuổi thiếu niên Phan Thanh đã ghi lòng tạc dạ câu nói khẳng khái, cương trực  của cha mình: “Học nghề gì thì tùy các con, nhưng chớ học nghề buôn dân bán nước”. Câu nói này theo suốt chặng đường hoạt động và ngày mạnh mẽ hơn, chi phối mọi quan điểm, hành động và hình thành nên nhân cách Phan Thanh. Đó là nỗi lòng dân nước.

Thời Phan Thanh sống, các trí thức chân chính đều hướng về “dân tộc”, “nhân dân” và lấy đó làm mục tiêu sống của đời mình. Tiêu biểu như nhà nho Huỳnh Thúc Kháng đã gác lại “Bát cổ văn chương túy mộng trung”, để rồi trăn trở, thổn thức, đau đớn cùng nhân dân:

“Khóc than biết có thấu trời chăng

          Trời cứ thinh thinh chẳng nói năng

          Xin hỏi dân này bần lại khổ

          Tai ương chồng chất mấy trắm lần”

                             (Dân xứ bị lụt, Tiếng Dân số 531, ngày 19/10/1932)[1]

Phan Thanh cũng vậy, năm 1927, tuổi đời chưa đầy 20, tràn đầy nhiệt huyết, đã đứng về nhân dân. Trên báo L’Annam với bài “Nói chuyện về người Pháp vừa cập bến”, ông thẳng thừng phê phán rạch ròi, phủ đầu, nhưng mang tính thuyết phục : “Chúng tôi không chống lại tất cả người Pháp, mà chỉ chống lại những người Pháp không công bằng và vô nhân đạo thôi…Chúng tôi chống lại sự áp bức, sự độc đoán…Phiền ngài hãy đi về các vùng quê, chui vào những túp lều hoang sơ và rồi ngài sẽ thấy người nông dân khốn khổ của chúng tôi đang nợ những gì của nền văn minh Pháp? Họ sẽ chỉ cho ngài thấy, trong nước mắt, những người vợ rách  rưới phải còng lưng xuống mảnh đất hết ngày nay sang ngày khác, những đứa con trần truồng luôn bị cái đói dày vò”.

Phan Thanh quan niệm lấy báo chí để đấu tranh và thức tỉnh dân chúng. Ngay từ thời trẻ, ông đã say sưa đọc báo La Cloche Fêlée (Tiếng Chuông rè) do Nguyễn An Ninh lập. Đây là tờ báo có khuynh hướng dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chống chủ nghĩa thực dân. Hoạt động báo chí của ông mạnh mẽ và qua đó, những tư tưởng tiến bộ về dân chủ, dân sinh “ngấm” vào ông, rồi trở thành nền tảng tư tưởng của mình trong mọi hoạt động.

Đặc biệt, sau khi là người Việt Nam đầu tiên tham gia Đảng Xã hội, rồi trở thành người hoạt động có uy tín, đứng chân trong Ban Chính trị, Phó Thư ký Chi nhánh Bắc Đông Dương, Thư ký Chi đảng Hà Nội, Phan Thanh cùng với Trần Đình TriPhan Tư Nghĩa và các đồng chí người Pháp của mình đứng ra xuất bản tờ Demain (Ngày mai), cơ quan ngôn luận chính thức của chi nhánh Đảng tại Bắc Đông Dương, vào tháng 11 năm 1938, trong đó tuyên bố "Demain là tờ báo của những người có thiện chí, của tất cả những người yêu chuộng công lý và nhân loại. Một đảng sẽ chẳng là gì, nếu đảng ấy không đấu tranh cho một lý tưởng và cho sự nghiệp của nhân loại".[2]

Năm 1938, Phan Thanh và những đại diện của Đảng Xã hội, phối hợp  với nhóm Tin tức (cơ quan ngôn luận công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương), tổ chức thành công Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 tại Nhà Đấu xảo Hà Nội với gần 2,5 vạn người tham gia. Đây là buổi lễ được chuẩn bị công phu, thành lập Ban Thường trực, nhiều khẩu hiệu liên quan đến quyền dân nước được treo trang trọng: Cơm gạo- Hòa bình- Tự do, Ủng hộ Mặt trận Bình dân, Tự do dân chủ, Tiến tới phổ thông đầu phiếu, Chống đời sống đắt đỏ, Chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh, Bảo vệ phụ nữ và nhi đồng,...

Demain và Phan Thanh đã tuân thủ và phát triển tôn chỉ, mục đích của mình, luôn đăng các nội dung về chủ nghĩa xã hội, về dân chủ, về tương lai. Demain đã hướng về người lao động, có cái nhìn toàn diện về đời sống nhân dân với những cơ cực của tiền thuê nhà, giá cả leo thang, tình trạng cướp đất nông dân, cho vay nặng lãi, ức hiếp đàn bà trẻ em,…Demain phản ánh tình hình đấu tranh của các tầng lớp, giai cấp bản xứ.

Mùa hè năm 1936, Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ nhất, dựa vào Nghị quyết của Đại hội quốc tế Cộng sản lần thứ VII, căn cứ vào tình hình thực tế trong nước hội nghị đi đến những quyết định quan trọng: tạm gác khẩu hiệu "Đánh đổ đế quốc Pháp" và "tịch thu ruộng đất của địa chủ, phong kiến chia cho dân cày", chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương. Tháng 3.1938, đổi thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận dân chủ Đông Dương nhằm tập hợp mọi lực lượng dân tộc đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp đòi các quyền tự do, dân chủ, cơm áo, hoà bình. Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng đã góp phần đưa phong trào cách mạng toàn quốc đang phục hồi lên một bước mới.

Trong hình thức đấu tranh công khai của thời kỳ này, hoạt động báo chí đóng vai trò quan trọng.  Lúc này, hoạt động sách báo cách mạng và tiến bộ rất có hiệu quả, các tác phẩm “Vấn đề dân cày" của Qua Ninh (Trường Chinh) và Vân Đình (Võ Nguyên Giáp), "Nhật ký tuyệt thực chín ngày rưỡi" của Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ) phát hành rộng. Nhờ công tác tuyên truyền phát triển rộng rãi, đảng viên, quần chúng nhân dân hiểu rõ được vai trò của Đảng và hăng hái bước vào cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ do Đảng phát động. Và, Demain đã thực sự trở thành tờ báo nằm trong hoạt động báo chí cách mạng công khai thời kỳ 1936-1939 ở Việt Nam, phục vụ cho cách mạng Việt Nam, cách mạng Đông Dương và Thế giới.

Là đảng viên Đảng Xã hội, Phan Thanh tham gia nhiều hoạt động liên quan đến chăm lo đời sống nhân dân, như việc cứu trợ những phụ nữ, trẻ em Trung Hoa - nạn nhân cuộc chiến tranh xâm lược của Nhật Bản - vào tháng 12 năm 1938 và chủ trì việc hoàn chỉnh hồ sơ về "tình hình đàn áp khủng bố ở Đông Dương", để gửi đến các cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp và các đảng Xã hội, qua đó "gây một phong trào phản kháng ngay tại chính quốc”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, việc Phan Thanh gia nhập Đảng Xã hội Pháp là nhằm tạo vị thế hợp pháp, nâng cao uy tín và mở rộng các mối quan hệ, đảm bảo cho các hoạt động vì dân chủ, dân sinh công khai của ông.  Hoạt động trong Đảng Xã hội, Phan Thanh đã có nhiều cơ hội tiếp xúc và hợp tác với những người cộng sản, đảm nhận vai trò "cầu nối vững chắc giữa những người Xã hội, những người Cộng sản và dân chúng cần lao".

Cũng thời kỳ 1936- 1939, Đảng ta phát động nhiều phong trào đấu tranh tiêu biểu, như: Phong trào Đông Dương đại hội, đấu tranh nghị trường để đạt mục đích vạch trần chính sách phản động của thực dân, tay sai, bênh vực quyền lợi của nhân dân.

Có lẽ, ảnh hưởng của phong trào ấy- một xu thế- Phan Thanh là người đầu tiên Đảng Xã hội ứng cử vào Hội đồng Thành phố Hà Nội. Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng, ngày 19.12.1938, bằng một văn phong hùng biện, tiếng Pháp lưu loát, Phan Thanh hùng hồn tuyên bố “nếu làm chính trị có nghĩa là đòi hỏi một sự công bằng xã hội lớn hơn,…là bảo vệ lợi ích của những người lao động, những người thợ, người làm công, những viên chức, những tiểu thương, tiểu chủ, của những người khổ cực nhất mà người ta còn chưa nhận thức đầy đủ những giá trị và quyền của họ,..”[3] . Nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thời bấy giờ, đó là bài thuyết “đánh dấu ý thức chính trị, ý chí kiên cường,..chúng ta thấy ở Phan Thanh hình dáng một nhà chính trị”[4]

Tiếp theo hoạt động nghị trường này, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương đưa người của Mặt trận vào các viện dân biểu, hội đồng thành phố, các cơ quan thảo luận chính trị và kinh tế địa phương. Viện Dân biểu Trung Kỳ (Chambre des Représentants du Peuple de l'Annam) là mục tiêu đầu tiên của chiến dịch này. Trong cuộc vận động, một việc quan trọng đối với Xứ ủy Trung Kỳ là lựa chọn người ra ứng cử thích hợp, bên cạnh việc cảm tình với Đảng, quan điểm vì dân nước, còn phải có năng lực tập hợp, tổ chức lực lượng dân chủ ngay trong Viện. Phan Thanh được Đảng bộ Quảng Nam phát hiện và lựa chọn, vì là người có khả năng đảm đương trách nhiệm trên. Tuy nhiên, theo “Dụ số 45” (quy chế bầu cử) thì Phan Thanh, do đã từng bị sa thải khỏi ngành giáo dục và mất quyền công dân nên không đủ điều kiện. Trong khi đó, phái Ngô Đình Diệm do mâu thuẫn với phái Phạm Quỳnh nên đã quyết định hợp tác với những người cộng sản, đồng ý đưa Hà Đằng lên làm Viện trưởng, đồng thời cũng nhận lời giải quyết khó khăn của Phan Thanh. Phan Đăng Lưu liên lạc được với Phan Thanh và sau đó gặp Ngô Đình Diệm thuyết phục: “Chỉ cần một quyết đinh của ông Khôi là xong. Việc như thế ông không làm tới, thì còn làm được việc gì nữa”. Không lâu sau, Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh Ngô Đình Diệm) ra quyết định khôi phục quyền công dân cho Phan Thanh.

Đủ tư cách ứng cử, Phan Thanh nộp đơn ứng cử vào hạt I: Hòa VangĐại Lộc - Quảng Nam ở tuổi 29, hơn quy định tối thiểu 1 tuổi. Ông được bầu với số phiếu cao nhất trong 4 người ứng cử tại hạt và trúng cử ngay vòng đầu[5]

Xứ ủy Trung Kỳ và Phan Thanh đã chuẩn bị nội dung cho phiên khai mạc thường niên vào ngày 3.11.1937. Trước đó, Xứ ủy Trung Kỳ chỉ đạo báo Thời thế số 1, ra ngày 30.10 đăng toàn văn “Chương trình hành động của Dân biểu Phan Thanh”. Đó là chương trình hành động cụ thể, chi tiết với toàn bộ nội dung về chính trị, pháp luật, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, xã hội,…trĩu nặng việc dân nước và nhiều nội dung còn nguyên giá trị.  Trong buổi họp về vấn đề thuế của Viện, Phan Thanh chất vấn Chánh phòng Nhì Pháp Mouchard, người đứng về phía chính quyền không chịu giảm thuế với lý do "bây giờ thì khác", khi ông cho rằng: "Khác là khác làm sao? Tôi tưởng lúc này là lúc dân chúng khốn đốn vì đồng bạc bị phá giá, thì chính là lúc chính phủ nên giảm thuế cho dân”. Rồi, trong phiên họp bế mạc ngày 10.11.1937, Phan Thanh đọc báo cáo của Tiểu ban thỉnh cầu, tóm lược 13 trong số 154 bản thỉnh cầu được gửi tới Viện, làm thỉnh cầu chung của Viện đưa ra thảo luận. Trong bài phát biểu, ông mong muốn Chính phủ xét kỹ những thỉnh cầu cải cách Viện đưa ra, với lý do "là cần thiết để nâng cao dân sinh và dân trí", và để chúng "không chỉ là những thỉnh cầu suông" Đây luôn luôn là bài học của hoạt động nghị trường, mà bây giờ Quốc hội ra Nghị quyết về vấn đề “hứa” trên diễn đàn.

Nỗi lòng dân nước của Phan Thanh không chỉ thể hiện ở vai trò chính trị, một vị dân biểu cương trực, thẳng tính và đầy hùng biện mà còn thể hiện ở vai trò thầy giáo Phan Thanh trong công cuộc nâng cao dân trí. Cuộc gặp gỡ giữa đồng chí Hoàng Quốc Việt với đồng chí Trường Chinh tại bệnh viện Bạch Mai là cuộc gặp lịch sử của công cuộc trên và mở đầu cho Phan Thanh tìm đến mời cụ Nguyễn Văn Tố- một học giả được kính trọng đứng ra lập Hội Truyền bá Quốc ngữ trong tình hình bấy giờ có đến “95% dân Việt Nam không biết một thứ chữ gì”[6]. Sau khi có chủ trương, Phan Thanh được Xứ ủy Bắc Kỳ giao cùng với Trần Huy LiệuVõ Nguyên GiápĐặng Thai Mai đứng ra vận động thành lập Hội, đồng thời cũng phụ trách dự thảo Điều lệ Hội. Điều đó nói lên tính cách mạng và nhân văn của tổ chức này. Đây cũng là tâm thức chung của các trí thức Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX “Có khai dân trí mới chấn dân khí”. Năm 1906, cụ Huỳnh Thúc Kháng- thủ lĩnh phong trào Duy Tân thực học đã có “Bài ca khuyên mọi người học chữ Quốc ngữ”[7] khẳng định rằng:“Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước/Phải đem ra tín trước dân ta”.

Phan Thanh quan niệm: "Trường học phải đem đến các túp lều tranh, các xưởng máy một chút ánh sáng hiện dang còn là độc quyền của thiểu số! Quần chúng cần lao đau thương có quyền được hưởng ảnh sáng ấy". Sau này, với tư cách là Tổng Thư ký Hội Truyền bá Quốc ngữ, trong các chuyến đi vào Sài GònPhan ThiếtQuy NhơnĐà NẵngHuế, Phan Thanh đã tận dụng tranh thủ diễn thuyết, tuyên truyền cho hoạt động của Hội, kêu gọi xóa mù chữ, cũng như về việc mở các chi nhánh ở địa phương này. Nguyễn Văn Tố từng nói tên tuổi Phan Thanh gắn liền với tổ chức này cũng có nghĩa gắn liền với phong trào khai dân trí ở nước ta.

Sự ra đi đột ngột của Phan Thanh- người chiến sĩ của dân chúng, ân cần đến với dân chúng, bảo vệ họ, giúp họ vượt qua con đường dốc khó khăn của cuộc sống trong một “đám tang khổng lồ”- là cái tang chung cho giai cấp cần lao, cho quốc dân đồng bào[8] chính là đi vào bất tử, như nhà thơ Khương Hữu Dụng- bạn của ông viếng trong câu:

“Là nghị viên đắc lực, là chiến sĩ tận tâm,

trang sử tương lai,

tên bạn viết to hàng trước;

Vì hạnh phúc hòa bình, vì lợi quyền dân chúng,

con đường đấu tranh,

hồn anh nâng mạnh bước người sau”.



[1] Thân thế và sự nghiệp Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội 2011.

[2] Phan Vịnh “Phan Thanh- anh là ai”, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2008; trang 112.

[3] Phan Vịnh- “Phan Thanh, anh là ai?”, Sđd, trang 118

[4] Phan Vinh, Sđd, trang 120

[5] Theo Phan Vịnh- ‘Phan Thanh, anh là ai?”, Sđd: Bốn người gồm: Nguyễn Đức Bình, Huỳnh Văn Trân cùng 28 tuổi; Phan Lý Ngư, Phan Thanh cùng 29 tuổi.

[6] Phan Vịnh- Sđd, trang 71

[7] UBND tỉnh Quảng Nam- Thân thế và sự nghiệp Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội 2011

[8] Phan Vịnh- Sđd, trang 299 và 300.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
UBMTTQVN phường Điện Ngọc tọa đàm xây dựng tộc văn hoá
UBND thị xã Điện Bàn tổ chức bế mạc Hội thao Quốc phòng toàn dân năm 2024.
Hội LHPN phường Điện Ngọc tổ chức liên hoan văn nghệ “Tự hào Đất nước và những người Mẹ”
Hội LHPN phường Điện Nam Bắc tổ chức đêm văn nghệ “Ký ức tháng 4”
CLB Bóng bàn thị xã Điện Bàn tổ chức giải bóng bàn mở rộng năm 2024
Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Điện Thắng Bắc tổ chức Hội thi Rung chuông vàng
Điện Thắng Trung tổ chức giải cờ tướng năm 2024
Điện Thắng Bắc tổ chức giải bóng chuyền "Bông lúa vàng" 2024
Phường Điện Ngọc khai mạc Đại hội Thể dục thể thao lần thứ X năm 2024
Câu lạc bộ Cờ tướng 24h thị xã tổ chức “Giải Cờ tướng đồng đội 24h Điện Bàn”
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Ông Mỹ đắp đường
Vai trò tộc họ ở làng Thanh Quýt
Điện Bàn tập trung đầu tư thiết chế văn hóa cơ sở, xây dựng trung tâm văn hóa thể thao xã
Tập trung công tác xây dựng gia đình văn hóa
Bảo tàng Điện Bàn liên tục mở cửa đón khách trong dịp đầu năm mới Giáp Ngọ 2014
Ngày hội Học sinh – sinh viên và Hội thi “Khi tôi 18” Huyện Điện Bàn năm 2014
Khai mạc Liên hoan văn nghệ Mừng Đảng – Mừng Xuân lần thứ XVII năm 2014.
Trồng cây xanh tại Khu di tích lịch sử cách mạng xã Điện ngọc
Tổng kết Đại hội TDTT huyện Điện Bàn lần thứ VII năm 2013
Điện Bàn đạt giải Nhì toàn đoàn tại Giải cầu lông Đại hội TDTT tỉnh Quảng Nam lần thứ VII năm 2013.
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm