Nội dung chi tiết

Hà Đằng - Khí tiết một nhà nho xứ Quảng
Tác giả: Lưu Anh Rô .Ngày đăng: 23/01/2014 .Lượt xem: 3559 lượt. [In bài]
Trong các nhà Nho xứ Quảng buổi giao thời giữa "tân học" và "cựu học", khắp Trung kỳ thời ấy, không ai không biết tiếng tăm cụ Hà Đằng, một nhà nho giàu khí tiết, được cả những nho sĩ "cựu học", cũng như các trí thức "Tây học" lúc bấy giờ kính trọng, nhất là khi cụ làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ.

Tuy nhiên, cho đến nay, cuộc đời và hành trạng của cụ Hà Đằng vẫn chưa được sách, báo nào đề cập. Từ việc tiếp cận di cảo cụ Hà Đằng để lại do gia đình cung cấp và đối chiếu với tài liệu do chính quyền Nam triều, hồ sơ mật thám Pháp, cũng như những người cộng sản Quảng Nam từng cộng tác với cụ Hà Đằng hiện còn lưuu trữ, mà chúng tôi được tiếp cận, bài viết này xin khắc họa đôi nét về nhà Nho xứ Quảng tiêu biểu này. 


Chùa Phong Ngũ

    Cụ Hà Đằng sinh năm 1876 (Bính Tý), trong một gia đình nghèo, tại xã Châu Phong, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Phong Ngũ Tây, xã Điện Thắng Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Sách “Quốc triều hương khoa lục” do Cao Xuân Dục biên soạn, ghi tên tuổi, quê quán của các vị thi đỗ các khoa thi Hương triều Nguyễn từ năm 1807 đến 1918, có cho biết, cụ Hà Đằng thi đỗ Cử nhân khoa thi năm Quý Mùi, niên hiệu Thành Thái 15 (1903). Sau khi đỗ, ông lần lượt được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng như: Tháng Giêng năm Duy Tân thứ 6 (1912), thăng Giáo thọ huyện Đức Phổ, thuộc Quảng Ngãi; tháng 7 năm Duy Tân thứ 7 (1913), được bổ làm Giáo thọ phủ Tư Nghĩa; năm Duy Tân thứ 10 (1916), đuợc bổ làm Đốc học (hạng 2) tỉnh Quảng Nam; tháng 7 năm Khải Định thứ 2 (1917), đổi ra làm Đốc học tỉnh Thanh Hóa; tháng 12 năm Khải Định thứ 3 (1918), thăng hàm Hàn lâm viện Thị giảng. Tháng Giêng năm Khải Định thứ 5 (1920), xin nghỉ hưu, được thăng Thị giảng Học sĩ. Nhìn chung, cả một đời làm quan của cụ luôn gắn với giáo dục và trường thi.

Về tầng lớp xuất thân của cụ, chúng tôi được gia đình cho phép đọc toàn văn hồi ký chép tay của ông Hà Mão - con trai cụ Hà Đằng, một đoạn của hồi ký cho biết: Cụ Hà Đằng “Vốn là con nhà Nho học, khi còn trẻ, nổi tiếng là học giỏi, nhưng vì nhà nghèo, phải đi phụ đạo cho con cháu người ta, mới có khả năng tiếp tục đi học. Như vậy là phần lớn thì giờ, ông sống ở nhà người ta, vừa mở lớp dạy học, vừa phải đến trường cấp huyện, rồi cấp tỉnh để học thêm, bằng cách định kỳ đến trường “nghe sách” tức là nghe ông Huấn đạo (cấp huyện) hoặc ông Đốc học (cấp tỉnh) giảng bài, và mang đầu đề bài tập về nhà làm, rồi đem nộp lại cho trường”. Sau khi ông đỗ cử nhân, theo lệ thường, làng sẽ rước về làm lễ thành huỳnh và gia đình phải mở tiệc khoản đãi bà con trong làng nhưng gia đình ông quá nghèo không thể đãi được, nên bên vợ đã đứng ra chu cấp mọi chi phí!


Thủ bút di chúc của cụ Hà 

  Từ năm 1930, khi Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng ra đời, nhất là trong phong trào đấu tranh dân sinh, dân chủ 1936-1939, trùng với lúc cụ Hà Đằng được bầu vào làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ thì tình cảm của cụ dành cho các đảng viên của Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng, cũng như khí tiết của cụ trong việc điều hành Viện Dân biểu Trung kỳ mới được rộng rãi quần chúng nhân dân khắp Trung kỳ biết đến và ngưỡng mộ.

Chúng tôi đọc được một tài liệu của Đảng bộ Quảng Nam  - Đà Nẵng lúc bấy giờ, nhìn nhận về cụ Hà Đằng như sau: "Khi chính phủ Mặt trận bình dân lên cầm chính quyền ở Pháp, Ngô Đình Diệm muốn ngoi lên nhưng muốn lên được, phải dựa vào dân và dựa vào nhân sĩ, trí thức và cả các tù chính trị là người của Đảng cộng sản Quảng Nam. Đối với cụ Hà Đằng, Diệm - Khôi cũng tìm cách lôi kéo, gây ảnh hưởng. Nó lợi dụng cụ Hà Đằng, một thân sĩ đậu Cử nhân nhưng ham nghề cày ruộng, chuyên ngồi dạy học, không phản đối cộng sản, cũng không hối lộ. Bởi chúng hiểu, nếu nắm được ông thì nắm cả thân sĩ Quảng Nam và thân sĩ các nơi!". Ông Tống Thú là cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên bí thư Đảng ủy xã Điện An (năm 1949-1953) cho chúng tôi biết: “Vào một buổi sáng năm 1936, ông Hà Đằng đi làm việc bằng xe kéo, trên đường từ Ngũ Giáp đến Hội An, khi ngang qua xích hậu Ông Chạy[1], ông thấy Trịnh Quang Xuân đang ngồi trong đó với mấy tuần đinh. Ông Đằng bảo dừng xe lại và hỏi: "Anh làm gì mà ngồi đây sớm vậy?". Ông Xuân trả lời: "Bẩm quan! từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng, tôi phải ra ngủ ở xích hậu!". "Ai bảo ra ngủ tại đây?". "Thưa quan, làng bảo, vì cho rằng tôi là chính trị phạm nên phải ra đây ngủ, để có tuần đinh canh gác!". "Làng đối xử với anh như thế nào?". "Thưa quan: “dưới bậc cùng đinh”!". Ông Hà Đằng vốn đã biết ông Trịnh Quang Xuân - người làng Nhị Giáp, từng làm Trưởng tàu đường sắt tuyến Đà Nẵng - Quảng Trị, là người của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội Quảng Nam, bị bắt ở tù từ năm 1931 đến 1935, đến tháng 6/1936, ông này là Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ. Sau đó, ông Đằng gọi Giáo Thanh (tức là Nguyễn Thiếu Di), người làng Nhị Giáp, con ông Nghè Bính, cũng là cháu gọi cụ Hà Đằng bằng cậu, đang làm lý trưởng của làng, ra nhà và cật vấn: "Con có biết ông Trịnh Quang Xuân là một trí thức, uy tín rất cao, sao con đối xử làm vậy?". "Thưa cậu con không làm thì không được, huyện sẽ khiển trách!". "Con thừa biết rằng “phép vua thua lệ làng” mà; quan quyền nào biết những việc cụ thể của làng xã, hơn nữa muốn thu phục lòng người mà xử sự với một trí thức như vậy là không nên!". Từ đó ông Xuân không phải xuống ngủ tại xích hậu nữa”.


Đình làng Phong Ngũ

    Như đã nói, năm 1936, cụ Hà Đằng được bầu vào làm Viện trưởng Viên Dân biểu Trung kỳ, bọn thực dân Pháp, các nhóm tay sai của chúng là Ngô Đình Diệm và anh của Diệm là Ngô Đình Khôi lúc đó đang làm Tổng đốc tỉnh Quảng Nam, tìm mọi cách lôi kéo, gây ảnh hưởng hòng lái cụ Đằng theo ý đồ riêng của chúng. Về phía Xứ ủy Trung kỳ, nhất là Tỉnh ủy Quảng Nam cũng thấy được vai trò của cụ, nên tìm cách tiếp cận cụ Hà Đằng. Vì vậy, không các ông Trịnh Quang Xuân, Phan Thanh và cả đồng chí Phan Đăng Lưu cũng tìm cách liên hệ với cụ Hà Đằng. Ông Tống Thú nhớ lại: “Hôm ấy, vào năm 1937, khoảng độ 3 giờ chiều, trời mưa nhỏ hạt, bắt đầu vào vụ cày sau gặt tháng Tám. Lãnh đạo Xứ ủy bí mật tổ chức đưa ông Phan Đăng Lưu từ làng Phong Nhị ra Phong Ngũ để gặp cụ Hà Đằng. Nhằm qua mắt bọn mật thám Pháp, ta đã tổ chức cử bà Trịnh Thị Tửu là chị ruột của Trịnh Quang Xuân, làm liên lạc, cải trang dắt trâu đi trước, ông Phan Đăng Lưu mang "áo tơi lá" vác cày đi sau, giống như một nông dân ra đồng cày ruộng. Hai người theo đường bộ đến điểm hẹn giữa đồng Phong Nhị-Phong Ngũ thì có người đưa ông Phan Đăng Lưu đến nhà ông Hà Đằng theo kế hoạch còn, Bà Tửu quay lại vác cày, dắt trâu ra về”.

Lâu nay, chúng ta đều biết sự tỏa sáng của dân biểu Phan Thanh tại Viện Dân biểu cũng như sự kiện "tiếng sét nổ giữa trời quang đát Trung kỳ", khi vào ngày nhận chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, mặc dù bọn Pháp và anh em Diệm - Khôi gây áp lực rất lớn song cuối cùng cụ Hà Đằng đã quyết định đọc bài diễn văn nhận chức do những người cộng sản Quảng Nam soạn sẵn! Trong hồi ký của cụ Trịnh Quang Xuân chúng tôi thấy có ghi: "Trong đêm trước khi khai mạc kỳ họp của Viện, Phan Thanh đã tìm đến thuyền của cụ Hà Đằng đang nghỉ trên Sông Hương, trình bày với cụ về tình hình của Mặt trận bình dân ở Pháp và hoàn cảnh trong nước, cung cấp số liệu và những yêu cầu của nhân dân, khéo léo đề nghị nội dung nên có trong diễn văn khai mạc. Được cụ tán đồng, Phan Thanh trình cụ một bản dự thảo để cụ tham khảo. Sáng hôm sau, cụ Hà Đằng có hai bài diễn văn, một bài của Ngô Đình Diệm - Thượng thư Bộ lại và Ngô Đình Khôi - Tổng đốc Quảng Nam dự thảo và một bài của Phan Thanh. Cụ sẽ đọc bài nào? Các đại biểu của ta đều hồi hộp. Hội nghị khai mạc, bài của Phan Thanh dự thảo được cụ Hà Đằng đọc, trước sự tức giận cực độ của anh em Diệm - Khôi và bọn thực dân Pháp".


Mộ tiền hiền tộc Hà tại làng Phong Ngũ

    Nhìn thấy cảnh đói khổ, lầm than của nhân dân Trung kỳ cũng như tại Quảng Nam, cụ Hà Đằng rất bức xúc. Có lần, cụ đã thổ lộ cùng ông Trịnh Quang Xuân: "Tình hình lúa gạo Quảng Nam thì rẻ, thuế thì cao (1,30 đến 2,3 đồng một mẫu ruộng). Lúa gạo không bán được nhưng nó (tức thực dân Pháp) định lập Nông phố liên đoàn để bóc lột dân ta hơn nữa! Nhân dân thì đói mà xe lửa Nam Kỳ đem lúa đốt chạy thay than! Các anh ủng hộ chương trình Mặt trận Bình Dân, tôi nghĩ các anh phải hành động!". Một báo cáo mật thám Pháp tại Hội An, ghi ngày 30 tháng 6 năm 1936 của Tòa Công sứ Faifo cho biết: "Cuối cùng, tôi phải lưu ý đặc biệt đến việc quan Toàn quyền đi qua Faifoo, ngày 4 tháng 5, vì tầm quan trọng đặc biệt của sự việc này, đã ảnh hưởng sâu đậm một cách rõ rệt về mặt chính trị trong tỉnh, đó là: Phái tiến bộ tại Quảng Nam, muốn lợi dụng sự việc trên, để bày tỏ cho quan Toàn quyền thông qua ông Hà Đằng, là Chủ tịch của Viện Dân biểu Trung kỳ về những yêu sách của dân chúng An Nam". Có lẽ thấy được thực trạng xã hội như vậy, nên cụ Hà Đằng có xu hướng ủng hộ những người cộng sản; với sự góp sức của những trí thức "Tây học" có tư tưởng tiến bộ tại Trung kỳ, nhất là những người cộng sản như: Phan Đăng Lưu, Trịnh Quang Xuân, Phan Thanh… cụ Hà Đằng đã thể hiện rõ tư tưởng "vì dân" của một ông Viện trưởng. Cụ chống lại mọi âm mưu biến "Viện Dân biểu Trung kỳ" thành một thứ công cụ tay sai của thực dân Pháp, cụ chống lại các dự án tăng thuế, chấp nhận mạo hiểm trong việc liên kết với những người cộng sản để mua một tờ báo, tuyên truyền cho Phan Thanh, tuyên truyền về nỗi thống khổ, đòi hỏi quyền lợi cho dân cày. Đọc Báo Dân Chúng, số 30 ngày 20.12.1938, chúng tôi thấy có đưa tin về sự phản đối mạnh mẽ dự án tăng thuế của thực dân Pháp lúc bấy giờ, có đoạn: "Ngày 30 Nov - Tại phủ Điện Bàn, nhơn có cuộc biểu thị của các quan tổng đốc và công sứ về dự án thuế mới, dân chúng trong hạt ấy có tổ chức ra nhiều cuộc mít tinh để chống dự án ấy. Hôm ấy, dân sự cũng kéo đến nhà ông Hà Đằng, là Dân biểu trong hạt, để yêu cầu ông tận tâm chống dự án ấy". Về việc cụ hậu thuẫn cho nhóm cộng sản Trung kỳ mua lại và phát hành tờ báo Dân là một ví dụ. Ban quản lý tờ báo “Dân” gồm cụ Hà Đằng, Nguyễn Đơn Quế, Nguyễn Xuân Cát. Thế là những người cộng sản Trung kỳ nắm toà soạn và tập hợp những người tốt ở báo Dân để tuyên truyền bầ củ côh Phan Thanh, lên án nỗi thống khổ của dân cày; thường xuyên nhắc nhiệm vụ các ông dân biểu trước khi họp Viện, và sau khi họp Viện, phản ánh được rất nhiều nguyện vọng của dân. Thực dân Pháp rất căm ghét, chúng tìm cách cấm nên cho gọi cụ Hà Đằng qua tòa Khâm để doạ dẫm. Cụ nói: “Tờ báo chỉ nói những việc trong Viện Dân biểu chứ có nói việc gì khác đâu”. Tên Khâm sứ gắt: "Coi chừng ông bị bọn cộng sản xỏ mũi!". Cụ Đằng thủng thỉnh: “Tôi xem lại không có ai cộng sản cả, mà bài nào viết những gì cũng đều bàn với các ông cả mà!”. Bọn mật thám Pháp còn nghi ngờ cụ Hà Đằng tác tác giả chính trong việc không đồng ý cho bọn tư sản Pháp đặt máy bơm đổ nước tưới ruộng để thu tiền tại Trung kỳ. Vì lẽ đó, tên Khâm sứ bắt cụ từ chức Viện trưởng, nhất là hắn rất cay cú cụ về việc bác dự án tăng thuế của hắn năm 1938!

Theo tôi, một người như cụ Hà Đằng chắc chắn sẽ để lại nhiều di bút, trước tác song theo gia đình cho biết, hiện di cảo của cụ đã bị thất lạc hầu hết trong 2 cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy còn đâu đó vài tư liệu thể hiện cái tâm của một nhà Nho không quên nguồn cội, mến mộ nhân tài, vẹn một tấm lòng thanh bạch sau khi lìa cõi thế, qua các tư liệu hiện còn như: Hiện nay, tại đình làng Phong Ngũ còn lưu giữ hai bức hoành phi cổ bằng chữ Hán, trong đó có bức “Châu Phong Đình” do Đốc học tỉnh Thanh Hóa là Hà Đằng "phụng cúng", vào năm 1919. Hay câu liễn của cụ Hà Đằng đi viếng cụ Phạm Liệu như sau: "Hà bất phục linh đơn, phò trượng phu thời cuộc biến - Tưởng diệt vô nhân hám, cữu tuyền dư đới hường ân". Đặc biệt, là thủ bút của cụ qua "di chúc" để lại cho con cháu có đoạn: "Chết rồi, sự tống táng đừng theo tục tình sát sinh khoản đãi tân khách. Nhứt thiết đừng đặt hương hoả phụng tự gì hết, bổn phận làm con, cháu đối với ông bà, cha mẹ phải làm thế nào cho khỏi phụ lương tâm thì thôi".

[Trở về]
Các tin mới hơn:
UBMTTQVN phường Điện Ngọc tọa đàm xây dựng tộc văn hoá
UBND thị xã Điện Bàn tổ chức bế mạc Hội thao Quốc phòng toàn dân năm 2024.
Hội LHPN phường Điện Ngọc tổ chức liên hoan văn nghệ “Tự hào Đất nước và những người Mẹ”
Hội LHPN phường Điện Nam Bắc tổ chức đêm văn nghệ “Ký ức tháng 4”
CLB Bóng bàn thị xã Điện Bàn tổ chức giải bóng bàn mở rộng năm 2024
Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Điện Thắng Bắc tổ chức Hội thi Rung chuông vàng
Điện Thắng Trung tổ chức giải cờ tướng năm 2024
Điện Thắng Bắc tổ chức giải bóng chuyền "Bông lúa vàng" 2024
Phường Điện Ngọc khai mạc Đại hội Thể dục thể thao lần thứ X năm 2024
Câu lạc bộ Cờ tướng 24h thị xã tổ chức “Giải Cờ tướng đồng đội 24h Điện Bàn”
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Nghị sĩ Phan Thanh và nỗi lòng dân nước
Ông Mỹ đắp đường
Vai trò tộc họ ở làng Thanh Quýt
Điện Bàn tập trung đầu tư thiết chế văn hóa cơ sở, xây dựng trung tâm văn hóa thể thao xã
Tập trung công tác xây dựng gia đình văn hóa
Bảo tàng Điện Bàn liên tục mở cửa đón khách trong dịp đầu năm mới Giáp Ngọ 2014
Ngày hội Học sinh – sinh viên và Hội thi “Khi tôi 18” Huyện Điện Bàn năm 2014
Khai mạc Liên hoan văn nghệ Mừng Đảng – Mừng Xuân lần thứ XVII năm 2014.
Trồng cây xanh tại Khu di tích lịch sử cách mạng xã Điện ngọc
Tổng kết Đại hội TDTT huyện Điện Bàn lần thứ VII năm 2013
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm