Nội dung chi tiết

NGUYỄN TRÁC MỘT TẤM GƯƠNG TẬN TRUNG VỚI NƯỚC, TẬN HIẾU VỚI DÂN
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 30/09/2009 .Lượt xem: 7256 lượt. [In bài]

Nguyễn Trác bí danh là Thiều, sinh ngày 4/11/1904 tại làng Hà Thanh, tổng Hạ Nông, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là làng Hà Tây, xã Điện Hoà, huyện Điện Bàn) - một địa phương có truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng.

Thân sinh của Nguyễn Trác là cụ Nguyễn Chuẩn, mẹ là Trần Thị  Cận. Hai cụ sinh được 10 người con. Năm 1908, phong trào chống thuế nổ ra ở Quảng Nam rất mạnh làm lan rộng khắp các tỉnh Trung kỳ, cả gia đình anh đều hăng hái tham gia đòi giảm sưu thuế.

Đi đầu trong cuộc vận động ủng hộ phong trào kháng thuế, cụ Nguyễn Chuẩn, thân sinh của anh đã bị bọn mật thám truy lùng gắt gao. Tuy vậy, với tinh thần yêu nước và chống Pháp, cả cha mẹ và anh em Nguyễn Trác đều quyết tâm ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa, phản đối kịch liệt chế độ bất công dưới sự cai trị của bọn thực dân phong kiến.

Tháng 6/1927, sau khi hết học năm thứ hai bậc trung học, Nguyễn Trác thoát ly gia đình vào Sài Gòn-Gia Định làm công nhân cho hãng buôn Grands magasins Charner. Khi làm công nhân ở đây, cũng như bao người khác, Nguyễn Trác bị bọn chủ bóc lột sức lao động một cách thậm tệ, đời sống hết sức khó khăn. Chính vì vậy, những người làm công cho bọn thực dân ở đây hết sức bất bình và cùng nhau tìm con đường đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Từ đó, Nguyễn Trác được số anh em tiến bộ giác ngộ, nung nấu ý chí đánh đuổi bọn thực dân phong kiến. Cuối năm 1928, anh tham gia tổ chức Công hội đỏ ở hãng Grands magasins Charner. Lúc này, phong trào Công hội đỏ ở Sài Gòn phát triển mạnh, nhất là sau cuộc bãi công của hơn 100 công nhân xưởng Ba Son dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tôn Đức Thắng giành thắng lợi.

            Thời gian tham gia hoạt động trong tổ chức Công hội đỏ. Nguyễn Trác đã làm được nhiều việc có ích, đem lại quyền lợi cho người lao động, được anh em tín nhiệm. Đầu năm 1930, sau khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời, Nguyễn Trác tiếp tục được tuyên truyền, giác ngộ về tôn chỉ mục đích của tổ chức Đảng Cộng sản. Qua nhiều lần thử thách, ngày 20/7/1930, Nguyễn Trác được kết nộp vào Đảng tại chi bộ hãng Grands magasins Charner - một chi bộ Đảng trực thuộc Tỉnh ủy Gia Định do đồng chí Nguyễn Thanh An làm bí thư. Nguyễn Trác được phân công làm thư ký cho chi hội Công hội đỏ. Cuối tháng 10/1930, Nguyễn Trác được Thành ủy Gia Định chỉ định làm bí thư chi bộ. Buổi đầu hoạt động còn khó khăn nhiều mặt, nhưng với tinh thần  trách nhiệm và quết tâm cách mạng, Nguyễn Trác đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động và giác ngộ người lao động, bồi dưỡng ý chí đấu tranh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình, chống lại chế độ của bọn thực dân phong kiến vận động kết nộp hàng trăm đội viên vào Hội. Đặc biệt dưới sự lãnh đạo của chi bộ, sức mạnh từ các cuộc đấu tranh của công nhân đòi chủ hãng phải phát lương kịp thời trong dịp tết, chống đánh đập, chửi mắng công nhân đều đạt kết quả.

Ngày 21/1/1931, dưói sự lãnh đạo của chi bộ, công nhân hãng Charner nhất loạt yêu sách đòi bọn chủ cải thiện đời sống, đòi giảm giờ làm từ 10 giờ xuống 8 giờ. Đoán biết đồng chí Nguyễn Trác là người cầm đầu tổ chức rải truyền đơn, dán biểu ngữ trong hãng, chủ hãng đã bắt đồng chí ngay tại nơi làm việc, đưa đi tống giam ở bốt Catinat. Tại đây, bọn mật thám liên tục tra xét nhưng đồng chí nhất mực không khai báo. Tức tối trước thái độ kiên quyết của Nguyễn Trác, chúng đưa  đồng chí về giam ở Khám Lớn (Sài Gòn). Vào Khám Lớn,  mặt dù địch tra tấn dã man, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết Cộng sản, không hề khai báo tiết lộ bí mật. Sau hơn hai năm giam cầm khổ sai, bọn địch không khuất phục được tinh thần đấu tranh của đồng chí, và đến đầu tháng 5/1033, chúng mở phiên toà xét xử đặc biệt và kết án Nguyễn Trác 10 năm tù cấm cố vì tội âm mưu lật đổ chính quyền và đầy đi Côn Đảo.

Ra Côn Đảo, Nguyễn Trác cùng các đồng chí bị giam đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của bọn cai tù ở chốn địa ngục trần gian này và được cử làm Bí thư của một chi bộ ở Côn Đảo.

Ở bên ngoài những năm 1930 về sau, thực dân Pháp ra sức đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta. Nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt, giam cầm ở khắp nơi. Nhà lao Côn Đảo ngày một đông người mà phần lớn có mức án cao. Trước tình hình đó, việc tổ chức, tập hợp, đoàn kết đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà lao được đặt ra khẩn thiết hơn bao giờ hết. Trên cương vị Bí thư chi bộ, đồng chí Nguyễn Trác đã tích cực tập hợp anh chị em tù chính trị, tuyên truyền, vận động, giúp anh chị em nhận thức đúng đắn hơn về sự cần thiết phải đoàn kết đấu tranh đòi yêu sách dân chủ. Mặc dù bị bọn quản lao đàn áp dã man, các cuộc đấu tranh vẫn diễn ra liên tục và đạt kết quả lớn. Cứ mỗi lần tham gia cuộc đấu tranh, anh em tù càng nhận thức rõ hơn vai trò chính trị của Đảng, vì sao phải đấu tranh cách mạng và đấu tranh như thế nào. Bằng tư duy chính trị sắc sảo của mình, cộng với sức cảm hoá và tập hợp lực luợng quần chúng, Nguyễn Trác được anh chị em tín nhiệm cử tham gia vào bộ phận hoạt động công khai ở nhà tù Côn Đảo. Trên cương vị đó, Nguyễn Trác càng có điều kiện hoạt động, tổ chức xây dựng phong trào. Đồng chí đã cùng với chi bộ nhà lao thành lập chi bộ Bang II, được cử làm Bí thư chi bộ kiêm phụ trách ban đời sống Bang II trong suốt các năm 1934, 1935, 1936.

Tháng 7/1936, Mặt trận Bình dân lên nắm chính quyền ở Pháp, vận động thực hiện một số cải cách, trong đó có một số chính sách tiến bộ, ảnh hưởng tích cực đến dân tộc ở các nước thuộc địa. Để xoa dịu dư luận  của các lực lượng cách mạng và tiến bộ ở Pháp đang phản đối chính sách khai thác thuộc địa nhằm hạn chế tinh thần đấu tranh của nhân dân ở các nước thuộc địa, chính phủ Pháp đã ra lệnh: “ân xá tù chính trị” ở Đông Dương đưa về địa phương quản thúc. Nhân dịp này, Nguyễn Trác và nhiều đồng chí khác ở nhà tù Côn Đảo cũng được thả về đất liền.

Về đến Điện Bàn, đồng chí bắt liên lạc ngay với số anh em tù chính trị vừa ra khỏi các nhà tù để tiếp tục hoạt động. Nắm được tinh thần của cuộc vận động Đại hội Đông Dương ở Sài Gòn, đồng chí cùng với các đồng chí Trịnh Quang Xuân, Trần Học Giới bí mật họp ở bãi cát trước nhà ga Đà Nẵng, bàn lập ra Ủy ban Vận động Đại hội đông Dương của Quảng Nam. Được tin cuộc họp toàn kỳ Đại hội Đông Dương sắp diễn ra tại Viện dân biểu Trung kỳ ở Huế, vào ngày 20/9/1936, Ủy ban vận động Đại hội Đông Dương của Quảng Nam chủ trương báo tin cho anh em chính trị phạm được biết để ra Huế tham gia cuộc họp nắm tình hình, rút kinh nghiệm về phát động phong trào ở Quảng Nam tốt hơn. Được đồng chí Nguyễn Trác phân công, một số đại biểu của tỉnh Quảng Nam đã tham gia tích cực vào cuộc họp này, bác bỏ dự thảo của những đại biểu thân Pháp, không công nhận Ủy ban do một số nghị viên đặt ra, lập ra một Ủy ban lâm thời chi nhánh Trung Kỳ của Đại hội Đông Dương.

Nhân việc này, các đại biểu Đảng bộ ở một số tỉnh Trung kỳ đã họp bí mật ở Huế để bàn về những nhiệm vụ của cách mạng và cử ra Xứ ủy lâm thời Trung kỳ. Đồng chí Nguyễn Trác được cử vào Ủy viên Xứ ủy và được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Cuối năm 1936, đồng chí chủ trương mời mỗi phủ, huyện một đại biểu về họp tại nhà đồng chí Nguyễn Ngọc Kinh, thuộc làng Tân Hạnh, huyện Hoà Vang. Tại hội nghị, Nguyễn Trác đã phổ biến nghị quyết của Trung ương Đảng, nghe đại biểu các huyện báo cáo tình hình tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng ở mỗi địa phương. Hội nghị chủ trương phát triển Đảng, phát triển thực lực quần chúng đều khắp, lập các hội ái hữu, hội tương tế, nhóm đọc sách báo... tận dụng báo chí công khai đấu tranh theo khẩu hiệu của mặt trận dân chủ, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân ngành xe lửa. Hội nghị đã quyết định thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm 7 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Trác được cử làm Bí thư tỉnh ủy.

Cuối năm 1937, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Xứ Ủy Trung kỳ, kiêm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phụ trách các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào.

Thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam, được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy, đồng chí Nguyễn Trác đã cùng tập thể Tỉnh ủy lãnh đạo nhiều phong trào, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia như: hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội, lấy chữ ký kiến nghị gửi cho phái đoàn nghị sĩ Pháp sang Đông Dương điều tra tình hình, vận động thắng lợi bầu cử Phan Thanh vào Viện dân biểu Trung kỳ, để tang Thái Thị Bôi,... tạo bước phát triển mới cho phong trào cách mạng trong tỉnh.

Ngày 25/02/1938, Đảng có thông báo chủ trương đấu tranh chống thực dân Pháp tăng thuế. Tỉnh ủy Quảng Nam đã triển khai chủ trương này. Giữa năm 1938, Khâm sứ Trung kỳ và Nam triều đưa ra bản dự án tăng thuế, buộc Viện dân biểu phải thông qua. Mượn tiếng cải cách, chúng tăng thuế đánh vào dân nghèo và tầng lớp trung lưu. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phong trào lấy chữ ký tập thể, mítting quần chúng phản đối lệnh tăng thuế nổi lên khắp nơi trong tỉnh. Bọn thống trị ở Quảng Nam đã tiến hành bắt bớ cán bộ, đảng viên, những người mà chúng cho là tổ chức và lãnh đạo phong trào chống lệnh tăng thuế năm 1938. Ngày 15/11/1938, đồng chí Nguyễn Trác bị địch bắt và kết án một năm tù, giam ở nhà lao Hội An, sau đó lên 5 năm vì tội tổ chức lại Đảng, âm mưu lật đổ chính quyền. Chúng đầy đồng chí đi các nhà lao Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột. Đến năm 1943 được mãn hạn tù và đồng chí bị đưa đi an trí ở Đắk Tô (Kon Tum ). Tại đây, đồng chí đựoc phân công làm Bí thư chi bộ trại an trí Đắk Tô cho đến khi trại này giải tán (1945).

            Bị giam giữ ở các nhà lao, địch đã dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn, đánh đập, nhưng Nguyễn Trác vẫn giữ vững khí tiết của người Cộng sản, liên tục đấu tranh, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng cho anh em tập thể tù nhân kiên quyết đứng lên đấu tranh đến cùng. Khi vào tù, đồng chí Nguyễn Trác đã cùng với tập thể Đảng ủy chi bộ nhà lao tổ chức, vận động nhiều phong tào đấu tranh được anh em hưởng ứng và đạt nhiều kết quả.

Tháng 7/1945, mãn hạn tù, đồng chí về lại Quảng Nam tiếp tục hoạt động. Thời gian này, các đồng chí tù chính trị ở các nhà tù khác cùng về lại địa phương liên lạc và tổ chức hoạt động. Đồng chí Nguyễn Trác và đồng chía Huỳnh Ngọc Huệ được phân công tổ chức lại Thành ủy và Thành bộ Việt minh Đà Nẵng. Đồng chí Nguyễn Trác được bầu làm Bí thư Thành ủy, Ủy viên thường trực Thành bộ Việt minh. Lúc này, khí thế cách mạng đang hướng về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Tối 16/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa Thành phố Đà Nẵng được thành lập, đồng chí Nguyễn Trác được phân công làm Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, phụ trách quân sự, binh vận và tiếp quản Tòa án thành phố. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân thành phố diễn ra nhanh chóng và thắng lợi. Với trọng trách của mình, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, đồng chí được bầu vào Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời Thành phố Đà Nẵng, kiêm ủy viên Quân sự và Ủy viên tư pháp. Trên hai cương vị này, đồng chí Nguyễn Trác đã cùng với tập thể lãnh đạo thành phố tổ chức lại lực lượng vũ trang, lấy vũ khí địch, tịch thu, trưng thu tài sản liên quan đến quân sự và bắt xét xử bọn Việt gian, tay sai của đế quốc.

Tháng 11/1945, đồng chí được phân công làm chánh Tòa án Quân sự khu vực Thuận Hoá, gồm 5 tỉnh (từ Quảng Trị vào đến Quảng Ngãi). 

Cuối năm 1946, để chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cấp chính quyền trên cấp tỉnh được chia lại thành khu kháng chiến, khụ vực toà án quân sự cũng chia lại. Đồng chí Nguyễn Trác được điều động làm Công cáo ủy viên Toà án quân sự liên khu 4.

Trên cương vị công tác mới, Nguyễn Trác đã cùng đơn vị lập được thành tích xuất sắc trong công việc điều tra, truy tố những đối tượng có hành vi phản cách mạng.

Cuối năm 1950, đồng chí được Bộ Tư Pháp cử kiêm giữ chức Giám đốc Sở Tư pháp Liên khu 4. Tháng 4/1951, các cơ quan Tư pháp Liên Khu 4, Hội đồng phúc án, Sở Tư pháp, Toà án Quân khu sự được tổ chức thống nhất thành Toà án nhân dân Liên khu 4. Đồng chí Nguyễn Trác được cử làm Công tố Ủy viên Tòa án Nhân dân Liên khu4 cho đến tháng 5/1954. Đồng chí còn được khu ủy Liên khu 4 chỉ định làm Trưởng ban cán sự Toà án quân sự và Toà án Nhân dân Liên khu 4. Trong thời gian công tác tại Toà án, ngoài việc nghiêm chỉnh xử lý các công việc đảm trách, đồng chí Nguyễn Trác còn thực hiên tốt công tác tổ chức lại hệ thống tòa án từ cấp khu trở xuống, đảm bảo hoạt động có hiệu quả, góp phần đập tan các tổ chức phản động mới nhen nhóm, trừng trị bọn tay sai, hỗ trợ cho cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi.

            Tháng 6/1954, đồng chí Nguyễn Trác được điều về công tác ở Bộ Tư pháp. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, Nguyễn Trác được Bộ Tư pháp cử làm Phó đoàn cán bộ Bộ Tư pháp về tiếp quản Hà Nội. Sau khi học xong các chính sách tiếp quản, đồng chí và 4 cán bộ khác được chỉ định vào nội thành triển khai nhiệm vụ được giao. Sau khi tiếp quản xong, Nguyễn Trác tham gia tổ chức lại hệ thống Toà án, sắp xếp cán bộ Toà án, góp phần bảo đảm phục vụ tốt cho nhân dân thành phố sau giải phóng.

Tháng 1/1955, đồng chí được Bộ Tư pháp cử làm Công tố Ủy viên Toà án thành phố Hà Nội. Đến tháng 5/1955, đồng chí được Bộ Tư pháp cử
Giám đốc Vụ hình, phụ trách Đảng Đoàn Bộ Tư pháp. Tháng 5/ 1958 đến 10/1959, đồng chí được cử giữ chức thứ Trưởng Bộ Tư pháp, Bí thư Đảng Đoàn. Từ 1960-1966, Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao. Lúc này, đồng chí còn là đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nghệ An Khoá II (1960-1964).

            Đầu năm 1966, để đáp ứng yêu cầu xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa cũng như sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban Pháp chế Trung ương Đảng được thành lập gồm 10 thành viên do đồng chí Trường Chinh làm Trưởng Ban. Đồng chí Nguyễn Trác được cử làm uỷ viên, sau đó được phân công làm Phó Trưởng ban Thường trực thay đồng chí Hoàng Quốc Việt chuyển công tác khác.

Tháng 4/1979, đồng chí Nguyễn Trác được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ, về sinh hoạt với gia đình tại thành phố Hà Nội. Nghỉ hưu, đồng chí Nguyễn Trác vẫn luôn luôn là tấm gương sáng về tinh thần và đạo đức cách mạng cho bà con khối phố. Do tuổi cao, sức yếu, đồng chí đã từ trần ngày 11/8/1986 tai Hà Nội.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Trác là một cán bộ lãnh đạo, một chiến sĩ Cộng sản kiên cường, luôn thể hiện tinh thần và ý chí cách mạng bền bỉ, là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên noi theo. Trong quá trình xử lý công việc, không thiên tả thiên hữu, lập trường giai cấp vững vàng, cương quyết trong công việc; nêu cao tình đoàn kết nội bộ, gắn bó mật thiết với đồng chí đồng đội, thường xuyên dành thời gian để tập trung thực hiện công việc với tinh thần trách nhiệm cao. Đồng chí Nguyễn Trác đã cùng với tập thể cấp ủy tổ chức thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trong từng thời kỳ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân toàn dân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ghi nhận những cống hiến to lớn vào sự nghiệp cách mạng dân tộc, đồng chí Nguyễn Trác được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác./.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Người con Điện Nam anh hùng
Gặp lại “chị” Chính, người cán bộ binh vận xuất sắc
TRƯỚC THỀM TRĂM NĂM TUỔI
CHẾT VINH HƠN SỐNG NHỤC
GƯƠNG HY SINH CỦA LIỆT SĨ NGUYỄN ĐÌNH TRÂN
HOÀNG HỮU NAM TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ LÒNG TRUNG THÀNH VỚI DÂN VỚI ĐẢNG
PHAN TRIÊM (1916-2001)
NGUYỄN XUÂN NHĨ(1912 – 1983)
VÕ CỮU NGƯỜI CON KIÊN TRUNG BẤT KHUẤT CỦA ĐIỆN BÀN
ĐI THEO CON ĐƯỜNG CỦA ĐẢNG ĐÃ VẠCH
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
TRẠI GIAM LÀ TRƯỜNG HỌC, NƠI TÔI LUYỆN LÒNG KIÊN TRUNG CỦA NGƯỜI CHIẾN SĨ
NHỚ MÃI TÊN ANH
HAI LẦN Ở NHÀ LAO HỘI AN
NHÀ LAO ĐẾ QUỐC – TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ CÁCH MẠNG
NIỀM TIN LÚC ĐI ĐÀY
GIA ĐÌNH MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG LÊ THỊ KHI
PHẠM TỨ (1917-1987)
ÔNG TÂN MẶT TRẬN
NGƯỜI NUÔI DƯỠNG MỘT NIỀM TIN
NGỌN LỬA TRẦN YÊM
    
1   2  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm