Mọi năm, đến thời điểm này, những nhà vườn ở làng hoa cúc Hà Đông, xã Điện Hòa đã ngập tràn những chậu cúc. Khắp làng cúc sôi động cảnh nông dân tập trung chăm sóc, bón phân, chuẩn bị cắm cọc, định hình cho những chậu cúc phát triển. Tiếng cười nói của người trồng cúc râm ran khắp những vùng đất rộng đều tắp hàng ngàn chậu cúc đại đóa, cúc pha lê….
Tuy nhiên, năm nay, không khí hào hứng ở làng cúc này đã có phần trầm lắng hơn. Bởi, lượng cúc trồng để bán Tết năm nay chắc chắn sẽ giảm mạnh vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Năm nay, nhà ông Nguyễn Văn Sáu, người được xem là tiên phong và cũng là người trồng nhiều hoa cúc nhất ở làng hoa Hà Đông, xã Điện Hòa cũng giảm số lượng chậu đi khoảng 30% so với mọi năm. Bên cạnh đó, để dễ tiêu thụ, ông Sáu trồng nhiều kích cỡ chậu khác nhau để tìm kiếm nhiều nguồn khách hàng có khả năng chi tiêu khác nhau. Ông Sáu cho biết: “gia đình tôi chủ động giảm số lượng hoa trồng năm nay bởi ngoài nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn vì do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì còn có lí do nữa là do giá chậu, phân bón… đều tăng cao hơn so với mọi năm, đã hai mươi năm trông hoa cúc rồi nhưng chưa năm nào tôi thấy tình hình khó khăn như năm nay…”
Còn theo anh Trần Tài, người cũng có gần 1000 chậu cúc đang trồng tại làng hoa Hà Đông cho biết: “Chúng tôi nhiều năm nay đã trồng hoa, dù có thế nào thì vẫn phải tiếp tục theo nghề. Gia đình tôi năm nay cũng chủ động giảm số lượng do tinh hình chung vì dịch Covid-19. Nhưng bên cạnh đó vẫn đang có một nỗi lo nữa là hiện đã bắt đầu vào mùa mưa bão. Nếu không có sự chuẩn bị tốt thì khả năng gặp khó khăn “kép” là rất lớn…”
Cùng chung nỗi lo đó với anh tài là gia đình anh Lê Văn Hai, người có hơn 10 năm trồng cúc bán Tết ở Hà Đông, vừa cùng vợ dọn gốc để vô đất đợt 2, anh Hai vừa trò chuyện: “Mọi năm vợ chồng tôi đều trồng 400 - 500 chậu cúc bán Tết. Năm nay dịch giã, ai cũng không làm ăn mua bán gì được, chạy cái ăn thôi đã xíu míu thì lấy đâu ra tiền mua hoa chơi Tết. Sợ hoa bán không được, nên năm nay vợ chồng tôi chỉ trồng 250 chậu. Đã giảm số lượng xuống còn có 1 nửa mà lòng vẫn lo ngay ngáy, bởi đã đầu tư vào đây không ít tiền…”.
Theo anh Định, mỗi chậu hoa có đường kính 50cm từ tiền mua giống, mua chậu, mua tre vót cọc, tiền phân và thuốc bảo vệ thực vật, từ khi xuống giống đến khi xuất bán, mỗi chậu hoa “nuốt” mất khoảng gần 150.000 đồng tiền vốn. Nếu không có công nhà, phải thuê công cắt ngọn, cắm cọc thì chi phí cho mỗi chậu cúc tăng đến 200.000 đ. Tổng chi phí cho 250 chậu cúc là 50 triệu đồng. Nếu suôn sẻ, gặp năm mua bán thuận lợi, mỗi chậu cúc bán giá sỉ được 300.000 - 350.000 đồng, với 250 chậu cúc, người trồng có lãi khoảng hơn 25 triệu đồng. Gặp năm ế ẩm thì người trồng phải chịu lỗ. Có năm gần đến Tết gặp cơn mưa lớn hoặc sương muối ùa về, thì toàn bộ số hoa trên cây rất dễ hư hỏng và coi như mất trắng. Bởi, cây cúc rất nhạy với sương muối, nếu gặp thì vô phương cứu chữa, rụng búp.
Ở Điện Hòa hiện nay, ngoài tổ hợp tác trồng hoa cúc ở Hà Đông thì tại thôn Xóm Bùng và Hà Tây cũng có một tổ hợp tác trồng hoa cúc. Tại đây, mặc dù số lượng hoa không nhiều như ở Hà Đông, nhưng đây là cũng là một nghề mang lại thu nhập chính cho một số người dân tại khu vực này.
Từ khi thành lập tổ hợp tác tại khu vực cho đến nay, vườn cúc tết nhà anh Hồ Công Mười (thôn Xóm Bùng) mỗi năm đều có số lượng trên 500 chậu. Năm nay anh đã chủ động giảm xuống còn khoảng 300 chậu; tận dụng diện tích đất dôi dư ra anh chuyển sang trồng cúc loại nhỏ dùng để cúng vào ngày rằm, mồng một hàng tháng. Tuy hiệu quả kinh tế thấp hơn nhưng tính ổn định cao hơn so với trồng cúc tết. Anh Hồ Công Mười cho biết thêm: “Tuy giảm cúc nhưng người dân ở đây không bỏ đất trống, một số hộ thì chuyển sang trồng cúc ngắn ngày để bán vào ngày rằm, mồng một; một số khác tận dụng vườn để trồng rau kiếm thêm thu nhập. Năm nay tình hình kinh tế chung đã khó khăn, biết chắc khả năng sinh lợi từ cây cúc năm nay sẽ giảm mạnh, giờ chỉ mong thời tiết thuận lợi để người dân trồng cúc bớt nỗi lo và cố gắng bám lấy nghề…”
Không chỉ có người dân trồng cúc ở Điện Hòa năm nay lo lắng mà hầu hết người dân trồng hoa ở thị xã Điện Bàn hiện nay cũng ở vào tâm trạng chung đó. Nhiều năm qua, những làng hoa ở thị xã đã có thương hiệu và mang lại nguồn thu nhập cho người dân mỗi độ Xuân về. Tuy khó khăn hiện nay là không thể tránh khỏi nhưng hầu hết người dân ai cũng tập trung chăm sóc để có những vườn hoa đẹp nhất phục vụ tết Nhâm Dần 2022 sắp đến.