Chuyển động tích cực
Hơn một năm qua, Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ trung ương đã xây dựng và hỗ trợ mô hình liên kết sản xuất giữa các hộ dân với Hợp tác xã (HTX) Điện Quang, thị xã Điện Bàn và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ tơ tằm.
Đến nay, trung tâm đã đào tạo 10 kỹ thuật viên, tập huấn kỹ thuật cho 400 lượt nông dân nuôi tằm 2 giai đoạn. Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật nên năng suất kén đạt khá cao, ở mức 42kg kén/hộp trứng. Kết quả này tạo động lực cho người dân quay lại nghề truyền thống.
Ông Thái Văn Dũng (trú thôn Phú Vân, xã Điện Quang) cho hay: “Trước đây người dân ở đây chỉ làm kén trắng và chỉ làm được vụ đông. Từ sự hỗ trợ của HTX, tôi thấy nuôi tằm vàng có hiệu quả hơn, kinh tế cao hơn. Thời gian tới rất mong được hỗ trợ thêm dụng cụ nuôi tằm để thuận lợi duy trì nghề cha ông”.
Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ trung ương hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao và tiếp nhận được các giống dâu, giống tằm và quy trình canh tác dâu, nuôi tằm, ươm tơ tiên tiến cho người dân các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn. Các địa phương này triển khai xây dựng mô hình trồng và thâm canh 50ha các giống dâu mới trên vùng đất bãi biền ven sông Vu Gia, Thu Bồn. Thời gian đầu người dân trồng xen canh cây dâu và các loại cây màu đã góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Năng suất hằng năm đạt hơn 30 tấn/ha, đảm bảo nguyên liệu tốt để nuôi tằm.
Ông Lê Hồng Vân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ trung ương thông tin, thời gian qua đơn vị đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và doanh nghiệp từng bước khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm tại các địa phương có truyền thống ươm tơ dệt lụa theo hướng tiên tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, cây con giống mới, bước đầu cho kết quả tích cực.
“Chúng tôi trồng thí điểm giống dâu mới mới F1-VH15, GQ2 và TBL-3 tại các xã ở Gò Nổi (thuộc thị xã Điện Bàn), khu vực Câu Lâu, làng Xuyên Đông (huyện Duy Xuyên). Qua theo dõi thấy thổ nhưỡng ở đây khá phù hợp, cây dâu phát triển tốt trên vùng đất này. Tuy nhiên cũng có những khó khăn nhất định vì giai đoạn đầu rất quan trọng, cần thuyết phục để người nông dân cùng tham gia bằng hiệu quả từ những mô hình thí điểm. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình điểm trồng dâu nuôi tằm, phát triển cơ sở nuôi tằm con để hỗ trợ giống cho người dân” - ông Lê Hồng Vân nói.
Tiếp thu công nghệ
Song song với phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm, Quảng Nam đã và đang tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế hoạt động trên lĩnh vực tơ tằm, từng bước đưa cây con giống mới, áp dụng kỹ thuật tiên tiến để nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển ổn định, bền vững.
Trong chuyến khảo sát mới đây tại các vùng trồng dâu huyện Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn, ông Hyun Jong Nae - Giám đốc Trung tâm KOPIA Việt Nam nhận xét: “Điều kiện thổ nhưỡng ở đây khá thuận lợi phát triển cây dâu để nuôi tằm. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng dâu của Hàn Quốc cho người nông dân nhằm tạo ra chất lượng tằm tơ tốt. Đây cũng là cơ hội để phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm và cả cơ hội phát triển du lịch những năm tới. Chính quyền Quảng Nam cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực ngay từ bây giờ để tạo động lực hơn nữa cho người dân quay lại nghề này bền vững, lâu dài”.
Từ năm 2018, đề án “Dòng sông lụa” đã được Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam xúc tiến triển khai nhằm làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa của Quảng Nam.
Ông Lê Thái Vũ - Giám đốc Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam chia sẻ: “Thời gian qua chúng tôi thường xuyên kết nối với các công ty, tổ chức ở nước ngoài, nhất là Hàn Quốc với mong muốn được chia sẻ công nghệ phù hợp để áp dụng vào phục hồi lại nghề tơ tằm ở Quảng Nam, mở thêm một sinh kế cho người dân. Xa hơn, từ hệ sinh thái tự nhiên này chúng tôi mong muốn thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, làng quê và bảo tồn văn hóa bản địa của cư dân dọc theo dòng sông Thu Bồn thơ mộng”.